Tự bạch của tay chơi số má
Ông Quận, ngụ quận 12, TP HCM, tuổi Mùi nên những gì gắn với loài dê ông đều sưu tập về bày trong đại sảnh. Để săn được cái sừng linh dương ưng ý, ông cho biết đã cất công đi khắp vùng rừng Bắc-Trung-Nam. Là tay chơi đồ rừng thứ dữ nên ông Quận lập hẳn một bản đồ thú thuộc Sách đỏ để tiện… săn: "Săn ở đây không phải là mình cầm súng vào rừng bắn giết. Săn như vậy, trước vi phạm pháp luật, sau nếu bắn nhầm người coi như tiêu. Săn ở đây cũng không có chuyện mình mua hẳn con linh dương về giết thịt rồi lấy sừng. Làm vậy nếu bị phát giác là tội hình sự vì vi phạm pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã" - ông Quận, bộc bạch.
- Vậy anh săn sừng linh dương như thế nào?
- Tôi lập bản đồ để đánh dấu nơi nào có nhiều nai cà tông, nơi nào có nhiều heo rừng, hươu xạ… hay linh dương để dễ kiếm tìm. Ví như ở vùng rừng Lạc Dương (Lâm Đồng) từng được ghi nhận là thánh địa của loài linh dương, tôi sẽ tìm đến, hay cho người nếu có dịp đi qua ghé hỏi thăm người dân tộc Cil bản xứ có còn lưu giữ những cái sừng linh dương mà ngày trước họ từng săn bắn lấy thịt, nếu còn thì mình… mua lại!
Chừng như thấy câu trả lời của mình vẫn chưa rõ ràng lắm, ông Quận giải thích thêm. Ông bảo người Cil như nhiều tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, ngày trước mỗi khi săn được thú lấy thịt, họ thường lấy cặp sừng để đánh dấu chiến tích, hay treo trong nhà làm cảnh. Việc của dân săn đồ rừng như ông là tìm đến hỏi mua hay trao đổi bằng món này món nọ.
Từ bầy đàn đông đúc, nay loài linh dương gần như tuyệt chủng ở nhiều vùng rừng.
Lời giải thích này của ông Quận gợi cho tôi nhớ đến những lần ghé buôn làng của người Chơro ở Mã Đà (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Thuở hồng hoang, trai tráng người Chơro sau chuyến đi săn thì cái đầu của con vật (con thú bị bắn-PV) và bộ xương hàm của nó sẽ được trao cho người bắn mũi tên đầu tiên hạ gục con thú. Nếu chàng trai nào có được nhiều hàm thú thì sẽ được cộng đồng nể trọng. Và những chiếc hàm thú ấy sẽ theo anh chàng thợ săn đến khi trở thành ông lão và cả lúc về với đất. Già làng Dương Văn Dương, ở ấp Lý Lịch (xã Phú Lý) cho biết, ngày trước gia đình nào cũng treo la liệt đầu và xương hàm thú nhưng sau này, do chiến tranh, do có người hỏi mua, cho tặng nên chẳng mấy ai còn giữ ngoài già làng Tơ Tơ, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Lý.
Với các chuyên gia sinh học hay những ai quan tâm đến sự tồn vong của các loài thú hoang dã thì sự suy giảm về số lượng của loài linh dương là thông điệp buồn… nhưng với dân mê săn đồ độc mà cụ thể ở đây là săn sừng linh dương, sự thể hoàn toàn trái ngược. Một tay chơi tên Vững, có cùng sở thích như ông Quận nói rằng nếu sừng linh dương mà nhiều như sừng trâu sừng bò thì chẳng giá trị gì: "Khoan nói chuyện tác dụng phong thủy, chữa bệnh, chỉ riêng việc linh dương được nằm trong Sách đỏ Việt Nam đủ để thấy cái sừng của nó là… đồ quý”.
Lời chào bán sừng linh dương trên mạng.
Anh Phường, 43 tuổi, ngụ quận 7, thường ghé chợ giả cổ Lê Công Kiều (quận 1) săn đồ rừng tiết lộ, không chỉ sừng linh dương, dân chơi còn săn lùng sừng của nhiều loài thú hoang khác như sừng bò tót, sừng hươu nai, sừng con mang, sừng trâu rừng. Phường nói rằng thú chơi sừng động vật quý hiếm như chơi tranh, lúc họa sĩ còn sống thì những bức tranh chẳng mấy giá trị. Nhưng khi họa sĩ tài ba mất đi rồi, lúc đó ông ta sẽ được tôn vinh và những bức tranh sẽ lên giá vùn vụt: "Mấy cái sừng thú, nhất là sừng linh dương cũng vậy thôi. Một ngày nào đó, khi núi rừng vắng bóng nó, khi người ta tuyên bố không tìm thấy nó ở núi rừng Việt Nam nữa thì khi ấy cái sừng của nó sẽ rất rất có giá trị".
