Sông ngược
Là người có kinh nghiệm hàng chục năm thực hiện các dự án chống xói lở sông, biển ở Quảng Bình, trong đó có sông Nhật Lệ, ông Nguyễn Ngọc Giai cho rằng, Nhật Lệ là sông đặc biệt nhất Việt Nam, vì trong khi hầu hết các sông khác đều đổ ra biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, Nhật Lệ lại theo hướng Tây Nam - Đông Bắc.
Vì thế, người xưa gọi chung Kiến Giang (phụ lưu của sông Nhật Lệ) và Nhật Lệ là Nghịch Hà (sông ngược). Trước khi tác động sông Nhật Lệ, cần có nghiên cứu độc lập, không thể máy móc áp dụng mô hình của các sông khác, ông Giai nói.
Theo ông Giai, cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, cả đôi bờ Nhật Lệ, đặc biệt ngay cửa biển, sạt lở nghiêm trọng. Chỉ trong mấy năm, sông lấn vào đất liền hàng trăm mét, đường Trương Pháp cũ (đoạn từ cầu Hải Thành trở ra dài mấy trăm mét) chìm xuống sông; nhà khách Công đoàn gần bờ biển bị sạt một góc; tượng đài Trương Pháp trơ móng...
Lãnh đạo tỉnh ngày đó huy động người dân đóng cọc tre, đánh chìm mấy sà lan của quân đội để giữ đất, nhưng không thể. Sau nhiều nghiên cứu, hội thảo, phương án được đưa ra: Ngoài làm kè chống xói lở trước mắt, tạo những mỏ hàn (đổ đá từ bờ vươn ra sông theo hình chữ I hoặc chữ T) để tạo bồi, giữ ổn định lâu dài.
Nhà nước và nhân dân đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức, rồi quốc tế hỗ trợ mới giữ đôi bờ Nhật Lệ ổn định đến bây giờ. “Ngày xưa làm gì có được bãi biển Nhật Lệ đẹp như bây giờ, ngay sát mép nước là vực thẳm.
Ngay cầu cảng kiểm soát của Bộ đội Biên phòng mới xây dựng, ngày xưa ở đó sâu đến 9m, tạo ra một vùng xoáy hết sức nguy hiểm. Sông Nhật Lệ ngày này, đoạn từ cầu Nhật Lệ trở ra mở rộng như lòng chảo, đường Trương Pháp phải uốn cong theo bờ sông là do sạt lở mà ra”, ông Giải nói.
Bất thường
Ông Giai cho biết, năm 2009, trước việc cửa Nhật Lệ bị bồi lắng, UBND tỉnh Quảng Bình có chủ trương nạo vét, xin ý kiến Cục Hàng hải Việt Nam. Giáo sư Trần Đình Hợi (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) được mời làm trưởng nhóm nghiên cứu nguyên nhân bồi lắng và giải pháp khắc phục cho sông Nhật Lệ.
Theo ông Giai, đây là nghiên cứu khoa học bài bản nhất từ trước đến nay về sự bồi lắng và giải pháp khắc phục đối với sông Nhật Lệ. “Giáo sư Trần Đình Hợi là một người làm khoa học nghiêm túc. Ông ấy đã bỏ ra rất nhiều thời gian cùng với các đồng nghiệp lần lượt khảo sát, nghiên cứu từ cửa sông lên cho đến thượng nguồn để tìm hiểu về dòng chảy, lưu lượng, khí hậu, thổ nhưỡng... để đưa ra những giải pháp tối ưu cho dòng Nhật Lệ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà dự án nạo vét cửa Nhật Lệ bị dừng lại cho đến ngày nay”, ông Giai nói.
Về việc Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ của Cty Hoàng Kim Việt sẽ lấy đi 2,2 triệu m3 cát, ông Giai nói rằng, do đã nghỉ hưu mấy năm nên không cập nhật các số liệu nghiên cứu mới nhất (nếu có). Tuy nhiên, theo ông chỉ mới hơn 4 năm, từ con số khuyến cáo của Giáo sư Trần Đình Hợi là nạo vét 280.000m3, nay nhảy lên hơn 2,2 triệu m3 là bất thường.
“Làm gì thì làm, nhưng phải tính đến sự cân đối thiệt hơn, tránh phá vỡ sự cân bằng, ổn định, nếu không nguy cơ hiện hữu, đến lúc đó, thì không gì có thể bù đắp được. Đến lúc đó, tiền thuế, phí thu được từ dự án nạo vét không đủ cho vài chục mét kè để khắc phục hậu quả”, ông Giai khuyến cáo.
Theo ông Giai, sông Nhật Lệ chỉ mới bắt đầu ổn định ở bờ Nam nhờ kè chống xói lở và mỏ hàn tạo bồi, phía bờ Bắc vẫn bị xói lở. Ba lớp kè được xem là kiên cố nhất của Quảng Bình bảo vệ khu du lịch Mỹ Cảnh bị sóng trong cơn bão số 10 (năm 2013) đánh tan tành.
“Nhìn vào đó để thấy rằng con người chỉ có thể nướng vào tự nhiên, chứ không thể chống lại nó. Nếu dự án nạo vét cửa Nhật Lệ hiện nay không căn cứ trên những nghiên cứu khoa học mà đưa ra con số 2,2 triệu m3 là rất nguy hiểm. Tôi thực sự lo lắng cho những công trình hai bên bờ Nhật Lệ”, ông Giai nói.
Ở Quảng Bình hiện có hai dự án nạo vét cửa sông là Nhật Lệ và Gianh. Ở sông Nhật lệ là do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì, còn ở sông Gianh là do Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì.
Cửa Gianh là nơi ra vào “ăn” hàng của tàu bè cỡ lớn, sông Gianh được Bộ GTVT chọn là tuyến vận tải ven biển quan trọng... nhưng Cục Hàng hải Việt Nam vẫn tuân thủ khuyến cáo của Giáo sư Trần Đình Hợi, chỉ hợp đồng với doanh nghiệp nạo vét hơn 600.000m3 cát.
Còn ở cửa Nhật Lệ, chỉ có tàu cá của ngư dân, nhưng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho phép nạo vét lên đến 2,2 triệu m3.