Mỹ sẽ dùng lực lượng tuần duyên đối đầu dân quân biển Trung Quốc?

Một tàu tuần duyên Mỹ hoạt động gần tuần dương hạm USS Philippine Sea
Một tàu tuần duyên Mỹ hoạt động gần tuần dương hạm USS Philippine Sea
TPO - Những người ủng hộ sức mạnh biển của Mỹ trong nhiều năm đã lập luận rằng hải quân Mỹ cần phải lớn hơn để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy.

Nhưng còn các lực lượng trên biển khác của Mỹ thì sao? Trong tuyên ngôn chiến lược hàng hải mới của mình, giới lãnh đạo Mỹ đã đưa ra một ý tưởng mới: mở rộng nhiệm vụ cho lực lượng tuần duyên của Mỹ.

Chiến lược hàng hải mới của Mỹ đã làm rõ vấn đề là gì. “Ba lực lượng trên biển của chúng tôi đã theo dõi với sự báo động về sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” Giám đốc tác chiến hải quân, đô đốc Michael Gilday, Tư lệnh Tuần duyên Karl Schulz và Tư lệnh Thủy quân lục chiến, tướng David Berger cùng đứng tên tác giả bản chiến lược, viết.

 “Các hành động gây hấn của Trung Quốc đang phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong khi năng lực và khả năng quân sự ngày càng tăng của họ đang làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ ở mức đáng báo động,” Forbes dẫn lời các vị tướng lĩnh nói thêm.

“Trung Quốc đã thực hiện chiến lược và cách tiếp cận theo chủ nghĩa xét lại nhằm vào trung tâm sức mạnh hàng hải của Mỹ. Họ tìm cách làm xói mòn quản trị hàng hải quốc tế, ngăn cản quyền tiếp cận các trung tâm hậu cần truyền thống, ngăn cản quyền tự do trên biển, kiểm soát việc sử dụng các điểm nghẽn chính, ngăn cản sự tham gia của chúng ta trong các tranh chấp khu vực và thay thế Mỹ trở thành đối tác ưu tiên ở các nước trên thế giới”.

Để đạt được mục tiêu lâu dài đó, theo phía Mỹ, Bắc Kinh triển khai hiệu quả hạm đội tổng hợp lớn nhất thế giới — một lực lượng khổng lồ gồm khoảng 700 tàu chiến, tàu tuần duyên và tàu dân quân giả dạng tàu đánh cá.

Những con tàu này phối hợp hoạt động để chiếm các vùng biển tranh chấp, gây xung đột với tàu của các nước đối thủ và can thiệp vào các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân quân đặc biệt gây khó chịu cho các nhà lập kế hoạch của Mỹ, vì các hoạt động của họ thường ở dưới ngưỡng đảm bảo một phản ứng toàn diện bằng hải quân. Ví dụ, khi một “đội tàu đánh cá” của Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi vùng biển quốc tế, cả Philippines và đồng minh của họ là Mỹ khó có khả năng phái tàu chiến đến để phản ứng “hành vi dân sự” như thế.

“Các vùng biển đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các hành vi xung đột dưới ngưỡng chiến tranh và lợi ích gia tăng từ các hoạt động xấu có thể tích lũy thành lợi thế lâu dài,” các vị tướng lĩnh Mỹ viết.

Các nhà chiến lược có một thuật ngữ để chỉ phổ sức mạnh này nằm ở đâu đó trên hòa bình nhưng dưới chiến tranh: "vùng xám." Các hoạt động hải quân trong vùng xám của Trung Quốc đòi hỏi một phản ứng trong vùng xám, các vị tướng giải thích. "Chúng ta phải cạnh tranh trong những không gian này."

Và đó là nhiệm vụ của Tuần duyên Mỹ. Lực lượng ven biển với các tàu vũ trang hạng nhẹ, sức bền cao và chuyên thực thi đảm bảo pháp luật có tiềm năng hoạt động như lực lượng hàng hải vùng xám của Mỹ.

"Hồ sơ sứ mệnh của tuần duyên khiến họ trở thành đối tác an ninh hàng hải ưa thích của nhiều quốc gia dễ bị cưỡng bức", các vị tướng viết. “Việc tích hợp chức năng thi pháp luật, bảo vệ nghề cá, an toàn hàng hải và an ninh hàng hải của tuần duyên với năng lực của hải quân và thủy quân lục chiến mở rộng các lựa chọn mà chúng tôi cung cấp cho các chỉ huy lực lượng”.

MỚI - NÓNG