Mục tiêu 100% các khu du lịch và khách sạn không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam", Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 50% các thành viên của hiệp hội là khu du lịch và khách sạn sẽ ngừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Phấn đấu đến năm 2030, 100% các thành viên sẽ không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Du lịch ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác thải nhựa

Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo về kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Phát biểu khai mạc hội thảo ngày 6/8, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - nhấn mạnh, vấn đề môi trường, rác thải tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội trong đó có du lịch. Đây không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà là một thách thức lớn của thế giới.

Mục tiêu 100% các khu du lịch và khách sạn không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần ảnh 1

Hội thảo về kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch được tổ chức ngày 6/8 tại Hà Nội.

Du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Sự tham gia tích cực của ngành du lịch toàn cầu vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững”, ông Vũ Thế Bình nêu.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, nhiều chính sách pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa như Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Quyết định 882/QĐ-TTg, Nghị quyết số 36-NQ/TW… được ban hành, tuy nhiên hệ thống văn bản pháp luật về quản lý rác thải nhựa vẫn chưa đầy đủ.

Mục tiêu 100% các khu du lịch và khách sạn không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần ảnh 2

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - nhấn mạnh vấn đề môi trường, rác thải tác động lớn đến sự phát triển của du lịch.

“Các chính sách của ngành du lịch chưa đề cập rõ và cụ thể về quản lý rác thải nhựa, chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ VHTTDL về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý rác thải nhựa nói riêng. Ngoài ra, việc thực thi các cơ chế và chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và bao bì thân thiện với môi trường cũng gặp trở ngại”, ông Vũ Thế Bình nói.

Nhận thức rõ yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động và mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Từ năm 2018, hiệp hội đã phát động phong trào Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa được các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc tích cực hưởng ứng. Nhiều doanh nghiệp và địa phương đã đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Dựa trên đề xuất của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam đã được Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.

Trong khuôn khổ dự án, nổi bật nhất là kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch. Đây sẽ là cơ sở để các thành viên của hiệp hội thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa một cách bài bản và hiệu quả, đồng thời góp phần đạt được các mục tiêu đã được đề.

Mục tiêu 100% các khu du lịch và khách sạn không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần ảnh 3Mục tiêu 100% các khu du lịch và khách sạn không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần ảnh 4Mục tiêu 100% các khu du lịch và khách sạn không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần ảnh 5Mục tiêu 100% các khu du lịch và khách sạn không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần ảnh 6

Du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa

Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch gồm 6 nhiệm vụ trọng tâm: tuyên truyền và nâng cao nhận thức, tham gia xây dựng và giám sát chính sách, xây dựng sản phẩm du lịch xanh, xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, huy động nguồn lực quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2025, 50% các thành viên của hiệp hội là khu du lịch và khách sạn sẽ ngừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Phấn đấu đến năm 2030, 100% các thành viên sẽ không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - điều phối viên Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc - nhận định, dự án mới triển khai được 17 tháng nhưng đã đạt được những kết quả tích cực.

Dự án đã tạo được một số công cụ hướng dẫn cách làm như Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và ứng dụng quản lý rác thải nhựa.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - đánh giá cao sự lan tỏa của dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cam kết đồng hành với hiệp hội trong việc triển khai kế hoạch, đồng thời tiếp nhận các đề xuất và kiến nghị của dự án để trình Bộ VHTTDL cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Vũ Thế Bình cho biết, hiệp hội sẽ hoàn thiện và ban hành kế hoạch này ngay trong tháng 8 để nhanh chóng triển khai tới các Hiệp hội địa phương và hơn 20.000 thành viên của VITA.

MỚI - NÓNG
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
TPO - Bộ Công Thương đã kiểm tra đập chính và 8 đập phụ của hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Kiểm tra trực quan đập không có bất thường. Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Thủy điện Thác Bà cần huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệnh vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.