Giải vây?
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin giấu tên từ ngành đóng tàu Pháp ngày 13/3 cho hay, ngoài STX, hãng chế tạo Pháp DNCS, đơn vị cùng tham gia chương trình đóng tàu Mistral cho Nga, cũng được nhận đơn hàng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Khi Pháp bắt đầu “trò chơi chuyển hay không chuyển” tàu Mistral, người Mỹ đã đặt hàng họ đóng mới các tàu vận tải dân sự cỡ lớn vì STX có công xưởng chuyên biệt để đóng loại tàu này. Với giá trị hợp đồng lớn hơn thỏa thuận đóng tàu Mistral cho Nga, nên việc trì hoãn hợp đồng với Moscow không còn quá quan trọng đối với Paris”, hãng thông tấn RIA Novosti đăng tải.
Tàu Mistral Vladivostok |
Hiện chưa rõ, số lượng tàu và giá trị hợp đồng phía Mỹ đặt hàng với xưởng STX.
Ngày 11/3, Thủ tướng Pháp Manuel Vall tuyên bố, Paris đã quyết định giữ lại các chiến hạm lớp Mistral và sẽ chịu trách nhiệm về quyết định này bất chấp yêu cầu bồi thường hợp đồng từ Moscow.
Đồng thời Pháp vẫn đóng chiếc Mistral thứ hai theo đúng kế hoạch và vẫn chạy thử nghiệm chiếc tàu này mà không hề mời đại diện từ phía Bộ Quốc phòng Nga đến chứng kiến.
Những tuyên bố và hành động này cho thấy Pháp đang ngày càng chắc chắn việc sẽ không bàn giao hai tàu Mistral cho phía Nga theo hợp đồng đã được ký kết. Tuy nhiên, nếu không bàn giao, hai con tàu này sẽ là tổn thất lớn cho uy tín của Pháp và đặc biệt là thiệt hại về kinh tế cho nhà máy sản xuất.
Đồng thời, việc Nga yêu cầu bồi thường cũng làm dấy lên quan ngại khi Washington đã tạo sức ép để Paris cắt đứt hợp tác quân sự, kinh tế với Moscow mà không hề có bất kỳ biện pháp nào bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu những thông tin về các bản hợp đồng mới với Mỹ là xác thực thì Pháp chắc chắn sẽ thêm động lực để không bàn giao hai tàu Mistral này cho Nga.
Việc chuyển giao các chiến hạm lớp Mistral đang là chủ đề nóng trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và Pháp. Theo đúng kế hoạch, tàu Mistral đầu tiên mang tên Vladivostok phải chuyển giao cho phía Nga trong tháng 11/2014. Chiếc con lại mang tên Sevastopol bắt đầu chạy thử từ tháng 1/2015.
Với tổng giá trị thỏa thuận đạt 1,2 tỷ euro cho 4 tàu chiến lớp Mistral (2 chiếc đóng tại Pháp, 2 chiếc đóng tại Nga), nếu đổ vỡ, phía Pháp phải có trách nhiệm bồi thường tối thiểu là 3 tỷ euro cho phía Nga.
Vì sao Nga muốn mua tàu đổ bộ Mistral?
Với chiều dài 199m, chiều rộng 32m và lượng giãn nước là 21.600 tấn, Mistral là chiến hạm lớn hai của Hải quân Pháp chỉ đứng sau tàu sân bay Charles de Gaule và là tàu đổ bộ lớn nhất trong các tàu cùng loại tại châu Âu hiện nay.
Tàu lớp Mistral có kết cấu khoang đáy khá lớn, được chia làm nhiều khoang, mỗi khoang chứa đều được lắp đặt 1 hoặc 2 thang máy phục vụ việc vận chuyển xe cơ giới và trực thăng. Khoang đầu tiên là boong phóng máy bay. Khoang này có một sân bay rộng khoảng 6.400 m2, được bố trí 6 vị trí cho 6 máy bay trực thăng có thể cất cánh cùng một lúc. Khoang chứa máy bay có thể chứa 16 máy bay trực thăng hạng nặng hoặc 35 máy bay trực thăng hạng nhẹ.
Nếu được trang bị thêm một mô đun dốc nhảy trượt, dài 15-20m, Mistral có thể đảm nhiệm vai trò của một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ, có thể bố trí triển khai các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng hoặc đường băng ngắn kiểu Harrier và F-35.
Quân đội Nga rất muốn sở hữu tàu đổ bộ lớp Mistral của Pháp.
Tàu đổ bộ lớp Mistral còn có khoang chứa chuyên dụng với diện tích 2.650 m2 để chở trang thiết bị phục vụ cho các chiến dịch của hải quân. Nó có thể chở một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, hoặc một thiết đội 13 xe tăng hạng nặng Leclerc và 46 xe các loại khác. Các tàu Mistral có thể vận chuyển tới 450 quân, với các chiến dịch ngắn hạn có thể tăng gấp đôi lên 900 quân.
Ở đuôi tàu được thiết kế với một cửa lớn, bên trong khoang đó có thể làm ngập nước trợ giúp hoạt động của tàu đổ bộ đệm khí. Khoang chứa này rộng 885 m2 có thể triển khai được 4 tàu đổ bộ thông thường loại CMT. Các tàu Mistral có thể mang 2 đổ bộ đệm khí loại LCAC.
Hệ thống phòng vệ của Mistral gồm hai tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Simbad dùng cho tên lửa Mistral. Tổ hợp này được tích hợp hệ thống ra đa dẫn đường hồng ngoại với tầm hoạt động hơn 6 km cung cấp khả năng phòng thủ trước máy bay và tên lửa hành trình đối hạm, hai tổ hợp pháo phòng không hải quân Breda-Mauser 30mm được sử dụng tiêu diệt tàu tuần tiễu cỡ nhỏ, phòng không tầm ngắn, máy bay, trợ giúp tấn công các xe thiết giáp hỗ trợ cho lính thủy đổ bộ lên bờ biển và bốn súng máy M2-HB Browning 12,7mm.
Hệ thống radar của tàu Mistral có thể phát hiện các mục tiêu tầm thấp và trung bình ở các khoảng cách tới 140 km và các mục tiêu ở khoảng cách tới 180 km ở chế độ cảnh giới không gian 3 chiều tầm xa. Trong chế độ tự vệ, nó có thể phát hiện và theo dõi mối đe dọa bất kỳ trong vòng bán kính 60 km.
Sức mạnh của Mistral trong tác chiến thuỷ lục phối hợp nằm ở khả năng đổ quân nhanh với số lượng lớn các xe chiến đấu hạng nặng trên các địa hình bờ biển phức tạp. Đồng thời, các máy bay trực thăng từ Mistral có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ phức tạp ở khoảng cách xa hay những hoạt động quân sự nằm sâu trong đất liền.