Nỗ lực giải quyết khủng hoảng Myanmar

Biểu tình ở Yangon đòi trả tự do cho bà Suu Kyi Ảnh:AP
Biểu tình ở Yangon đòi trả tự do cho bà Suu Kyi Ảnh:AP
TP - Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi hôm qua đến Bangkok, Thái Lan trong nỗ lực điều phối phản ứng khu vực đối với cuộc khủng hoảng do cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 ở Myanmar gây ra.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra ở Yangon và các thành phố khác ở Myanmar phản đối đảo chính và yêu cầu phe quân sự đưa chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi trở lại cầm quyền.

Theo hãng tin AP, cũng đến Thái Lan trong ngày hôm qua còn có đại tá quân đội đã nghỉ hưu Wunna Maung Lwin, ngoại trưởng được chính phủ quân sự mới ở Myanmar bổ nhiệm, một quan chức Thái Lan nói với điều kiện giấu tên vì ông không được phép tiết lộ thông tin.

Một quan chức Thái Lan khác nói, ông Wunna Maung Lwin đã gặp gỡ ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, một cựu tổng tư lệnh quân đội nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự. Quan chức này cũng nói với điều kiện giấu tên.

Chưa có thông tin liệu bà Marsudi có gặp nhà ngoại giao Myanmar hay không. Indonesia và các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách thúc đẩy một số nhượng bộ từ phía quân đội Myanmar để có thể xoa dịu căng thẳng trước khi có thêm bạo lực ở nước này. Theo AP, ASEAN tin rằng, đối thoại với phe quân đội là phương pháp hiệu quả hơn để đạt được nhượng bộ so với các phương pháp đối đầu khác, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt, thường được quốc gia phương Tây ủng hộ.

Trong khi các nỗ lực ngoại giao diễn ra, biểu tình tiếp diễn nhiều nơi ở Myanmar. Hôm 20/2, cảnh sát và binh lính đã bắn chết hai người ở thành phố Mandalay khi họ giải tán cuộc đình công của công nhân bến tàu.

Hôm qua, khoảng 150 người từ một nhóm Cơ đốc giáo đã tập trung tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, kêu gọi khôi phục nền dân chủ và trả tự do cho bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự khác bị giam giữ kể từ ngày diễn ra đảo chính.

Áp lực quốc tế cũng đang tăng lên, với hơn 130 nhóm xã hội dân sự gửi thư ngỏ cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi một lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar.

Đã có những lệnh cấm vận vũ khí trong quá khứ đối với Myanmar trong thời kỳ quân đội cai trị nhưng không phải trên quy mô toàn cầu. Trung Quốc và Nga, cả hai thành viên của Hội đồng Bảo an, đều nằm trong số các nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Myanmar và gần như chắc chắn sẽ phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Liên Hợp Quốc nhằm thông qua một lệnh cấm vận vũ khí chung.

Nhưng các nỗ lực khu vực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng của Myanmar có hiệu quả như thế nào vẫn là điều chưa rõ ràng.

Nếu ngoại trưởng Marsudi của Indonesia gặp người đồng cấp Myanmar ở Thái Lan, điều đó sẽ cho phép họ nói chuyện trực tiếp, tránh những tranh cãi có thể xảy ra bắt nguồn từ chuyến thăm Myanmar của bà Marsudi.

Các quốc gia phương Tây đã tìm cách gia tăng áp lực lên chính quyền quân sự trong tuần này. EU cảnh báo rằng, họ đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp thuộc sở hữu của quân đội Myanmar. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số tướng lĩnh quân đội và cảnh báo rằng, có thể có nhiều hành động hơn.

Những người chỉ trích cuộc đảo chính, đặc biệt là ở Myanmar, cho rằng một chuyến thăm như vậy sẽ tương đương với việc công nhận chế độ quân sự là hợp pháp. Đã có tin tức cho rằng, một chuyến thăm như vậy sắp xảy ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah hôm 24/2 cho biết, bà Marsudi để ngỏ khả năng đến thăm thủ đô Naypyidaw của Myanmar, nhưng đã tạm dừng mọi kế hoạch vào lúc này.

Trong ASEAN, Indonesia đã đi đầu trong các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng một số nhà hoạt động ở Myanmar lo ngại rằng, bất kỳ thỏa thuận nào với chính quyền quân sự sẽ mang lại tính hợp pháp cho họ và cả việc họ hủy bỏ kết quả bầu cử tháng 11 năm ngoái, theo Reuters.

Thể hiện một phần lo ngại này, vài chục người biểu tình đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Thái Lan ở Yangon với các biển hiệu: “Hãy tôn trọng lá phiếu của chúng tôi” và “Chúng tôi đã bỏ phiếu cho NLD” (chính đảng của bà Suu Kyi, nắm quyền từ 2015 trước khi bị đảo chính - PV).

MỚI - NÓNG