Đại sứ Myanmar giữ nguyên vị trí tại LHQ dù bị chính quyền quân sự sa thải

0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Kyaw Moe Tun trong cuộc họp ngày 26/2.
Đại sứ Kyaw Moe Tun trong cuộc họp ngày 26/2.
TPO - Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kyaw Moe Tun vẫn sẽ tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, bất chấp việc chính quyền quân sự Myanmar ra quyết định sa thải ông này.

Trả lời phỏng vấn Reuters, đại sứ Kyaw Moe Tun cho biết: “Tôi quyết định sẽ chiến đấu đến chừng nào có thể.”

Trước đó, truyền hình nhà nước Myanmar hôm thứ Bảy đưa tin ông Kyaw Moe Tun đã bị chính quyền quân sự sa thải vì “phản bội đất nước”.

Tuy nhiên, LHQ chưa chính thức công nhận chính quyền quân sự mới của Myanmar do chưa nhận được thông báo nào, một quan chức LHQ cho biết, với điều kiện giấu tên. Do đó, ông Kyaw Moe Tun hiện vẫn là đại sứ của Myanmar.

Người phát ngôn của LHQ - Stephane Dujarric cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến những thay đổi đối với đại diện của Myanmar tại LHQ ở New York.”

Tại cuộc họp ngày 26/2, ông Kyaw Moe Tun đã kêu gọi LHQ “dùng tất cả các biện pháp có thể để chống lại cuộc đảo chính của quân đội Myanmar, mang lại sự an toàn và an ninh cho người dân Myanmar”.

Đại sứ Myanmar giơ cao biểu tượng 3 ngón tay - biểu tượng của người biểu tình phản đối đảo chính, ủng hộ dân chủ. Bài phát biểu của ông nhận được tràng pháo tay cổ vũ từ các đồng nghiệp tại LHQ.

Theo tờ Al Jazeera, “rất hiếm khi” một đại sứ tại LHQ lên tiếng phản đối các sự kiện ở quốc gia của mình. Quốc gia duy nhất trước đó từng làm điều tương tự là Libya.

Cũng tại cuộc họp, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, đã cảnh báo rằng không quốc gia nào nên công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar.

Nếu quân đội Myanmar, do Tướng Min Aung Hlaing đứng đầu, cố gắng tìm kiếm sự công nhận của quốc tế bằng cách đưa đến Liên Hợp Quốc một phái viên mới, thì họ có thể gây ra một cuộc tranh cãi ở cơ quan này, cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng.

LHQ trước đây từng phải giải quyết các cuộc cạnh tranh về quyền đại diện.

Hồi tháng 9/2011, Đại hội đồng đã thông qua yêu cầu của Libya về việc công nhận các đặc phái viên của chính phủ lâm thời. Động thái này được tiến hành sau khi Mỹ, Nga, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu đều đã công nhận chính quyền mới.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG