Năm Du lịch quốc gia 2023 diễn ra ở Bình Thuận có gì nổi bật?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống...

Người dân cùng làm du lịch

Năm Du lịch quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” có 204 sự kiện, hoạt động. Trong đó: 13 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức.

Tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức chuỗi 31 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế diễn ra xuyên suốt năm 2023. Ngoài ra, 41 tỉnh, thành tổ chức 164 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023.

Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 dự kiến tổ chức vào tháng 3/2023 tại Phan Thiết. Lễ trao giải chung kết cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045” dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023. Lễ bế mạc và chào đón năm mới 2024 dự kiến tổ chức vào ngày 30/12/2023 tại Phan Thiết.

Năm Du lịch quốc gia 2023 diễn ra ở Bình Thuận có gì nổi bật? ảnh 1

Bình Thuận mong muốn người dân cùng đồng hành với chính quyền để làm du lịch.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, năm 2023, các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đến sức khỏe; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững.

Mục tiêu song hành của Năm du lịch quốc gia tại Bình Thuận là tạo điều kiện cho tất cả người dân cùng làm du lịch và được hưởng lợi từ du lịch. Về lâu dài, người dân sẽ cùng đồng hành với chính quyền để làm du lịch. Không chỉ riêng nông dân, các thành phần khác cũng được hưởng lợi từ du lịch.

Những năm trở lại đây, sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy.

Hiện nay, Bình Thuận tiếp tục triển khai mô hình “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam” với chương trình tham quan, như: Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long, tham quan các vườn thanh long chong đèn, khám phá hoa thanh long nở, trải nghiệm sản xuất thanh long kết hợp thưởng thức ẩm thực chế biến từ thanh long; tổ chức các sản phẩm và dịch vụ đi kèm trong chương trình tham quan.

Các điểm tham quan như: Nhà vườn Sáu Trúc, trang trại Bình An với các chương trình trải nghiệm du lịch nông nghiệp thăm, hái, thưởng thức các sản phẩm dưa lưới, nho, thanh long, bưởi, dừa, câu cá… cùng các tour, tuyến, điểm du lịch khác như tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai, huyện Tánh Linh; xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc…

Trên cơ sở các mô hình này, tỉnh Bình Thuận giới thiệu sản phẩm du lịch đến các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa khách đến tham quan; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch.

Du lịch cộng đồng

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận, tỉnh đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái rừng - thác - hồ - biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm và đặc biệt du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân.

Năm Du lịch quốc gia 2023 diễn ra ở Bình Thuận có gì nổi bật? ảnh 2

Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”.

Ngoài các điểm du lịch sinh thái như: Núi Tà Cú, Bàu Trắng… tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều mô hình, mở nhiều tour, tuyến, điểm du lịch như: Tour khám phá lòng hồ Hàm Thuận kết hợp tham quan các loại cây trồng trên các đảo của lòng hồ Hàm Thuận; tham quan trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; tham quan điểm du lịch sinh thái hồ Sông Lòng Sông, vườn trái cây Sáu Trúc, trang trại Bình An, Cù Lao Câu, suối khoáng nóng Bưng Thị…

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức gần 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kỹ năng du lịch với số lượng gần 4.000 học viên cho các thành phần khác nhau, trong đó chủ yếu là tập huấn về kỹ năng bán hàng, ứng xử, phục vụ khách du lịch cho người lao động và cộng đồng dân cư.

Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp; UBND các địa phương đẩy mạnh sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến nâng cao chất lượng từng điểm du lịch nhằm thu hút khách.

MỚI - NÓNG