Mỹ - Nhật điều chỉnh hướng dẫn hợp tác quốc phòng

TP - Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên điều chỉnh lại hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương sau gần 20 năm, trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.

Vấn đề xem xét lại hướng dẫn được thúc đẩy nhờ quyết định diễn giải lại khoản 9 Hiến pháp của chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, cho phép Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) ngày 9/10 thông tin.

Một báo cáo song phương cuối cùng về hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sẽ được công bố trước cuối năm 2014. Theo đó, sẽ tính đến các thay đổi chính để Nhật Bản tăng cường sức mạnh phòng vệ và phòng thủ khu vực, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng quân sự cho Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Một quan chức Mỹ nói rằng, hướng dẫn quốc phòng mới sẽ đạt phạm vi lớn hơn trong liên minh hợp tác Mỹ-Nhật, phản ánh bản chất toàn cầu hơn. Sáng kiến điều chỉnh hợp tác quân sự nổi lên trong cuộc đối thoại an ninh chiến lược 2+2 giữa các quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ-Nhật năm 2013.

Theo quan chức Mỹ, cài đặt lại quan hệ quân sự Mỹ-Nhật thích hợp với chiến lược “xoay trục” châu Á của Mỹ, củng cố cam kết tái cân bằng khu vực của Mỹ, đồng thời cổ vũ các nước đồng minh đảm nhận trách nhiệm an ninh lớn hơn.

Hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản Koji Kano nhận xét rằng, những gì Mỹ và Nhật Bản cần nhắm đến ngày nay khác xa so với thời điểm năm 1997. “Điều cốt yếu là làm sao Nhật và Mỹ có thể phản ứng tốt hơn với môi trường an ninh hiện tại”, ông Kano nói.

Báo cáo tạm thời đặc biệt nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản theo đuổi “một quan hệ đối tác rộng lớn hơn, thông qua tăng cường năng lực và chia sẻ trách nhiệm lớn hơn”.

Defensenews nói rõ Mỹ - Nhật sẽ thiết lập một chương trình hợp tác rộng lớn bao gồm phản ứng trước thảm họa, cải thiện hệ thống để làm sao ra quyết sách đối phó khủng hoảng, công tác chỉ huy điều khiển, tình báo mạng, chia sẻ thông tin tình báo, chương trình phát triển tên lửa và chiến đấu cơ, trang bị quốc phòng và hợp tác công nghệ. 

Theo báo cáo, việc điều chỉnh lại hợp tác quân sự Mỹ-Nhật sẽ “đem lại lợi ích cho khu vực và hơn thế nữa”, ám chỉ thực tế lực lượng phòng vệ Nhật có thể tự do tác chiến bên ngoài lãnh thổ nhờ việc giải thích lại hiến pháp. Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản đã cam kết tiếp tục theo đuổi chính sách an ninh và ngoại giao hòa bình.

Báo cáo được công bố ngay sau chuyến công du dài ngày sang châu Á của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work. Mỹ tham vấn các đồng minh và tiếp thêm động lực cho chiến lược “tái cân bằng” châu Á- Thái Bình Dương.

Trong cuộc đối thoại tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ ngày 30/9, Thứ trưởng Work mạnh mẽ tuyên bố rằng, Mỹ sẽ hậu thuẫn đồng minh Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông khẳng định, Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, theo điều 5 của hiệp ước an ninh song phương, Mỹ chắc chắn sẽ phản ứng bằng quân sự nếu nước khác có mưu toan chiếm đoạt quần đảo này.

Ông còn xem Nhật Bản như “hòn đá tảng trong các đồng minh ở châu Á”. Theo báo Nhật Bản Asahi Shimbun, trước cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Trung bên lề Hội nghị APEC tại Bắc Kinh, Nhật Bản vừa tăng cường 2 tàu tuần tra loại 1.500 tấn bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Nhật bản có kế hoạch đóng 10 tàu loại này để triển khai ở biển Hoa Đông.

Phản ứng trước việc Mỹ-Nhật điều chỉnh lại hợp tác quân sự, Trung Quốc cho biết đang “theo dõi sát sao”, đồng thời cảnh báo Nhật Bản và Mỹ không nên “can thiệp” vào các lợi ích của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Không nên vượt quá quy mô hợp tác song phương. Không nên làm tổn hại lợi ích của một bên thứ 3 như Trung Quốc”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.