Mỹ chưa chắc đánh chặn được tên lửa Triều Tiên

Thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa GMD tại bang California tháng 6/2014. Ảnh: Getty Images.
Thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa GMD tại bang California tháng 6/2014. Ảnh: Getty Images.
TP - Nhiều năm qua, các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ luôn khẳng định nếu Triều Tiên bắn tên lửa đến Mỹ, quân đội Mỹ đủ khả năng bắn hạ. Nhưng các nhà khoa học độc lập và điều tra viên chính phủ không thực sự tin điều đó.

Theo một số đánh giá độc lập, các tướng lĩnh Mỹ đã không thừa nhận rất nhiều vấn đề liên quan hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa tiêu tốn 40 tỷ USD mà họ dựa vào để ngăn chặn tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ Triều Tiên hay Iran bay sang Mỹ.

“Các lãnh đạo chính trị cấp cao tin rằng họ có đủ năng lực quân sự mà thực tế là họ không có”, NBC News dẫn lời nhà vật lý David Wright, người đã nghiên cứu chương trình này trong nhiều năm trên cương vị đồng giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu thuộc Liên minh các nhà khoa học quan tâm thời cuộc.

Trong khi đó, ông Chris Johnson, phát ngôn viên của Cơ quan phòng thủ tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng Lầu Năm Góc “tự tin vào khả năng của chúng tôi trong việc bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo”.

Chương trình phòng thủ tên lửa gặp phải nhiều thách thức về tính đáng tin cậy ở giai đoạn đầu, “nhưng chúng tôi đã đạt được nhiều bước cải tiến đáng kể trong nhiều năm qua để bảo đảm hệ thống đủ khả năng hoạt động như thiết kế”, ông Johnson nói.

Cách hoạt động của hệ thống đánh chặn tên lửa từ mặt đất (GMD) được ví như dùng đạn để phá đạn. Theo Cơ quan phòng thủ tên lửa, 36 hệ thống đánh chặn như vậy đang hoạt động, bao gồm 4 hệ thống được đặt ở căn cứ không quân Vandenberg, bang California, và 32 hệ thống tại Ft. Greely, bang Alaska. Tám hệ thống nữa dự kiến được triển khai vào cuối năm nay.

Trong khi hệ thống Iron Dome của Israel được thiết kế để tiêu diệt pháo và tên lửa tầm ngắn, GMD được thiết kế để đánh chặn các tên lửa từ khi chúng đang bay trên bầu khí quyển của Trái đất - nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều. Đây là một trong những sản phẩm ra đời từ Sáng kiến quốc phòng chiến lược, còn được mệnh danh là chương trình Chiến tranh giữa các vì sao, được khởi động từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Các hệ thống phòng thủ được đặt ở Alaska và California vì Bờ Tây là nơi tốt nhất để đánh chặn tên lửa vượt qua chặng đường ngắn nhất từ cả Iran và Triều Tiên. Một địa điểm khác ở Bờ Đông đang được xem xét.

Cần đại tu toàn bộ

Các cơ quan tình báo đánh giá Triều Tiên chưa đủ khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đến Mỹ, nhưng giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang trên lộ trình đạt mục tiêu đó. Ngay cả khi hệ thống phòng thủ của Mỹ được triển khai, hiệu quả hoạt động của chúng vẫn chưa được kiểm chứng.

Năm ngoái, Văn phòng trách nhiệm chính phủ,  một cơ quan điều tra thuộc Quốc hội Mỹ, kết luận rằng, cơ quan vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa “chưa chứng tỏ được qua các thử nghiệm rằng chúng có thể bảo vệ đất Mỹ”.

Trong 9 cuộc tấn công mô phỏng kể từ khi GMD được triển khai năm 2004, các hệ thống đánh chặn GMD trượt mục tiêu 6 lần, cho dù các tấn công mô phỏng không thách thức bằng tấn công thực tế, báo Los Angeles Times đưa tin.

Tờ báo này từng đưa tin về cuộc điều tra hệ thống phòng thủ tên lửa đã phát hiện ra thất bại của hệ thống này. “Qua nhiều năm sửa chữa và khắc phục những hạn chế kỹ thuật, hoạt động của hệ thống này ngày càng tệ hơn chứ không tốt hơn”, bài viết của Los Angeles Times kết luận.

Tháng 7 năm ngoái, Liên minh các nhà khoa học quan tâm thời cuộc đưa ra báo cáo dài 47 trang, trong đó gọi cách tiếp cận của Mỹ đối với nghiệm vụ phòng thủ tên lửa là “tai hại”.

Về GMD, báo cáo kết luận: “Hồ sơ thử nghiệm rất tồi và không chứng tỏ được khả năng chặn tên lửa đang bay đến trong điều kiện thực tế”. Một nghiên cứu năm 2012 của Viện Khoa học quốc gia Mỹ gọi GMD là “thiếu sót” và đề xuất đại tu toàn bộ thiết bị đánh chặn, cảm biến và khái niệm hoạt động. Nhưng cuộc đại tu như vậy chưa xảy ra.

Một phụ tá cấp cao trong Quốc hội Mỹ, người thường có mặt trong các buổi họp cung cấp thông tin mật về GMD, tiết lộ với NBC News hôm 18/4: “Chẳng hệ thống nào hoạt động đáng tin cậy. Không có cái nào. Các chương trình đánh chặn của họ không hoạt động. Chúng đôi lúc có thể bắn hạ mục tiêu, nhưng không đủ tin cậy để chúng ta có thể chấp nhận rủi ro xảy ra hậu quả thảm khốc nếu bắn trượt”.

Lầu Năm Góc và Cơ quan phòng thủ tên lửa cực lực phản đối và nhiều lần bảo đảm với các nhà làm luật và công chúng Mỹ rằng, dù có những thất bại trong thử nghiệm, nhưng GMD vẫn đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ.

“Hôm nay, chúng ta có chính xác thứ chúng ta cần để bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa từ Triều Tiên”, trung tướng không quân Lori Robinson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Bắc Mỹ, nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 6/4. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham hỏi: “Vậy nếu năm sau có tên lửa phóng từ Triều Tiên, chúng ta có thể bắn hạ chứ?”. “Vâng”, ông Robinson đáp lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định không có cơ sở nào để nói chắc chắn như vậy. Lầu Năm Góc đã chi hơn 40 tỷ USD để triển khai hệ thống chưa chứng tỏ được hiệu quả trên thực tế này.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.