Ông Nguyễn Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chia sẻ, đến thời điểm này công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Bởi ngoài thời tiết nắng nóng kéo dài thì hiệu ứng phơn Tây Nam thổi mạnh đã khiến cho thảm thực bì khô khốc, cực kỳ dễ bốc cháy.
Ông Thành nói thêm, với thực trạng biến đổi khí hậu gia tăng như mấy năm nay, giải pháp căn cơ, lâu dài là cần phải bố trí nguồn kinh phí riêng dành cho việc xây dựng công trình phòng cháy, xử lý thực bì, phát đường băng ngăn cháy lan và đường ranh cản lửa giữa các hộ.
“Năm ngoái, một người dân ở xã Sơn Hồng đốt ong và một người ở xã Sơn Trung đốt rơm gây cháy rừng đều bị xử lý hình sự. Việc gây ra vụ cháy mặc dù họ không phải là cố ý, nhưng để tăng tính răn đe, nâng cao ý thức bảo vệ rừng thì việc khởi tố là cần thiết. Năm nay dù mới đầu hè nhưng nắng nóng kéo dài cũng rất lo ngại về cháy rừng”, ông Thành cho hay.
Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, nắng nóng kéo dài khiến trên 110.000 ha rừng của địa phương được nâng mức cảnh báo cháy lên cấp III, cấp IV. Ông Thanh Tùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho hay, mặc dù mới vào hè nhưng đến nay địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 điểm phát lửa trong đó 1 điểm xảy ra tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà làm thiệt hại 2,1 ha rừng.
Ông Tùng nhận định, nền nhiệt trung bình tại Hà Tĩnh năm nay cao hơn so với những năm trước. Để tránh tình trạng cháy rừng, các đơn vị kiểm lâm trên địa bàn triển khai nhiều phương án để phòng tránh, tuyên truyền nguy cơ cháy rừng đến bà con nông dân.
Nông dân đợi cơn mưa “vàng”
Không chỉ lo ngại về cháy rừng mà nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh đang mong đợi một cơn mưa “vàng” để cứu vãn những cánh đồng lúa, cây ăn quả, ngô... đang thời kỳ phát triển chờ thu hoạch nhưng chết cháy, héo úa. Ghi nhận tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cây ăn quả khô héo; ruộng đồng nứt nẻ; hồ đập, giếng nước cạn trơ đáy; hàng trăm hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt. Ông Phan Văn Lý (60 tuổi, trú thôn 9, xã Hương Thủy) chia sẻ, nắng nóng năm nay bắt đầu từ tháng 3, so với các năm trước thì sớm hơn và nắng kéo dài, gay gắt.
Trên địa bàn, nhiều hộ gia đình đến nay đã trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, dù đã khắc phục bằng cách khoan thêm giếng nhưng vẫn không có nước.
“Như gia đình tôi, mỗi ngày phải gánh 6 lần nước từ nhà khác về để sinh hoạt, nấu ăn. Không có nước để tưới cho bưởi, rau trong vườn nên nhiều cây đã bị héo và nguy cơ chết. So với những năm trước thì năm nay nắng gắt và kéo dài, có thời điểm đo được 42 độ C, chỉ ngồi trong nhà nhưng cũng nóng bức, khó thở”, ông Lý nói.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho hay, trên địa bàn hiện nay có khoảng 1.000 ha cam và bưởi nằm trong nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Trong đó, tại xã Phúc Trạch bị ảnh hưởng nặng nhất khi có khoảng hơn 10ha bưởi, cam tại vườn đồi Trạnh Nẹo do thiếu nước đã bị héo úa, vàng khô nguy cơ chết nếu nắng tiếp tục kéo dài thêm.
“Ngoài ra, qua thống kê sơ bộ trên địa bàn còn có khoảng 600 hộ dân trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu ở hai xã Hương Lâm và xã Hương Liên. Có khoảng 1.200 ha ngô và đậu héo úa, vì nắng hạn nguy cơ mất trắng”, ông Vinh cho hay.
Còn tại Nghệ An, một số huyện như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu... có hàng ngàn hecta lúa bị hạn, nhiều diện tích phải bỏ hoang vì thiếu nước, một số hệ thống kênh mương hồ tưới tiêu trơ đáy.
Ông Nguyễn Đình Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Cả 3 nguồn nước chính phục vụ sản xuất của xã là đập Khe Ngang, Trạm bơm Giáp Làng và Trạm bơm Cầu Bần đều không thể đáp ứng đủ lượng nước cho sản xuất. Lúa đang kỳ tỉa dặm, chăm bón thì gặp hạn nặng, khó sinh trưởng tiếp được nữa nếu thời tiết tiếp tục nắng hạn. Hệ thống kênh mương điều tiết nước cũng cạn trơ đáy”.