Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt ý kiến về 9 vấn đề, trong đó có việc nạo vét cát trên các lòng sông. “Thủ tướng yêu cầu việc cấp phép của Bộ GTVT dừng lại, giao địa phương cấp phép”, Bộ trưởng Dũng dẫn lại chỉ đạo của Thủ tướng.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện nay, khi được cấp phép nạo vét luồng lạch lòng sông, các doanh nghiệp, lợi dụng việc ấy để khai thác cát sát bờ, gây sạt lở. Điều này khiến các địa phương phản ứng. “Đề nghị Bộ GTVT không cấp phép, dừng toàn bộ việc này lại để xem xét, để địa phương quản lý, cấp phép. Vì việc cấp phép này địa phương không biết, rồi có chuyện bảo kê, xã hội đen dọa lãnh đạo tỉnh. Đây là vấn đề bức xúc, gây mất ổn định ở địa phương. Việc nạo vét luồng lạch lòng sông thu lợi nhuận kinh khủng nếu khai thác cát trái phép đi bán”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Giải trình về vấn đề trên, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết, từ năm 2008 đến năm 2015, Cục đã cấp phép cho 66 dự án nạo vét luồng sông cho phép tận thu cát. Tuy nhiên, do những bất cập phát sinh, năm 2015 đã dừng 22 dự án, năm 2016 tiếp tục dừng 16 dự án. Các dự án còn lại sẽ kết thúc vào năm 2017 và tới năm 2018 sẽ chỉ còn 2 dự án. Các địa phương cũng cấp phép khoảng 600 mỏ khai thác cát trên sông. Ngoài ra, còn có các điểm khai thác cát không phép với khoảng 2.000 bến bãi.
Trong vấn đề quản lý, ông Giang chỉ ra hàng loạt bất cập, chồng lấn dẫn đến khó kiểm soát, xử lý. Tuy nhiên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, quy định như vậy nhưng thực tế lại khác hoàn toàn. Rồi tình trạng chồng lấn trong quản lý cũng khiến các nhà khai thác “đánh nhau”. Do đó, nếu không quản lý tốt cái này thì không chỉ riêng Bắc Ninh, riêng sông Cầu mà toàn bộ dọc tuyến sông Hồng cũng sẽ như thế.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kể: “Hôm rồi tôi về quê thấy có tình trạng dân mang cuốc xẻng ra đánh nhau với “cát tặc”. Người dân ở đây từng va chạm đổ máu với “cát tặc”. Các tàu khai thác cát trái phép thường đưa vòi hút lung tung, mâu thuẫn ngay với các đơn vị nạo vét được cấp phép. Thủ tướng đề nghị Bộ nên dừng cấp phép việc nạo vét và giao cho địa phương. Hiện địa phương phải gánh chịu hậu quả mà lại không thu được kinh phí. Để địa phương cấp phép thì lợi ích gắn liền với trách nhiệm”.
Có tiêu cực trong cơ quan quản lý?
Giải trình về việc phối hợp giữa bộ và địa phương, ông Hoàng Hồng Giang cho biết, trong các văn bản đều có quy trình đầu tiên các địa phương phải có ý kiến đồng thuận. Ông Giang cũng dẫn lại trường hợp của Bắc Ninh và Bắc Giang đã có “văn bản đồng thuận với bộ”. Hai địa phương này cũng đã thu mấy trăm triệu của nhà đầu tư cấp quỹ khai thác bảo vệ môi trường, bảo vệ đê điều…Trước thực trạng chồng chéo trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ GTVT với địa phương nên thống nhất trong việc cấp phép khai thác, đảm bảo quyền lợi của các bên. “Đấy là vấn đề liên quan đến quyền lợi”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng thừa nhận, việc khai thác cát theo hình thức tận thu sản phẩm để làm luồng lạch đang dẫn đến bất cập trong quản lý của địa phương. Chính vì vậy Thủ tướng mới nêu ý kiến có nên giao địa phương chủ động cấp phép hay không? “Tôi nghĩ là nên. Theo đó, Bộ phối hợp địa phương quản lý luồng của mình thôi, còn tận thu để địa phương căn cứ theo yêu cầu của mình và như vậy địa phương mới quản được”, Bộ trưởng GTVT bày tỏ quan điểm.
Bộ trưởng Nghĩa khẳng định, việc địa phương phản ánh về các dự án nạo vét luồng lạch là đúng. “Chỗ nạo không nạo mà toàn nạo vào bờ. Tàu đứng một chỗ nhưng cái vòi chui tận đâu đâu. Đấy là thực tế cần nhìn nhận nghiêm túc”, ông Nghĩa nói. Riêng trường hợp tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Nghĩa mong muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, làm rõ có gì tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Cục quản lý đường thuỷ nội địa hay không?
Ông Nghĩa cũng cho biết vừa rồi bộ đã tạm đình chỉ công việc đối 3 thanh tra để xem xét trách nhiệm. Các tiêu cực khác qua đợt này quyết liệt chỉ ra: một là cơ quan nhà nước, hai là xã hội đen trong hoạt động này. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nghĩa và “chốt” là nên phân cấp quyền cấp phép và quản lý việc nạo vét khơi thông luồng sông cho địa phương thay vì Cục Đường thủy nội địa.