Trong buổi họp báo trước thềm Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung diễn ra tại Washington tuần tới, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, phát biểu tại Trung tâm Báo chí nước ngoài Washington hôm 18/6 rằng, một điều chắc chắn là phía Mỹ quyết tâm tránh các cuộc xung đột quân sự, trong đó có xung đột với Trung Quốc.
“Nói một cách thẳng thắn, chúng tôi không gặp vấn đề ở biển Đông. Biển Đông là vấn đề quan trọng trong các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cơ bản không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước liên quan khác. Đó là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Và đó là vấn đề giữa Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, ông Russel nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ hy vọng Trung Quốc hành động theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế, cũng như quyết tâm duy trì quan hệ tích cực, lành mạnh với các nước láng giềng. Ông Russel nói rằng, việc Trung Quốc tiếp tục cải tạo, mở rộng xây dựng các cơ sở trên những tiền đồn ở biển Đông gây quan ngại cho Mỹ và các nước trong khu vực.
Ông nói rằng, việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa những tiền đồn ở quần đảo Trường Sa là đi ngược lại mục tiêu giảm căng thẳng. “Và đó là lý do chúng tôi liên tục thúc giục Trung Quốc dừng cải tạo, ngừng xây dựng thêm cơ sở, không tiếp tục quân sự hóa các tiền đồn ở biển Đông”, ông Russel nói.
Ông Russel khẳng định, Mỹ muốn Trung Quốc có quan hệ tốt với các nước láng giềng và với Mỹ, muốn duy trì nguyên tắc tự do hàng hải và tự do bay, nguyên tắc làm rõ tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, và nguyên tắc tự kiềm chế mà Trung Quốc và các nước liên quan cam kết bằng văn bản từ năm 2002.
Ông Russel cho biết, những vấn đề này sẽ tiếp tục được nêu tại Đối thoại An ninh chiến lược trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế và Chiến lược sắp tới. “Điều chúng tôi tìm kiếm là một khu vực biển Đông mà ở đó những thuyền cá nhỏ nhất của Philippines, Việt Nam hay Malaysia có thể đi qua vùng biển quốc tế với sự tự tin giống như một tàu chiến lớn nhất của Mỹ di chuyển trong cùng khu vực”, ông Russel nói.
Không mạo hiểm đối đầu
Trong khi đó, TS Xue Li, Giám đốc Phòng Nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, có bài viết “Mỹ và Trung Quốc sẽ không xung đột quân sự vì biển Đông” đăng trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat.
Học giả này cho rằng, về vấn đề biển Đông, lợi ích của Mỹ bao gồm bảo đảm hòa bình và ổn định, tự do hàng hải và hoạt động quân sự trong các vùng đặc quyền kinh tế. Duy trì cân bằng sức mạnh hiện nay được coi là điều kiện chủ yếu để bảo đảm những lợi ích này và một Trung Quốc trỗi dậy với hàng loạt hoạt động hung hăng ở biển Đông là mối đe dọa đối với trật tự thế giới hiện nay.
TS Li cho rằng, biển Đông không phải là lợi ích quốc gia cốt lõi đối với Mỹ; quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines không quan trọng bằng quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản, và quan hệ giữa Mỹ và các nước ASEAN còn yếu hơn nhiều.
“Trong hoàn cảnh Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc kinh tế lẫn nhau và sức mạnh tổng thể của Trung Quốc, Mỹ khó có thể đi xa đến mức đối đầu quân sự với Trung Quốc ở biển Đông”, ông Li nói. Học giả này cho rằng, quan hệ năng động giữa Mỹ và Trung Quốc tác động đến việc giải quyết xung đột, rằng ở một khía cạnh nào đó, tranh chấp ở biển Đông đã phát triển thành mâu thuẫn cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cả hai đều không mạo hiểm xung đột quân sự với nhau.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp gần đây với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói: “Khi vẫn còn những khác biệt, thái độ của chúng ta là chấp nhận những khác biệt với điều kiện tránh hiểu nhầm, và quan trọng hơn là tránh tính toán sai lầm”.
Hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp hôm 9/6 cho thấy, Trung Quốc đã mở rộng trái phép diện tích Subi thêm 74% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng. Nghĩa là mỗi ngày Trung Quốc bồi đắp thêm 8 mẫu vào Subi. Đá Vành Khăn cũng đã tăng thêm một nửa diện tích.