Sáng sớm hôm nay (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố “đợt trừng phạt đầu tiên” của Mỹ đối với Nga, bao gồm đối với hai tổ chức tài chính lớn, nợ chính phủ của Nga, giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình của họ, CNN đưa tin. Ông nói rằng các động thái này sẽ “cắt đứt chính phủ Nga khỏi nguồn tài chính phương Tây”.
Tổng thống Biden cũng tuyên bố sẽ điều động thêm binh lính và thiết bị để “tăng cường sức mạnh” cho các đồng minh của Mỹ ở các quốc gia Baltic tại sườn phía đông của NATO, nhưng nói rõ rằng họ sẽ không ở đó để “chống lại Nga”.
Hôm qua, sau khi Nga tuyên bố có thể triển khai quân vào hai khu vực ly khai của Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu coi trọng ngoại giao với Mátxcơva đã nhanh chóng chuyển hướng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ tạm dừng dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 giữa Nga và Đức, giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực năng lượng của Nga, The Washing Post đưa tin.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố “đòn tấn công đầu tiên” của các lệnh trừng phạt, nhắm vào 5 ngân hàng Nga và 3 tỷ phú Nga có quan hệ gần gũi với ông Putin Vladimir Putin.
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell, cho biết EU sẽ đưa vào danh sách đen thêm nhiều nhà lập pháp và quan chức Nga, đồng thời hạn chế quyền tiếp cận của Nga với thị trường tài chính và vốn của EU.
Các bộ trưởng ngoại giao đại diện cho nhóm G7 cũng đồng ý “phối hợp các biện pháp trừng phạt tăng cường” chống lại Nga.
Giới quan sát cho rằng, các lệnh trừng phạt mới nhất của phương Tây sẽ không thể thay đổi các tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngắn hạn. Ảnh: Backgrid. |
Tạo tiền đề cho một chiến dịch gây sức ép kéo dài
Nhưng nhiều chuyên gia mô tả làn sóng trừng phạt ban đầu của châu Âu - cùng với các lệnh trừng phạt mà Mỹ công bố hôm 22/2 (sáng 23/2 theo giờ Việt Nam) là mang tính chất gia tăng và không có khả năng thay đổi các tính toán của Tổng thống Putin trong ngắn hạn.
Thay vào đó, phản ứng của phương Tây đã tạo tiền đề cho một chiến dịch gây sức ép kéo dài, trong đó ông Putin và các nhà lãnh đạo châu Âu đều đang cân nhắc các động thái tiếp theo của họ.
Bà Julia Friedlander, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, người từng là cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về EU và các vấn đề kinh tế từ năm 2017 đến năm 2019, nhận định: “Đây là một dạng dây cháy chậm”.
Ngay cả khi các chính phủ phương Tây áp đặt các hình phạt nặng hơn trong những tuần tới, có thể mất hàng tháng để bất kỳ biện pháp nào có tác động đáng kể đến tầng lớp tài phiệt hoặc nền kinh tế của Nga.
Khi Nga phải đối mặt các vòng trừng phạt chồng chéo trong những năm gần đây, vì việc sáp nhập Crimea và trấn áp những người bất đồng chính kiến, Tổng thống Putin bắt đầu nỗ lực tích trữ đủ ngoại tệ, vàng và các tài sản khác để tồn tại khi bị cắt khỏi thị trường và tín dụng phương Tây, ít nhất là tạm thời, bà Friedlander nói.
“Các biện pháp trừng phạt để răn đe sẽ không có tác động tức thì như mong muốn”, bà Friedlander nhận định. Tuy nhiên, các chính phủ phương Tây có đủ vũ khí để gây ra “hậu quả kinh tế cùng cực” cho Nga, bà nói.
Đức và Nord Stream 2
Quyết định đình chỉ chứng nhận đường ống Nord Stream 2 của Đức có thể là đòn giáng nặng nề nhất từ châu Âu, gây nguy hiểm cho một dự án trị giá nhiều tỷ USD của Nga trong nhiều năm tồn tại của dự án, The Washington Post nhận định. Tuy nhiên, cú đánh của Đức cũng sẽ không đem lại hiệu quả tức thì.
Ngay cả khi không bị đình chỉ, dự án đã phải đối mặt một quá trình xem xét kéo dài trước khi đi vào hoạt động. Liệu việc chấm dứt kế hoạch đường ống dẫn khí là một điểm gắn bó giữa Mỹ và Đức khi các biện pháp răn đe Nga được xem xét trong những tuần gần đây.