"Báu vật" của… dân "bệnh hoạn”
Không chỉ có giá trị với dân mê đồ độc có xuất thân từ núi rừng, sừng linh dương còn được một số người hoạt động trong ngành đông y, đặc biệt là các quý ông tích cực dòm ngó.
Một quý ông mà tôi gặp ở phố đông dược Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) đang nuôi hy vọng săn được cái sừng linh dương để năm con dê bày biện "cho hên" và mài lấy bột tẩm bổ, trò chuyện: "Sừng linh dương là vị thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh. Bột lấy từ sừng của nó uống để thải độc ra ngoài cơ thể rất hay. Đông y quan niệm người ta đau bệnh do cơ thể ứ độc mà ra. Với người khỏe độc chất được bài thải qua đường mồ hôi, tiêu tiểu tiện. Nhưng vì lý do nào chất độc ứ lại trong người, lâu ngày hóa bệnh. Đông y quan niệm chỉ cần trục hết độc chất thì khỏi bệnh ngay. Cái sừng của loài linh dương rất thần hiệu trong lĩnh vực ấy"?!
Tôi từng gặp cảnh người ta mài sừng tê giác, vảy tê tê để chữa bệnh nan y chứ sừng linh dương thì hơi bị lạ. Sừng tê giác thì ai cũng rõ, các lương y, chuyên gia khoa học đã dày công nghiên cứu và kết luận rằng cái sừng ấy chẳng hề có tác dụng diệt ung thư như nhiều người vẫn lầm tưởng. Còn cái đông y gọi là xuyên sơn giáp kỳ thực là lớp vảy của tê tê, còn gọi là con trút. Người ta tin con trút nhờ có lớp vảy như vảy rồng, cứng như sắt thép nên nó có biệt tài xuyên sơn. Căn cứ vào đặc tính này của loài tê tê, người ta tin chiếc vảy của nó khi mài thành bột uống sẽ tiêu bệnh.
Cách đây 3 năm, khi đến vùng núi Thiên Cấm Sơn (An Giang), lúc ghé đỉnh Bồ Hong, tôi gặp người đàn ông tên Vĩnh khi ông đến đây mua tê tê về chữa bệnh ung thư tử cung cho vợ. Dù được khuyên nên đưa bà nhà lên Bệnh viện Ung Bướu TP HCM chữa trị nhưng ông bảo rằng một đạo sĩ ở núi Tà Lơn (Campuchia) chỉ cho người bạn thân của ông dùng vảy và máu mật của tê tê để tiêu trừ bệnh tật… Gần một năm sau cuộc gặp trên đỉnh Bồ Hong, tôi gọi điện hỏi thăm thì đầu dây bên kia, ông Vĩnh với giọng trầm buồn nói rằng vợ ông đã qua đời cách đây 6 tháng!
Thú chơi sừng linh dương dưới nhiều hình thức (làm chuôi dao) đã khiến loài thú này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trở lại với tác dụng thực của sừng linh dương. Qua tham khảo từ các y văn, chúng tôi ghi nhận hoàn toàn không có chuyện thải bách độc đặng diệt ung thư. Sừng linh dương được y học cổ truyền gọi là "linh dương giác" dùng làm thuốc điều hòa gan, chữa được bệnh mờ lòa mắt, sợ sệt, sốt cao...
Danh y Tuệ Tĩnh trong “Nam dược thần hiệu” ghi sừng linh dương vị mặn, tính hàn, không độc, trị cổ trướng, lở, thấp, nhiệt phong, kinh giản, loạn huyết và chướng khí. Không nhắc gì đến chuyện có thể diệt ung thư! Dầu vậy, dân săn linh dương giác làm thuốc không quan tâm đến điều đó.
