"Bây giờ. Trái Đất đã bớt cô đơn hơn một chút," Jon Jenkins, nhà nghiên cứu của dự án Kepler hài hước nói. "Trái Đất thứ hai" được đặt tên là Kepler-452b, cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng, trong chòm sao Cygnus.
Theo NASA, nó to hơn địa cầu 60%, và quay quanh ngôi sao mẹ ở khoảng cách phù hợp, khiến nước có thể duy trì ở trạng thái lỏng. Các nhà khoa học dự đoán nó có lực hấp dẫn gấp hai lần Trái Đất, và khả năng nó có bề mặt đá là rất cao.
Khoảng cách từ Kepler-452b đến ngôi sao mẹ của nó xa hơn so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Tuy nhiên, sao mẹ của nó sáng hơn nên nhận được năng lượng tương tự như Trái Đất nhận từ Mặt Trời. Ánh mặt trời đó cũng giống với Mặt Trời của địa cầu, Jenkins nói.
Hành tinh đó "gần như chắc chắn có khí quyển," Jenkins cho biết, mặc dù họ chưa thể khẳng định vật chất nào cấu tạo nên khí quyển của nó. Tuy nhiên, nếu suy luận của giới địa chất hành tinh học là đúng, thì Kepler-452b có khí quyển dày hơn Trái Đất, và đang có núi lửa hoạt động. Nó mất 385 ngày để quay quanh sao chủ, tương tự như Trái Đất quay quanh Mặt Trời trong 365 ngày.
Nó đã bay trong quỹ đạo này 6 tỷ năm, đủ thời gian để hình thành sự sống, Jenkins nói. "Như vậy là có cơ hội để sự sống nảy sinh tại đây, nếu có tất cả mọi thành phần và điều kiện cần thiết cho sự sống tồn tại trên hành tinh," Jenkins tuyên bố.
Trước khi phát hiện ra hành tinh này, một hành tinh khác được gọi là Kepler-186f được coi là gần giống Trái Đất nhất, NASA cho biết. Hành tinh đó to hơn Trái Đất khoảng 10 lần, và cách chúng ta 500 năm ánh sáng. Tuy nhiên, nó chỉ nhận được 1/3 năng lượng từ sao mẹ, vì thế, buổi trưa ở đó sẽ giống như buổi tối trên Trái Đất.
Kính thiên văn Không gian Kepler trị giá 600 triệu USD đi vào hoạt động kể từ tháng 3/2009. Nó có nhiệm vụ nghiên cứu sự đa dạng của hệ thống hành tinh trong Ngân Hà, đồng thời tìm kiếm các hành tinh đá giống như Trái Đất. Nó đã phát hiện hơn 1.000 hành tinh, và 12 trong số đó, bao gồm Kepler-452b, có kích thước gần gấp đôi Trái Đất, bay theo quỹ đạo quanh sao mẹ ở khoảng cách phù hợp.
Năm 2017, NASA dự định phóng vệ tinh săn hành tinh TESS. Nó sẽ cung cấp thêm cho các nhà khoa học chi tiết về kích cỡ, khối lượng, bầu khí quyển của những hành tinh có quỹ đạo bay quanh một ngôi sao. Một năm sau, kính thiên văn không gian James Webb sẽ khởi động. NASA hy vọng, nó sẽ cung cấp những bằng chứng đáng kinh ngạc về nhiều thế giới khác ngoài Trái Đất, bao gồm màu sắc, thay đổi thời tiết theo mùa, thậm chí còn có cả hệ thực vật.