Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng có hiệu lực trong 10 năm, ngắn hơn thời gian mà Mỹ đề nghị ban đầu, các hãng tin lớn như AP, Reuters… dẫn lời một số quan chức cấp cao trong chính phủ Philippines ngày 27/4. Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể được mở rộng, tùy thuộc nhu cầu của hai đồng minh lâu đời nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.
Các quan chức cho rằng, thỏa thuận là bước đi rất ý nghĩa trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang khu vực này, trong lúc Mỹ đang tự rút khỏi những cuộc chiến tốn kém ở Iraq và Afghanistan. Thỏa thuận được ký trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại các khu vực tranh chấp trên biển Đông.
Binh sĩ, khí tài Mỹ hiện diện lâu hơn
Thỏa thuận được ký chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Manila hôm 28/4, trong hành trình kéo dài cả tuần của ông chủ Nhà Trắng tới bốn nước đồng minh châu Á. Theo chương trình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ Philip Goldberg ký Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng trong sáng nay.
Theo đó, Mỹ sẽ được luân chuyển tàu, máy bay và binh sĩ theo chu kỳ dài hơn so với giới hạn tối đa 2 tuần hiện nay, trong khi hai nước cùng tập trận. Mỹ dự kiến triển khai đội tàu chiến, một phi đội F18 hoặc F16 cùng máy bay giám sát biển tới Philippines, một quan chức Philippines nói.
Năm ngoái, 149 tàu Hải quân Mỹ sang thăm Philippines, nhiều hơn 68 tàu so với năm trước đó. Theo thỏa thuận mới, con số này có thể tăng hơn nữa. “Chúng tôi đang xem xét lập các căn cứ ở bắc Luzon như thành phố Clark, vịnh Subic và pháo đài Magsaysay làm nơi đóng quân cho lực lượng Mỹ. Chúng tôi sẽ để dành chỗ ở những căn cứ đó cho quân đội của họ”, một nguồn tin quân sự Philippines nói với Reuters.
Clark và Subic là hai căn cứ quân sự mà Mỹ duy trì ở vùng tây bắc Manila cho đến năm 1991, khi Thượng viện Philippines bỏ phiếu đóng cửa. Tám năm sau đó, Thượng viện Philippines chấp nhận thỏa thuận cho phép các lực lượng Mỹ thực hiện các chuyến thăm ngắn hạn và quân đội hai nước tập trận chung.
Một tài liệu mật của chính phủ mà AP có được không nói rõ sẽ có thêm bao nhiêu quân nhân Mỹ được triển khai trên cơ sở “tạm thời và luân chuyển”, mà con số cụ thể sẽ phụ thuộc quy mô hoạt động quân sự chung diễn ra ở các trại lính của Philippines.
Thỏa thuận mới sẽ thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn giữa các lực lượng Mỹ và Philippines, nâng cao năng lực của quân đội Philippines 120.000 quân trong việc giám sát, bảo vệ lãnh thổ, cũng như đối phó thiên tai và các tình huống khẩn cấp khác.
“Việc bố trí trước trang thiết bị sẽ cho phép đối phó kịp thời các thảm họa”, tài liệu viết. Thỏa thuận mới cho phép quân Mỹ dự trữ thiết bị cứu trợ nhân đạo và đồ cứu trợ thảm họa như máy phát điện, máy lọc nước, xe nâng hàng, lều… tại Philippines. Một số thiết bị đã được đưa đến Philippines và sử dụng sau khi siêu bão Hải Yến tàn phá miền trung Philippines vào tháng 11 năm ngoái.
Mấy năm gần đây, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng, Philippines đề nghị Mỹ giúp hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân của mình, AP đưa tin ngày 27/4. Các tàu bán quân sự của Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough ở vùng biển tây bắc Philippines năm 2012. Năm ngoái, các tàu tuần duyên của Trung Quốc được triển khai tại bãi cạn Second Thomas (bãi Cỏ Mây thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam), nhằm ngăn phía Philippines cung cấp lương thực và luân phiên lính thủy đồn trú tại đó.
Ông Pio Lorenzo Batino, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng đoàn đàm phán Philippines, nói rằng, thỏa thuận mới phù hợp Hiến pháp Philippines, nghĩa là lực lượng của Mỹ sẽ không được hiện diện vĩnh viễn và sẽ không lập các căn cứ quân sự ở Philippines. Nhưng Thượng nghị sĩ Philippines Miriam Defensor-Santiago cho biết sẽ xem kỹ thỏa thuận vì việc triển khai quân đội và thiết bị chiến tranh của nước khác phải được Thượng viện thông qua, trừ khi nó liên quan thỏa thuận trước đó.
Trấn an Philippines
“Tiếp nối chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tháng 12/2013, chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Philippines vào tháng 4/2014 sẽ nâng cao sự tự tin của Philippines vào chiến lược tái cân bằng với châu Á trong thời điểm cựu thuộc địa của Mỹ đang đối mặt áp lực ngày càng tăng từ phía Trung Quốc”, ông Termsak Chalermpalanupap công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cựu thành viên Ban Thư ký ASEAN, nhận xét khi trao đổi với Tiền Phong.
Hiện Philippines chào mời Mỹ tiếp cận những cơ sở phục vụ việc luân chuyển quân, trong đó có quyền sử dụng căn cứ hải quân trên tỉnh đảo Palawan, trong khi đó, Mỹ đang chuyển khí tài quân sự, hàng hóa hậu cần tới Subic để biến vịnh này thành trung tâm cơ sở dịch vụ và hỗ trợ khu vực phục vụ Hải quân Mỹ, ông Chalermpalanupap cho biết.