Tổng thống Biden từng tuyên bố, nếu quân đội Nga tiến vào Ukraine, “sẽ không còn Nord Stream 2; chúng tôi sẽ chấm dứt nó”. Khi đề cập đến các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, Thủ tướng Scholz chỉ nói rằng “tất cả các lựa chọn” đều được xem xét.
Nhưng hôm 22/2, Thủ tướng Đức cho biết chính phủ của ông đã rút lại một báo cáo của Bộ Kinh tế về tác động của đường ống đối với an ninh nguồn cung cấp khí đốt của Đức. “Điều đó nghe có vẻ kỹ thuật, nhưng đó là một bước hành chính cần thiết”, ông nói trong một cuộc họp báo. “Nếu không có sự chứng nhận này, Nord Stream 2 không thể bắt đầu hoạt động”, ông nói.
Thủ tướng Scholz không đưa ra dấu hiệu rõ ràng về việc quy trình chứng nhận cho dự án đường ống trị giá 11 tỷ USD có thể bị trì hoãn trong bao lâu. Nhưng khi được hỏi liệu nó có thể được khởi động lại hay không, ông trả lời, quá trình đánh giá lại báo cáo “chắc chắn sẽ kéo dài”.
Ông Brian O’Toole, cựu cố vấn về trừng phạt tại Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét: “Đức đã làm đúng khi quyết định dừng dự án. Đó là một dự án có những phân nhánh lớn về địa chính trị, ngoài những phân nhánh hẹp hơn về kinh tế”.
“Điều đó không có nghĩa là không có chi phí kinh tế cụ thể, ngay cả khi những chi phí đó nhỏ hơn các lệnh trừng phạt ngân hàng lớn”, ông O’Toole, cũng là thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết. “Gazprom (công ty khí đốt Nga) đã chi bao nhiêu cho dự án? Đó là hàng tỷ USD. Chắc chắn sẽ có hiệu ứng”, ông nói.
Nhưng ông Peter Beyer, điều phối viên của chính phủ Đức về hợp tác xuyên Đại Tây Dương và là nghị sĩ của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Đức, chỉ trích Thủ tướng Scholz vì đã không đưa ra một quyết định chính trị táo bạo hơn.
“Thủ tướng Olaf Scholz tiếp tục che giấu phía sau hành động hành chính do những bất đồng trong đảng”, ông Beyer nói, đề cập đến những chia rẽ được báo cáo trong các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội trung tả của Thủ tướng Scholz về cách đối phó Nga. Ông Beyer cáo buộc Thủ tướng Scholz đã “chuyền bóng trách nhiệm” cho các đối tác liên minh của mình là các thành viên đảng Xanh Greens - những người điều hành Bộ Kinh tế.
Cơ sở Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức, vào tháng 9/2020. Ảnh: Getty Images. |
Anh và các nhà tài phiệt
Thủ tướng Anh Johnson đã đưa ra nhiều lời lẽ cứng rắn, cảnh báo rằng Tổng thống Putin đang lên kế hoạch cho “cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945”. Nhưng các nhà phân tích và thậm chí một số nhà lập pháp trong đảng của ông đã thất vọng trước các lệnh trừng phạt được công bố hôm 22/2 - chống lại các ngân hàng ít giao dịch quốc tế và các nhà tài phiệt đã bị nhắm mục tiêu trước đó, những người có lẽ đã giữ tài sản của họ ở ngoài nước Anh.
Ba tỷ phú Nga (đều trong lĩnh vực năng lượng) đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ trong nhiều năm. Gennady Timchenko của công ty đầu tư Volga Group và Boris Rotenberg, đồng sở hữu của SGM (Stroygazmontazh), đã phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Igor Rotenberg, cháu trai của Boris Rotenberg và trước đây là cổ đông lớn của Gazprom Drilling, đã bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vào năm 2018.
Ông Gavin Wilde, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề Nga, Baltic và Caucasus trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ, người từng phục vụ trong chính quyền Donald Trump, gọi các mục tiêu của Anh là “quả ở cành thấp, quá dễ hái”.
“Các ngân hàng mà họ tấn công là do Nga thành lập với kỳ vọng rằng các lệnh trừng phạt sẽ đến”, có nghĩa là khả năng tiếp xúc quốc tế của các ngân hàng này rất hạn chế, ông Wilde nói. Kết quả là, lệnh trừng phạt của Anh sẽ có tính “biểu tượng nhiều hơn là tác động thực tế”, ông nhận định.
