Bà Rensje Teerink xác nhận 'không biết họ đang ở đâu hoặc có thể đã ở đâu" và hầu hết trong số 1.000 người mất tích là khách du lịch ở các khu vực Langtang và Lukla, nơi được coi là "cổng vào" dẫn tới Everest. Trong khi đó, 12 người châu Âu được xác định đã chết.
Tuy nhiên, Telegraph dẫn lời một quan chức EU giấu tên cho rằng đa số những người này nhiều khả năng sẽ được tìm thấy an toàn và vẫn mạnh khoẻ, nhưng hiện chưa rõ tình trạng của họ do việc khó tiếp cận các khu vực chịu ảnh hưởng.
Trước đó hãng tin Reuters ước tính thời điểm xảy ra trận động đất có khoảng 300.000 khách nước ngoài có mặt tại Nepal để du lịch và leo núi. Các quan chức nhận được rất nhiều cuộc gọi từ những người bạn và người thân của du khách.
Theo Liên Hợp Quốc, sau trận động đất 7,8 độ Richter hôm 25/4, hơn 130.000 ngôi nhà bị phá huỷ ở thủ đô Kathmandu và hơn 6.200 người thiệt mạng.
Hiện các nhân viên cứu hộ đang cố gắng tới những khu vực xa xôi hẻo lánh ở Nepal để tìm người sống sót, trong khi các nhà ngoại giao đang gặp khó khăn trong việc tìm người mất tích, do nhiều khách "phượt" không đăng ký với các đại sứ quán khi đến nước này.
Hôm 30/4, một thiếu niên 15 tuổi được cứu từ đống đổ nát sau khi bị chôn vùi suốt 5 ngày. Cậu bé tiết lộ sống sót nhờ vắt nước từ quần áo ướt để uống, tuy nhiên cậu cũng đã đến sát cửa tử thần khi lả đi vì kiệt sức. Chỉ đến khi nghe máy ủi đang dỡ từng tấm bê tông cùng đất đá trên đầu, cậu mới tỉnh lại và le lói tia hy vọng được cứu thoát khỏi đống đổ nát.