Mỹ ngầm săn tin tặc Nga

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố sẽ trả đũa những nỗ lực của Nga nhằm tác động đến cuộc bầu cử. Ảnh: ABC News
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố sẽ trả đũa những nỗ lực của Nga nhằm tác động đến cuộc bầu cử. Ảnh: ABC News
TP - Khi Dmitry Ukrainsky, một người Nga bị tình nghi là tội phạm mạng, bị bắt tại một resort ở Thái Lan vào hè năm ngoái. Giới chức Mỹ hy vọng có thể đưa Ukrainsky về New York xét xử, nhưng chính quyền Nga nhanh chóng thuyết phục Thái Lan không dẫn độ.

Các quan chức Mỹ hiểu điều đó nghĩa là, nếu Ukrainsky lên máy bay về Mátxcơva, người này sẽ sớm trở lại công việc trước màn hình máy tính.

Ông Obama lên tiếng

Tranh cãi xung quanh trường hợp của Ukrainsky cho thấy giới chức Mỹ không dễ bắt những người Nga mà họ cáo buộc là tin tặc. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng chính các tin tặc Nga tác động lên quy trình, nếu không nói là kết quả, của chiến dịch tranh cử và bầu cử tổng thống đầu tháng 11 và nhiều vụ tấn công vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Mỹ trong nhiều năm gần đây.

“Chính quyền Mỹ tiếp tục thực hiện hoạt động săn lùng không thể chấp nhận được nhằm vào người Nga trên khắp thế giới, phớt lờ các quy tắc của luật pháp quốc tế và vặn tay các nước khác”.

 Bộ Ngoại giao Nga (chỉ trích việc Mỹ lùng bắt các công dân Nga bị cáo buộc là hacker)

Hôm qua, ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ trả đũa những nỗ lực của Nga nhằm tác động đến cuộc bầu cử. “Chúng ta cần hành động” và “chúng ta sẽ làm như vậy”, ông Obama nói trong cuộc trả lời phỏng vấn NPR News. Bình luận này cho thấy ông Obama, trong những tuần cuối cùng còn tại nhiệm, có thể sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga hoặc đáp trả bằng cách nào đó trong không gian mạng.

Với câu hỏi vì sao ông Obama không làm gì ngay khi biết thông tin hệ thống bầu cử bị tấn công, NBC News dẫn lời một số quan chức chính phủ Mỹ nói rằng, Nhà Trắng nghĩ bà Hillary Clinton sẽ chắc thắng và không muốn can thiệp vào cuộc bầu cử. Nhưng ông Obama có vẻ đã không ngồi yên. Một quan chức Mỹ cho biết ông đã giáp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Trung Quốc để tuyên bố sẽ đáp trả nếu các cuộc tấn công tin tặc vẫn tiếp tục, NBC News đưa tin.

Bị bắt khi đi du lịch

Chính phủ Mỹ chia hacker làm hai nhóm: nhóm trực tiếp thuộc chính phủ hoặc được chính phủ tài trợ, và nhóm tội phạm độc lập. Nhưng giới chức Mỹ nói rằng, các cuộc tấn công tin tặc từ Nga không thể phân loại dễ dàng như vậy. Mỹ cáo buộc chính phủ Nga ngầm hỗ trợ nhiều nhóm tin tặc tư nhân và thỉnh thoảng thuê họ làm việc
tự do.

Báo New York Times dẫn lại vụ việc xảy ra vào tháng 5/2009, khi các mật vụ Mỹ gặp người đồng cấp ở Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) tại Mátxcơva. Phía Mỹ nói họ đang điều tra một tin tặc đã cài mã độc vào phần mềm mà một số doanh nghiệp Mỹ dùng để xử lý giao dịch liên quan thẻ tín dụng. Hacker này đã đánh cắp hàng triệu số thẻ tín dụng và bán ở chợ đen trên mạng. Phía Mỹ cung cấp tên của nghi phạm là Roman Seleznev và bí danh mà người này sử dụng trên mạng. Các đặc vụ Mỹ lần theo dấu vết trên mạng và phát hiện Seleznev đang ở thành phố Vladivostok của Nga, nên đề nghị phía Nga bắt giúp. Nhưng trong vài tuần, tất cả dấu hiệu liên quan Seleznev biến mất khỏi Internet.