Theo ông Wilde, việc nhắm mục tiêu vào hai tỷ phú Timchenko và Rotenbergs có thể gửi một thông điệp đến cá nhân Tổng thống Putin, vì họ có mối liên hệ với vị tổng thống Nga và “họ bảo trợ một số khoản tài chính của chính ông ấy”. Nhưng ông Wilde lưu ý, lệnh trừng phạt không áp dụng với những nhân vật nổi tiếng hơn, bao gồm Roman Abramovich, chủ sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở Anh.
Ông Tom Keatinge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm tài chính và an ninh tại RUSI, một tổ chức tư vấn ở London (Anh), lưu ý rằng, các tổ chức phi chính phủ đã xác định được hơn 150 người Nga có mối liên hệ với Anh có thể bị nhắm mục tiêu theo luật được thông qua vào ngày 10/2.
Bày tỏ sự thất vọng của mình với các lệnh trừng phạt được công bố, ông Keatinge nói: “Bạn không nên đưa một người đi ngang vào một cuộc đấu súng”. Ông không đồng ý với chiến lược kìm hãm “hỏa lực” nếu căng thẳng leo thang.
Ông Keatinge nhận định: “Bắt ai đó thay đổi hành động mà họ đã thực hiện khó hơn nhiều so với việc ngăn chặn ai đó làm điều đó ngay từ đầu”. Theo ông, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014 có rất ít tác động.
Ông Wilde cho rằng, những vướng mắc tài chính của Anh với các nhà tài phiệt Nga đã hạn chế các lựa chọn của xứ sở sương mù. Theo ông Wilde, hệ thống tài chính của Anh lỏng lẻo nên dễ dàng tiếp nhận dòng tiền của Nga trong vài thập kỷ qua.
Tỷ phú Nga Gennady Timchenko (trái) tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg, Nga năm 2018. Ảnh: AP. |
EU có thể gia tăng trừng phạt
Tối 22/3, các nhà ngoại giao EU nhất trí về một loạt hình phạt ban đầu dành cho Nga. Điều này cho thấy EU sẽ đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa.
Các lệnh trừng phạt của EU sẽ nhằm vào nhiều cá nhân và tổ chức, bao gồm 351 thành viên của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) - những người đã bỏ phiếu công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
EU cũng sẽ nhắm mục tiêu đến khả năng của nhà nước Nga trong việc tiếp cận các thị trường tài chính, vốn và dịch vụ của EU, “hạn chế việc cấp vốn cho các chính sách của họ”, ông Borrell nói.
Trong một bài đăng trên Twitter (sau đó dường như đã bị xóa), ông Borrell viết rằng, các quan chức Nga sẽ không còn được mua sắm ở Milan, kim cương ở Antwerp hay tiệc tùng ở Saint-Tropez.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá cao các lệnh trừng phạt, cho rằng, chúng đã được tính toán kỹ để đạt được hiệu quả hơn trước. Nhưng tác động của chúng lên Tổng thống Putin, hoặc các kế hoạch của ông, chưa thể thấy ngay.
Nhiều tuần qua, các quan chức châu Âu đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt “quy mô lớn” trong trường hợp căng thẳng Nga-Ukraine leo thang hơn nữa. Các quan chức châu Âu nói rằng, lính Nga đang ở miền đông Ukraine, nhưng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất chưa được đưa ra.
Ông Edward Hunter Christie, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan, cho rằng, châu Âu và các đồng minh dường như đang lựa chọn cách tiếp cận từng bước.
“Lệnh trừng phạt đang tăng dần. Các biện pháp không phải là mạnh nhất từ góc độ tác động kinh tế, nhưng chúng có giá trị biểu tượng cao và chúng quan trọng như một tín hiệu đầu tiên về sự quyết tâm hoặc độ tin cậy”, ông Christie nói. Ông hy vọng châu Âu và Mỹ sẽ có các biện pháp cứng rắn hơn, như kiểm soát xuất khẩu nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Cuối tuần qua, các quan chức Ukraine hối thúc châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga trước khi ông hành động. “Chúng tôi không cần các lệnh trừng phạt của các bạn sau khi giao tranh xảy ra”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với CNN.
Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ và các đồng minh không muốn vạch ra kế hoạch của họ “cho đến khi xe tăng thực sự di chuyển, máy bay thực sự bay, bom thực sự được thả”.
Giờ đây, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu có thể phải đối mặt câu hỏi về việc tại sao họ không hành động sớm hơn hoặc làm nhiều hơn.
Ông Christie nói: “Đây là những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, nhưng không phải là đòn sát thương. Nếu tình hình leo thang nghiêm trọng hơn nhiều, sẽ có những biện pháp bổ sung nhưng chúng chưa được công bố hoặc thậm chí chưa được thảo luận”.