Đại sứ Myanmar giơ biểu tượng phản đối đảo chính trong phiên họp LHQ

Đại sứ Myanmar trong phiên họp ngày 26/2 tại LHQ. Ảnh: Twitter
Đại sứ Myanmar trong phiên họp ngày 26/2 tại LHQ. Ảnh: Twitter
TPO - Theo tờ Al Jazeera, “rất hiếm khi” một đại sứ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) lên tiếng phản đối các sự kiện ở quốc gia của mình. Quốc gia duy nhất trước đó từng làm điều tương tự là Libya.

Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ sau khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự và lên nắm quyền vào ngày 1/2. Lãnh đạo chính phủ - bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác đã bị bắt giữ.

Một loạt vị trí quan trọng trong chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đã bị quân đội thay thế. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa thay thế Đại sứ Myanmar tại LHQ - ông Kyaw Moe Tun.

Phát biểu thay mặt chính phủ của bà Aung San Suu Kyi hôm 26/2, Đại sứ Kyaw Moe Tun đã kêu gọi LHQ “dùng tất cả các biện pháp có thể để chống lại quân đội Myanmar, mang lại sự an toàn và an ninh cho người dân Myanmar”.

“Chúng ta cần những động thái mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, nhằm chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn việc đàn áp người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ”, ông Kyaw Moe Tun nói.

Đại sứ Myanmar giơ cao biểu tượng 3 ngón tay - biểu tượng của người biểu tình phản đối đảo chính, ủng hộ dân chủ.

Bài phát biểu của ông nhận được tràng pháo tay cổ vũ từ các đồng nghiệp tại LHQ.

Cũng tại cuộc họp đặc biệt về Myanmar, phái viên Kyaw Moe Tun đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ ra tuyên bố công khai lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính.

Ông kêu gọi các quốc gia không công nhận, không hợp tác với chính phủ quân sự, yêu cầu quân đội tôn trọng cuộc bầu cử dân chủ năm ngoái, và kêu gọi các quốc gia “ngăn chặn hành vi bạo lực của lực lượng an ninh chống lại những người biểu tình ôn hòa”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho một chính phủ, một chính phủ của nhân dân, vì nhân dân”, ông Kyaw Moe Tun nói.

Theo tờ Al Jazeera, “rất hiếm khi” một đại sứ tại LHQ lên tiếng phản đối các sự kiện ở quốc gia của mình. Quốc gia duy nhất trước đó từng làm điều tương tự là Libya.

Đặc phái viên LHQ về Myanmar, Christine Schraner Burgener, cũng thúc đẩy cơ quan này đưa ra “tín hiệu rõ ràng ủng hộ dân chủ”, đồng thời khuyến cáo không quốc gia nào nên công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar.

Nhà ngoại giao cho biết bà đã bị quân đội chặn không cho đến thăm Myanmar.

“Có vẻ như họ muốn tiếp tục thực hiện các vụ bắt giữ quy mô lớn, bà Burgener nói.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Myanmar Now hôm thứ Sáu cho biết bà Aung San Suu Kyi đã bị chuyển từ nơi quản thúc đến một địa điểm không được tiết lộ.

Theo Theo Al Jazeera
MỚI - NÓNG