Tiếp: Về bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nguyên tắc estoppel

Mưu toan bành trướng của Trung Quốc chắc chắn phá sản

Đảo Đá Nam - Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Trường Phong
Đảo Đá Nam - Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Trường Phong
TP - Những mưu toan dùng bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để biện minh cho việc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán biển đảo của Việt Nam và những tham vọng, bành trướng bá quyền chắc chắn sẽ phá sản.

>> Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nguyên tắc estoppel

Lập luận của phía Trung Quốc dựa trên bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là không có căn cứ và giá trị pháp lý, trái với luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế cũng như thực tiễn quan hệ Việt - Trung vào thời điểm đó.

Những mưu toan dùng bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để biện minh cho việc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán biển đảo của Việt Nam và những tham vọng, bành trướng bá quyền chắc chắn sẽ bị phá sản dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế hiện đại.

Về vấn đề này, (Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) luật gia Monique Chemillier Gendreau - một trong những học giả hàng đầu về Luật quốc tế đã viết như sau: “Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên các quần đảo này. Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có quyền lực. Hơn nữa đây là một chính phủ (VNDCCH) hoàn toàn bị phụ thuộc vào các đồng minh (Trung Quốc) trong hoàn cảnh họ (VNDCCH) phải đi vào một cuộc chiến không cân sức chống lại cường quốc Hoa Kỳ...”. 

Chính phủ VNCH là người kế thừa hợp pháp các danh nghĩa, các quyền và các yêu sách do Pháp để lại trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên cơ sở Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Với tư cách là chính quyền sở hữu danh nghĩa, VNCH đã tiến hành quản lý hành chính, điều tra và khai thác kinh tế và bảo vệ hữu hiệu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với Hoàng Sa, chính quyền VNCH đã tiến hành nhiều hoạt động như: cấp giấy phép khai thác phân chim trên ba đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật và Trường Sa năm 1956, 1959, 1973; sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam tháng 7 năm 1961; tổ chức hải quân tuần tiễu thường xuyên tại các vùng biển quanh đảo, bắt xử lý các tàu cá có vũ trang của Trung Quốc xâm nhập trái phép.

Chính phủ VNCH đã ban hành nhiều văn bản pháp lý khẳng định chủ quyền này, như: Tuyên bố 2289 ngày 4/6/1956 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VNCH về các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều là của Việt Nam; Sắc lệnh số 143-NV ngày 22/10/1956 của Tổng thống VNCH về địa phận hành chính của Nam Việt Nam, theo đó Trường Sa cùng với Bà Rịa và Vũng Tàu được sáp nhập thành tỉnh Phước Tuy; Nghị định 24/BNV của Bộ Nội vụ về việc cử ông Nguyễn Bá Thược đảm nhận chức vụ Phái viên hành chính tại Hoàng Sa ngày 14/12/1960; Sắc lệnh số 174-NV về sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam ngày 13/7/1961 của Tổng thống VNCH; Công hàm số 120 ngày 21/1/1974 của Chủ tịch Thượng nghị viện VNCH, Trần Văn Lắm gửi Tổng thư ký LHQ nhân sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam...).

Trong thực tế, việc Trung Quốc chiếm đóng một phần của quần đảo này trong thời kỳ này (nhóm đảo An Vĩnh, năm 1956) là hoàn toàn bất hợp pháp...

Mưu toan bành trướng của Trung Quốc chắc chắn phá sản ảnh 1 PGS.TS Nguyễn Bá Diến

Hai là, Nếu đặt giả thuyết VNDCCH vào thời điểm đó có thẩm quyền quản lý hai quần đảo, thì theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế, Thủ tướng VNDCCH không có thẩm quyền để quyết định những vấn đề liên quan đến việc từ bỏ hay chuyển nhượng lãnh thổ của quốc gia đất nước cho nước ngoài. Bởi theo Điều 32 Hiến pháp của nước VNDCCH ngày 9/11/1946, các vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu dân ý với điều kiện 2/3 tổng số nghị viện (đại biểu Quốc hội) đồng ý và cách thức phúc quyết sẽ do luật định.

Trong thực tiễn xét xử và các án lệ quốc tế đều cho thấy rằng, yếu tố “reliance” (tức là quốc gia kia có dựa vào lời tuyên bố của quốc gia này mà bị thiệt hại), và yếu tố “ý chí” (tức là quốc gia phát biểu lời hứa có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó) là một trong hai điều kiện quan trọng nhất để áp dụng tập quán Estoppel.

Theo điều kiện thứ hai của estoppel, tính “rõ ràng” của bức thư cũng không đáp ứng như yêu cầu. Nội dung bức thư chỉ đề cập việc “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc” và “tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”, không một từ nào đề cập quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chứ nói gì đến việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam và công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.