Ngày lại ngày, tại đâu đó họ vẫn âm thầm lùng mua cái sừng của loài thú nhút nhát hiền lành này. Bằng chứng là mới đây, tôi được một tay chơi khoe anh ta vừa săn được cặp sừng sơn dương tại một quầy hàng lưu niệm ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa). Nhìn tấm hình mà tay chơi nọ gửi khoe, tôi đếm có cả thảy 5 bộ sọ sừng sơn dương được bày trên chiếc kệ gỗ. Nếu đúng là sừng thật thì hình ảnh này đồng nghĩa với việc có 5 con thú ở rừng bị hạ gục!
Loài thú bên bờ vực thẳm
Sách đỏ Việt Nam cho biết linh dương hay sơn dương là dê rừng, thuộc họ trâu bò, thuộc bộ ngón chẵn, được người Mường gọi là nai đá, người Thái gọi tu dương, người Nùng gọi tu kết… Là loài thú cỡ lớn, con trưởng thành trên 150kg, toàn thân phủ lông dày, sừng ngắn (10-15cm) cong về phía sau, đuôi rất ngắn, sơn dương kiếm ăn ở lưng chừng núi đá và trên các đỉnh núi với thức ăn là cỏ, lá, cành cây nhỏ, mầm cây, quả cây, rêu trên vách đá. Mùa sinh sản của linh dương tập trung vào tháng 3-4, động dục ghép đôi vào tháng 8-10, thời gian có chửa 140-210 ngày, mỗi lứa đẻ 1 con…
Những chiếc sừng được cho là của loài linh dương của một tay chơi.
Sống trên độ cao từ 50-2.000m so với mặt nước biển, nhiều tài liệu sinh học nghiên cứu về loài sơn dương hay linh dương cho biết phạm vi phân bố của chúng rất rộng, đổ dài từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn… đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Từng một thời nhiều vô kể nhưng ngày nay, do thịt ngon làm thực phẩm, lông da xương có nhiều giá trị nên số phận của loài linh dương vô cùng bi đát. Sách đỏ Việt Nam ghi nhận: "Số lượng sơn dương không nhiều, ngày càng trở nên hiếm, nhiều nơi không còn sơn dương do săn bắn bừa bãi quá mức và chưa có biện pháp bảo vệ thích hợp".
Trong dược điển “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc”, tiến sĩ sinh học Võ Văn Chi lưu ý về sơn dương: "Được đưa vào Sách đỏ vì số lượng ngày càng ít dần, cấm săn bắn và cần khoanh vùng các khu bảo vệ".
Không đợi đến khi Sách đỏ Việt Nam điểm danh, những năm gần đây, khi đến thăm nơi cư trú của các tộc người Bahna, Jrai, Êđê, M'nông, Xơ-đăng, Ca Dong… ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum, hỏi thăm về tông tích của loài linh dương cùng các loài thú quý khác như cọp, bò tót, nai cà tông…, đâu đâu chúng tôi cũng ghi nhận được những câu trả lời không mong đợi từ các bậc lão niên với các cụm từ ngắn gọn "hết rồi", "sạch rồi".
Cần nói rõ rằng các tỉnh thuộc Tây Nguyên kể trên từng là vùng sơn lâm nhung nhúc bóng dáng các đàn sơn dương. Cách đây 3 tháng, khi đến huyện Tu-mơ-rông (tỉnh Kon Tum), qua trò chuyện với cụ A Phen, người Xơ-đăng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở huyện này, tôi được cụ kể cho nghe trước đây sơn dương nhiều lắm, đi thành từng bầy 4-5 con, còn bây giờ thì loài thú tinh khôn có bước chân nhẹ như gió vô cùng hiếm.
Trong quá khứ và trong tự nhiên, Sách đỏ Việt Nam ghi nhận kẻ thù của linh dương là các loài thú ăn thịt cỡ lớn như hổ, báo… Nhưng giờ đây, muốn hay không người ta cũng phải bổ sung danh sách kẻ thù của loài thú này còn có con người. Mà đâu chỉ linh dương, loài người cũng là kẻ thù của hổ, báo, voi, gấu, tê giác…
Được trời phú cho sức vóc to lớn, khỏe mạnh với răng nanh, móng vuốt sắc nhọn nhưng các loài mãnh thú trên còn không tự bảo vệ được mình trước sự rình rập của con người thì nói chi loài thú hiền lành, nhút nhát như linh dương. Nhân năm Ất Mùi, tìm hiểu về cái sừng của loài dê rừng đang được nhiều dân chơi dòm ngó, chúng tôi ghi nhận được câu chuyện buồn như thế!