Myanmar vẫn căng thẳng sau 'ngày đẫm máu'

0:00 / 0:00
0:00
Người biểu tình ở Yangon tiếp tục đối đầu với lực lượng an ninh trong ngày 1/3. Ảnh: Reuters
Người biểu tình ở Yangon tiếp tục đối đầu với lực lượng an ninh trong ngày 1/3. Ảnh: Reuters
TP - Hôm qua, một tòa án Myanmar đưa ra thêm cáo buộc chống lại nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, luật sư đại diện cho bà cho biết, trong khi nhiều người dân tiếp tục xuống đường biểu tình bất chấp chiến dịch trấn áp của lực lượng an ninh đã làm thiệt mạng ít nhất 18 người vào ngày hôm trước.

Theo Reuters, bà Suu Kyi trông khỏe mạnh khi tham gia một phiên tòa theo hình thức trực tuyến ở thủ đô Naypyitaw và bà đã yêu cầu được gặp đội pháp lý của mình, theo lời luật sư Min Min Soe.

Bà Suu Kyi, lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi chính phủ của bà bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/2 và bà đã bị giam giữ cùng với các lãnh đạo đảng khác.

Ban đầu bà bị buộc tội nhập khẩu bất hợp pháp sáu bộ đàm. Sau đó, cáo buộc vi phạm luật thảm họa do thiên tai, cụ thể là vi phạm các quy định phòng chống coronavirus đã được thêm vào bản cáo trạng.

Luật sư Min Min Soe nói, một cáo buộc đã được bổ sung, căn cứ theo bộ luật hình sự với nội dung cấm công bố thông tin “gây sợ hãi hoặc hoảng loạn” hoặc phá vỡ “sự yên bình của công chúng”. Phiên xử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15/3.

Trong ngày 1/3, cảnh sát với vòi rồng cùng xe quân đội đã được điều đến những điểm nóng biểu tình ở Yangon. Trong khi đó, người biểu tình tuần hành tại Kale, phía tây bắc Myanmar.

Myanmar đã rơi vào hỗn loạn kể từ khi quân đội nắm chính quyền sau khi họ cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 với kết quả NLD giành chiến thắng vang dội.

Các nhân chứng nói, khi bà Suu Kyi xuất hiện trong phiên tòa trực tuyến, cảnh sát thành phố Yangon đã sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán người biểu tình, một ngày sau vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc đảo chính.

Chưa có thông tin thương vong nào trong ngày 1/3 nhưng hôm 28/2, cảnh sát ở nhiều nơi đã nổ súng vào đám đông biểu tình, khiến 18 người thiệt mạng.

 “Đã một tháng kể từ hôm xảy ra đảo chính. Họ đã đàn áp chúng tôi bằng các vụ xả súng ngày 1/3. Hôm nay chúng tôi lại xuống đường ”, người mà Reuters mô tả là “thủ lĩnh biểu tình” Ei Thinzar Maung nói trên Facebook.

Quân đội Myanmar chưa đưa ra bình luận về tình trạng bạo lực hôm 28/2. Cảnh sát và phát ngôn viên quân đội đã không trả lời các cuộc gọi, theo Reuters.

Mỹ sẽ hành động?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tố cáo điều mà ông gọi là “bạo lực ghê tởm” của lực lượng an ninh, trong khi ngoại trưởng Canada Marc Garneau  mô tả việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực gây chết người là “kinh khủng”.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau đó cho biết Mỹ đang chuẩn bị hành động nhưng sẽ tham vấn đồng minh trước.

Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc (LHQ) về nhân quyền ở Myanmar nói cộng đồng quốc tế nên có phản ứng tập thể.

Ông kêu gọi một lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, lệnh trừng phạt từ nhiều quốc gia hơn đối với những nhân vật đứng sau cuộc đảo chính, các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp của quân đội và một đề xuất của Hội đồng Bảo an LHQ lên Tòa án Hình sự Quốc tế.

“Những lời lẽ lên án được hoan nghênh nhưng không đủ. Chúng ta phải hành động”, ông Andrews nói trong một tuyên bố.

Chính quyền quân sự đã hứa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới nhưng chưa ấn định ngày.

Văn phòng Nhân quyền LHQ nói “các trường hợp tử vong (hôm 28/2) được báo cáo là do bị bắn bằng đạn thật” ở nhiều địa điểm, bao gồm ở Yangon, thành phố lớn nhất, ở Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku, CNN dẫn theo một tuyên bố từ người phát ngôn Ravina Shamdasani.

Tuyên bố lên án “bạo lực leo thang” và kêu gọi chính quyền quân sự “ngay lập tức ngừng sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình ôn hòa”, nói rằng “người dân Myanmar có quyền tập hợp trong hòa bình và yêu cầu khôi phục nền dân chủ”.

Theo Reuters, Nyi Nyi Aung Htet Naing, một kỹ sư internet trẻ tuổi, nằm trong số những nạn nhân đầu tiên thiệt mạng hôm 28/2 ở Yangon, một ngày trước khi  bị bắn chết đã đăng trên Facebook dòng trạng thái: #How_Many_Dead_Bodies_UN_Need_To_Take_Action” (Cần có thêm bao nhiêu người chết nữa để LHQ bắt đầu hành động).

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.