Rõ ràng nội dung Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề có sự ghi nhận hay nhắc tới vấn đề chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vậy nên không thể khẳng định rằng Việt Nam với tuyên bố này đã khẳng định sự từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Ngay cả trong Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc cũng thể hiện sự mập mờ trong việc đề cập chủ quyền đích thực của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vì ở điểm (4) của Tuyên bố này chỉ nói đến chiếm lại Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị Mỹ cưỡng chiếm mà không hề đề cập đến việc chiếm lại Tây Sa và Nam Sa (?!).

Theo điều kiện thứ ba của estoppel, tính “liên tục” của bức thư cũng không được đáp ứng. Không có bất kỳ minh chứng nào về việc sau bức thư của Thủ tướng VNDCCH năm 1958 thì Quốc hội VNDCCH hoặc cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ VNCH “tiếp tục” thể hiện quan điểm từ bỏ chủ quyền.

Trong bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, Tòa đã phán quyết như sau: “… ‘Estoppel’ có thể được suy diễn từ một thái độ, những lời tuyên bố của một quốc gia, nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; thái độ hoặc lời tuyên bố không những phải được phát biểu một cách rõ rệt và liên tục, mà còn phải khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động, và do đó phải chịu thiệt hại”.

Nhiều bản án của Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ đã áp dụng nguyên tắc này, ví dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án “Ngôi đền Preah Vihear”...

Theo điều kiện thứ tư của estoppel, quốc gia nại estoppel cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó. Điều kiện này cũng đã trở thành nguyên tắc trong các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế.

Ví dụ, trong bản án “Thềm lục địa vùng Biển Bắc” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Đan Mạch/Hà Lan, Tòa án Quốc tế của LHQ đã phán quyết rằng estoppel không áp dụng cho Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù quốc gia này đã có những lời tuyên bố trong quá khứ nhằm công nhận nội dung của Công ước Genève 1958 về thềm lục địa, vì Đan Mạch và Hà Lan đã không bị thiệt hại khi dựa vào những lời tuyên bố đó.

Như vậy, bức thư của Thủ tướng VNDCCH không hề gây thiệt hại gì cho phía Trung Quốc. Trung Quốc không hề bị thiệt hại mà còn được hưởng lợi, còn Việt Nam thì không những không có được lợi ích gì mà trái lại còn rơi vào thế bất lợi: nguy cơ bị mất chủ quyền lãnh thổ.

Trong vụ Anh và Argentina tranh chấp Malvinas/Falklands 1982, G. Cohen đã nhận xét khi nghiên cứu về các khía cạnh pháp lý của quần đảo Malvinas/Falklands: “Trong luật quốc tế, tình trạng lãnh thổ bị bỏ rơi là kết quả của hai yếu tố: về mặt vật chất là sự không có mặt của chính quyền thực sự trên lãnh thổ được xét, về mặt tinh thần là sự chủ tâm từ bỏ lãnh thổ đó” .

Hơn nữa, lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiểu là một lời hứa đơn phương, đây là một lời hứa sẽ tôn trọng quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử quốc tế đã cho thấy rằng một lời hứa chỉ có giá trị ràng buộc khi lời hứa đó là ý chí thực sự của một quốc gia đã hứa. Nghĩa là quốc gia đó có thực sự muốn bị ràng buộc bởi lời hứa của mình hay không. Để xác định yếu tố “ý chí” (intention de se lier), Tòa xét tất cả những dữ kiện xung quanh lời tuyên bố đó, xem nó đã được thể hiện trong bối cảnh, trong những điều kiện nào.

Do đó, xét một cách khách quan và toàn diện, căn cứ những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, theo các điều kiện của thuyết estoppel và thực tiễn xét xử quốc tế, dựa trên những căn cứ pháp lý, lịch sử và chính trị, bức thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có mục đích nhằm ủng hộ Trung Quốc chống lại chính sách bao vây trên biển của Mỹ trong eo biển Đài Loan, đe dọa tới nền an ninh quốc gia của Trung Quốc vào thời kỳ đó, hoàn toàn không chứa đựng bất kỳ sự từ bỏ nào chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước VNDCCH, Chính phủ VNCH, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam cũng như công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trái lại, các chính quyền của Việt Nam từ trước đến nay đều nhất quán thể hiện lập trường khẳng định chủ quyền của Việt Nam cũng như thực hiện việc quản lý liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ căn cứ khoa học, lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo này.

(HẾT)

PGS.TS Nguyễn Bá Diến

(Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật-Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo)

MỚI - NÓNG