Nao lòng những ngày biển động

Nao lòng những ngày biển động
TP - Tình yêu Trường Sa trong tôi ngày càng thêm sâu đậm, mỗi khi Trường Sa thân yêu gặp giông bão…

> Mặn mòi nước mắt Biển Đông
> Cập đảo Trường Sa Lớn
> Gần lắm Trường Sa

Tôi vẫn không thể nào quên câu nói của Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, người dẫn đầu đoàn công tác trong ngày chia tay: “Tôi biết ở đây có những người đã từng đi nhiều nước trên thế giới, nhưng chuyến đi tới Trường Sa mãi là chuyến đi đặc biệt mà không phải ai cũng có được”. Ngồi dưới tán cây bàng vuông ở đảo Trường Sa Lớn, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, đã trò chuyện thân mật với cánh phóng viên. Bà cho biết, trong suốt thời gian đương chức, bà luôn mong có một dịp ra Trường Sa, nhưng vì quá bận rộn nên mong ước đó tới nay mới trở thành hiện thực.

Và quả thật, để đến được Trường Sa là một chặng đường vô cùng gian nan, bởi ta phải có một quyết tâm cao để gạt bỏ mọi nỗi lo toan thường nhật, bỏ lại mọi xa hoa thị thành. Trước thời điểm tôi ra Trường Sa, đã có những tin đồn rằng tàu Trung Quốc thường xuyên lảng vảng trong hải phận của Việt Nam và nổ súng vào người mình. Điều đó làm gia đình tôi lo lắng và không muốn cho tôi đi. Thêm nữa, ông xã tuyên bố: “Yếu như em không chịu nổi say sóng đâu!” . Thế nhưng, với khao khát cháy bỏng được đặt chân tới Trường Sa của một người làm báo, nhất lại là nhà báo nữ, tôi đã thuyết phục được chồng, dù anh vẫn còn tỏ vẻ giận dỗi. Trong suốt 10 ngày tôi ra Trường Sa, anh không gọi điện, không nhắn tin. Bù lại, bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng và bạn bè lại động viên nhiều khiến tôi yên lòng. Trước khi ra sân bay để vào TPHCM tập kết, tôi ru hai con ngủ rồi len lén xách vali đi. Cô con gái lớn đã hiểu biết, thường xuyên nhắn tin cho mẹ để thông báo tình hình ở nhà. Thằng cu mới hơn hai tuổi thì quá bé để hiểu mẹ đi đâu. Chính vì vậy, khi từ Trường Sa về, thằng bé là người đầu tiên mở cửa đón mẹ với một câu chào vô cùng ngây thơ khiến tôi không kìm được nước mắt: “Mẹ về! Mẹ về! Mẹ ơi, sao mẹ đi chợ lâu thế?”.

Nhóm nữ phóng viên chúng tôi được ưu tiên bố trí ở tầng dưới cùng của tàu. Mặc dù chúng tôi quyết tâm rất cao, luôn tâm niệm trong đầu là mình không được phép say. Với sóng cấp 3, chúng tôi vẫn có thể ra boong tàu hóng mát, tán chuyện. Nhưng với sóng cấp 4,5, chẳng ai có thể trụ được. Tất cả nằm bẹp trong phòng, không ăn, không uống và… nôn. Thế nhưng, tất cả mọi khó khăn, mệt nhọc dường như tan biến khi chúng tôi đến với Trường Sa. Những tình cảm yêu thương, sự chăm sóc chu đáo nhiệt tình của lính đảo khiến chúng tôi trở nên thân thiết trong suốt chuyến đi và cả khi đã về đất liền. Tôi sẽ chẳng thể nào quên hình ảnh các chiến sỹ ở Đảo Đá Tây lội nước tới ngực ra kéo thuyền vào đảo (tàu phải đỗ ngoài xa vì sợ mắc cạn), rồi lúc chia tay, các anh cũng dầm mình trong làn nước biển trong vắt vẫy chào cho tới khi đoàn đi khuất. Nhớ tới những lúc đi biển khát nước, tu ừng ực miếng nước mà anh em bộ đội mời, rồi sau thấy xấu hổ khi phát hiện ra rằng, bể chứa nước ngọt của các anh đã gần cạn. Ấy vậy mà khi có khách đến, các anh mang nước ra đãi khách cứ như thể nhà còn nhiều nước lắm. Cam ngon, bưởi ngọt, bánh kẹo ngon mang từ đất liền ra tặng các anh, các anh không ăn, để dành tiếp khách, mà từ chối là các anh buồn vì như vậy là... chê bộ đội. Biết chị em phụ nữ thích mang sò biển, ốc biển Trường Sa về làm kỷ niệm, các anh đã bỏ cả ngủ trưa, ngụp lặn xuống biển tìm những con ốc đẹp nhất, to nhất mang về tặng. Ốc ở Trường Sa rất to, thường gấp ba bốn lần những con ốc ta hay gặp ở các bãi biển nghỉ mát. Đặc biệt có một loài ốc mà đến giờ tôi vẫn không thể nào biết tên vì các anh nhất định không nói với lý do: tên đó rất... kỳ (rồi đỏ mặt quay đi). Rồi khi trở về đất liền hơn một tháng, tôi phải mổ viêm ruột thừa. Không hiểu sao, các anh cũng biết và gọi điện hỏi thăm. Thử hỏi có niềm vui nào hơn thế không, có nỗi đau nào được xoa dịu nhanh đến thế không?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG