“Mượn” cảnh báo, vì sao?

“Mượn” cảnh báo, vì sao?
TP - Hệ thống cảnh báo nhanh các sản phẩm phi thực phẩm nguy hiểm (RAPEX - The Rapid Alert System for dangerous non-food products) của Liên minh châu Âu đối với người tiêu dùng là kết quả sự hợp tác chặt chẽ giữa Ủy ban châu Âu (EC) với các nước thành viên EU cùng Nauy, Iceland và Liechtenstein. Riêng đồ thực phẩm lại có một cơ chế khác để kiểm soát.

“Khi một sản phẩm (ví dụ như một món đồ chơi, một đồ chăm sóc trẻ hay một thiết bị gia dụng) được xác định là có thể gây ra sự nguy hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp hoặc chính quyền là phải loại bỏ sự nguy hiểm đó. Những hành động có thể có là : Rút sản phẩm đó ra khỏi thị trường; thu hồi sản phẩm từ những người tiêu dùng; ban hành các cảnh báo” – trang web về RAPEX của UB Châu Âu viết.

Đều đặn từ nhiều năm qua, cứ mỗi thứ sáu hàng tuần, RAPEX đều công bố công khai một danh sách các sản phẩm nguy hiểm. Trong đó nêu rõ tên sản phẩm kèm ảnh chụp, xuất xứ sản phẩm, tên quốc gia phát đi cảnh báo, mô tả khả năng gây nguy hiểm như thế nào, hình thức xử lý… Đáng chú ý, đa số các sản phẩm bị cảnh báo đều có xuất xứ từ Trung Quốc (chủ yếu là đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng). Tuy nhiên cũng có cả các sản phẩm từ chính các nước EU. Cảnh báo mới nhất RAPEX ban hành hôm thứ Sáu ngày 11/12/2015, trong 67 sản phẩm bị cảnh báo có tới gần 40 sản phẩm từ Trung Quốc, đứng thứ hai là các sản phẩm không rõ xuất xứ, đáng chú ý Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ… mỗi nước cũng có một vài sản phẩm. Việt Nam cũng có một sản phẩm bị liệt kê trong danh sách, được mô tả là “ghế tre”, có thể trở thành “cái bẫy” gây thương tích một khi gấp hay điều chỉnh vị trí ghế, ngón tay có thể bị kẹt vào giữa các bộ phận chuyển động, các khoảng trống, không ổn định và có thể bị gãy đổ…

Giới thiệu đôi chút về Hệ thống cảnh báo nhanh RAPEX nói trên của EU để chúng ta có thể hình dung người tiêu dùng châu Âu được bảo vệ tốt như thế nào ! Đó mới chỉ là hệ thống của chính quyền, bên cạnh đó Hội bảo vệ Người tiêu dùng ở nhiều nước châu Âu, như Đức chẳng hạn, rất mạnh và có uy lực với doanh nghiệp không hề thua kém chính quyền. Sản phẩm nào bị bêu tên trên trang web của Hiệp hội coi như hết đường tiêu thụ.

Lẽ nào chỉ những người châu Âu và các nước phát triển khác mới được quyền tiêu dùng hay ăn uống an toàn ? Chắc chắn không ai có quyền mặc định điều này ! Người tiêu dùng Việt Nam cũng có quyền như người tiêu dùng ở các nước khác, điều này đã được ghi nhận hết sức rõ ràng và chi tiết trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chỉ có điều, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức xã hội liên quan chưa làm tròn trách nhiệm của mình theo luật định mà thôi.

Sản phẩm độc hại xuất hiện tại Việt Nam, cho người Việt dùng, song lại phải mượn cảnh báo mãi bên châu Âu ! Ước gì có một RAPEX của Việt Nam, tại sao không?

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.