Trong một vụ khác xảy ra năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ đóng cửa 2 mạng lưới máy tính toàn cầu bị sử dụng để đánh cắp hàng triệu đô la Mỹ. Chiến dịch Tovar có sự tham gia của các cơ quan tình báo khắp thế giới. Mục tiêu nhắm đến là Evgeniy M. Bogachev, 30 tuổi, đang ở Nga. Trong trường hợp này, FBI xác định được người ngồi sau máy tính là ai. Thông thường, giới chức Mỹ dựa vào bí danh hoặc địa chỉ Internet, nhưng không thể biết người ngồi bên bàn phím là ai, trừ khi tin tặc vụng về tự để lộ. Nhưng trong trường hợp của Seleznev, FBI tìm kiếm tài khoản email Yahoo mà người này dùng để đăng ký với một số máy chủ trong vụ lừa đảo thẻ tín dụng và phát hiện ra những hóa đơn Seleznev mua hoa gửi tặng vợ.

Trong vụ tấn công vào hệ thống email của đảng Dân chủ Mỹ và những vụ khác nhằm vào cuộc bầu cử Mỹ năm nay, giới điều tra Mỹ kết luận thủ phạm là những người có liên hệ với chính phủ Nga. Nhưng việc xác định chính xác tên tuổi của những người đó không hề dễ dàng. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ trong tuần này nói rằng, các nhà điều tra vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp.

Nếu vụ này được làm sáng tỏ, quá trình xử lý sẽ giống như vụ năm 2014, khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 5 người thuộc quân đội Trung Quốc với cáo buộc tấn công các mạng lưới máy tính của Mỹ. Bản cáo trạng kết nối 5 người này với các địa chỉ email và bí danh trên mạng, nhưng không tiết lộ cách mà giới điều tra Mỹ đưa ra những kết luận này.

Những cáo buộc hình sự có ý nghĩa thực tế hơn vì sẽ khiến hacker không thể tự do đi lại và không thể dùng tiền đánh cắp được ở bất kỳ nước nào khác, ông Leo Taddeo, quan chức hãng bảo mật Cryptzone, cựu đặc vụ FBI, giải thích. “Bạn giam họ trong nhà tù trải dài 11 múi giờ nhưng cũng khá khó chịu”, ông Taddeo nói. Có những trường hợp tin tặc bị bắt khi đang đi du lịch. Tháng 7/2013, các đặc vụ Mỹ bắt hacker Nga Aleksandr Andreevich Panin khi người này đang ở Dominica. Panin sau đó bị kết án hơn 9 năm tù vì tội bán phần mềm giả mạo, gây ra vụ trộm gần 1 tỷ USD.

Trong trường hợp của Seleznev, sau khi tìm thấy hóa đơn mua hoa và những mối liên hệ khác, giới chức Mỹ lên kế hoạch bí mật để bắt người này khi anh ta đi nghỉ ở Maldives. Seleznev bị bắt ở sân bay Maldives năm 2014 và bị giải ngay lập tức về đảo Guam thuộc Mỹ rồi chuyển về thành phố Seattle. Seleznev bị tòa án Mỹ kết án vào tháng 8 năm đó với 38 tội danh liên quan kế hoạch mà giới công tố Mỹ nói rằng đã khiến các doanh nghiệp thiệt hại hơn 169 triệu USD.

Chính phủ Nga tuyên bố vụ bắt giữ Seleznev là vụ “bắt cóc trái luật”. Mátxcơva cũng phủ nhận vai trò trong vụ tấn công vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ Mỹ và chỉ trích những nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm bắt các công dân Nga khi họ ra nước ngoài.

Theo nhiều chuyên gia, Mỹ có rất ít lựa chọn để đối phó các vụ tấn công tin tặc. Giới chức Mỹ đã cung cấp danh sách cho nhiều lực lượng cảnh sát địa phương để họ bắt giữ nghi phạm khi họ rời khỏi Nga. Nhưng trong hầu hết trường hợp, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ không bắt được người họ muốn.

Theo Theo New York Times, Washington Post
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.