Nạo vét cửa Nhật Lệ: Lợi cho dân hay lợi cho ai?

TP - “Nếu lấy đi hơn 2,2 triệu m3 cát ở cửa Nhật Lệ hậu quả sẽ rất khôn lường. Đường Trương Pháp dọc bờ sông thuộc phường Hải Thành và phần đuôi bán đảo Bảo Ninh của TP Đồng Hới rất khó bảo toàn, có thể sẽ bị sập xuống biển” - Một chuyên gia về cửa sông, cửa biển sống ở Quảng Bình xin được giấu tên nhận định.
Nạo vét cửa Nhật Lệ: Lợi cho dân hay lợi cho ai? ảnh 1

Ngư dân phản ánh, họ không chịu nạo vét trong luồng mà bám theo tàu mẹ để nạo vét

Những con số biết nói

Ngày 5/6/2014, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ký hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng thương mại Hoàng Kim Việt (Công ty Hoàng Kim Việt) “Thực hiện Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn cửa sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình” với trị giá gần 131 tỷ đồng.

Theo đó, với phương châm xã hội hóa, Công ty Hoàng Kim Việt sẽ nạo vét hơn 2,2 triệu m3 cát, sau đó xuất bán sang Singapore để bù đắp chi phí, thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí...

Theo như quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án do ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký: Chiều dài nạo vét gần 3km, tính từ phao số 0 vào sông Nhật Lệ; chiều rộng nạo vét phía ngoài cửa biển 400m, phía trong lòng sông 100m; cao trình đáy nạo vét -5,5m, mái dốc 7m; thời gian thi công 192 ngày.

Việc nạo vét cửa sông Nhật Lệ với khối lượng cát bị lấy đi quá lớn đang gây ra nhiều tranh cãi không chỉ trong giới khoa học. Xin được nói rõ thêm, cảng hàng hóa Nhật Lệ đã bị xóa từ năm 2010, nay chỉ còn lại cảng cá, tàu thuyền ra vào chủ yếu là của ngư dân.

Theo một tài liệu mà phóng viên Tiền Phong có được, năm 2009, khi còn cảng hàng hóa Nhật Lệ, thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực sông biển Việt Nam, thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã có công trình nghiên cứu: “Đánh giá sơ bộ điều kiện tự nhiên, khả năng bồi lấp cửa sông, luồng tàu vào cảng Gianh, Nhật Lệ và đề xuất giải pháp giảm thiểu”.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình, địa mạo, hướng gió, hướng sóng, thời tiết... để tìm ra nguyên nhân bồi lấp ở cửa Nhật Lệ, GS.TS Trần Đình Hợi, TS Trương Văn Bố cùng với các cộng sự đã rất cẩn trọng khi đưa ra khuyến cáo: Nạo vét luồng Nhật Lệ đảm bảo cho tàu 200 tấn ra vào cảng với chiều dài 2,8 km từ phao số 0 vào đến cảng; cao độ đáy nạo vét -3,5m, bề rộng của luồng 50m, khối lượng nạo vét 280.000m3.

Và việc nạo vét nên diễn ra thường kỳ vài ba năm 1 lần để tránh việc sạt lở hai bên bờ sông và cửa Nhật Lệ. Sau năm 2010, cảng hàng hóa Nhật Lệ chấm dứt sứ mệnh, để trở thành công viên Nhật Lệ, tình hình nạo vét cát để thông luồng không nóng bỏng như trước.

Tuy nhiên, không hiểu sao Cục Đường thủy nội địa lại ký hợp đồng nạo vét luồng Nhật Lệ gấp gần 10 lần so với khuyến cáo của các nhà khoa học. Trong lúc đó, các tài liệu liên quan đến Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ không hề thấy có sự tham gia của các nhà khoa học.

Một lãnh đạo quản lý ngành GTVT ở Quảng Bình cho biết: “Ban đầu họ đưa ra con số nạo vét luồng Nhật Lệ lên đến 5 triệu m3, nhưng tại phiên họp tôi đã phản đối đến cùng, sau đó họ mới đưa xuống còn hơn 2,2 triệu m3. Tôi nói thật, nếu nạo vét luồng Nhật Lệ, chỉ cần chở 5 tàu (mỗi tàu 50.000m3) là đủ. Tuy nhiên, nếu như thế thì chẳng ai dại mà làm”.

Hậu quả khôn lường

Việc lấy đi ở cửa sông Nhật Lệ một lượng cát khổng lồ đang gây quan ngại trong các nhà khoa học và người dân địa phương. Một chuyên gia về cửa sông, cửa biển ở Quảng Bình xin được giấu tên cảnh báo: Cát bồi lấp ở những cửa sông, cửa biển không phải do cát sinh sôi, mà nó tự dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác theo sóng và dòng chảy. Quy luật bên lở bên bồi là từ nguyên lý này mà ra.

Việc khoét sâu xuống lòng sông, lòng biển sẽ khiến cát hai bên bờ dịch chuyển xuống chỗ trũng để bù phần mất đi, dẫn đến việc sạt lở bờ sông, bờ biển.

“Nếu lấy đi hơn 2,2 triệu m3 cát ở cửa Nhật Lệ, hậu quả sẽ rất khôn lường. Đường Trương Pháp dọc bờ sông thuộc phường Hải Thành và phần đuôi bán đảo Bảo Ninh của TP Đồng Hới rất khó bảo toàn, có thể sẽ bị sập xuống biển” - vị chuyên gia này nhận định.

Ngư dân Nguyễn Văn Sơn ở xã Bảo Ninh cho rằng: Việc nạo vét cửa Nhật Lệ là cần thiết để tàu thuyền của ngư dân vào ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chỉ cần thông luồng ngay đoạn eo thắt với độ dài chừng 300m, rộng chừng 30m, sâu chừng 3m là đủ.

“Tui cũng không biết họ nạo vét cho ai nữa. Chỗ cạn thì không nạo vét, cứ đè ra ngoài phao số 0 mà nạo. Tui nghĩ họ nạo vét không phải vì dân chúng tôi mà nạo vì nguồn lợi riêng của họ” - ngư dân Nguyễn Văn Sơn nói.

Phóng viên Tiền Phong đã liên lạc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các ngành chức năng, người thì bận đi công tác, người thì cho rằng mình không nắm. Ngay như ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, là đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn cho biết: Sở không có đầy đủ hồ sơ, tài liệu về dự án, chỉ đến khi có công văn yêu cầu, nhà thầu mới gửi một bộ. Liên lạc với ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Công ty Hoàng Kim Việt để tìm hiểu thêm, thì ông Hùng nói đang có mặt ở TP Hồ Chí Minh, chưa biết lúc nào gặp được.

MỚI - NÓNG