Mỹ đưa thủy quân lục chiến tới Nepal cứu trợ thảm họa động đất

Trận động đất kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề tại Nepal. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trận động đất kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề tại Nepal. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, lực lượng thủy quân lục chiến nước này sẽ triển khai máy bay quân sự, thiết bị chuyên dụng hạng nặng và các nhân viên điều khiển không lưu tới Nepal từ ngày 2/5, như một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này sau trận động đất hủy diệt 7,8 độ richter hồi tuần trước.

Phát biểu trước báo giới, Chuẩn tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ Paul Kennedy cho biết theo một thỏa thuận đạt được với Chính phủ Nepal đầu tuần này, Mỹ sẽ điều sáu máy bay quân sự, trong đó có hai trực thăng, cùng khoảng 100 lính thủy quân lục chiến và thiết bị chuyên dụng tới Nepal.

Quân đội Mỹ sẽ giúp Kathmandu xử lý khối lượng hàng cứu trợ ngày càng nhiều, vấn đề đang cản trở hoạt động của sân bay quốc tế duy nhất ở Nepal.

Tướng Kennedy cho biết thêm Mỹ không tham gia các hoạt động điều khiển không lưu tại sân bay Kathmandu, hành động sẽ làm dấy lên những nghi ngại về vấn đề chủ quyền.

Sau cuộc họp nội các hôm 30/4, Nepal đã quyết định lập quỹ tái thiết trị giá 2 tỉ USD nhằm khắc phục hậu quả của thảm họa động đất vừa qua. Khoảng 200 triệu USD trong số này sẽ được chính phủ rót ngay tức thì, trong khi số còn lại trông chờ các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế. 

Nội các Nepal quyết định mỗi gia đình có người thân thiệt mạng trong thảm họa động đất sẽ nhận khoảng 1.000 USD trợ cấp tức thì, cộng với 400 USD chi phí chôn cất hoặc hỏa táng.

Sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Nepal Ram Sharan Mahat kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế giúp xây dựng lại nhà cửa, bệnh viện, tòa nhà lịch sử… bị hư hại sau trận động đất khiến hơn 6.300 người thiệt mạng.

Đáp lại, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 30-4 tuyên bố sẵn sàng tăng cường viện trợ cho Nepal. Phát ngôn viên IMF Gerry Rice cho biết một đội ngũ chuyên gia của họ sẽ đến Nepal trong thời gian sớm nhất để đánh giá thiệt hại, nhu cầu tài chính.

Theo hãng tin IANS, các quốc gia và tổ chức từ thiện đã đóng góp gần 60 triệu USD vào quỹ cứu trợ do Thủ tướng Nepal Sushil Koirala lập ra. Ngoài ra, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và nhiều quốc gia cũng đã thông báo hỗ trợ Nepal bằng tiền mặt lẫn hiện vật.

Riêng Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) hôm 30-4 kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp 8 triệu USD để giúp nông dân Nepal đứng dậy. Theo FAO, mối quan tâm chính hiện nay là bảo đảm nông dân Nepal không bỏ lỡ vụ trồng lúa, bắt đầu vào cuối tháng 5 tới. Trước mắt, FAO sẽ giúp 20.000 hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề nhất khôi phục kế sinh nhai.

Trong khi đó, ngày  1/5, Chính phủ Việt Nam đã quyết định viện trợ khẩn cấp cho nhân dân Nepal 50.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả trận động đất. Cùng ngày, đoàn công tác đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ hiện ở thủ đô Kathmandu - Nepal cho biết có thêm một số nhóm người Việt Nam đã an toàn. Trong đó, nhóm 5 người bị kẹt trên núi Namche dự kiến về Việt Nam từ tối 1-5, nhóm 9 người khác sẽ rời Kathmandu vào sáng 2-5.

Theo Theo Vietnam+/ Người Lao động
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.