Mức lương tối thiểu vùng tại TP. HCM cao nhất, gần 5 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM hiện áp dụng trả lương tối thiểu theo 2 vùng là vùng I và vùng II. Sau điều chỉnh từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng tại TP. HCM dao động từ 4,41 - 4,96 triệu đồng...
Mức lương tối thiểu vùng tại TP. HCM cao nhất, gần 5 triệu đồng ảnh 1
Ảnh minh họa.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Để triển khai thực hiện Nghị định này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM đã ban hành hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu, áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức hoạt động trên địa bàn thành phố.

Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu tháng 4,96 triệu đồng, lương tối thiểu giờ 23.800 đồng/giờ, sẽ được áp dụng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động trên địa bàn các quận, thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc TP. HCM (vùng I).

Mức 4,41 triệu đồng/tháng, theo giờ với mức 21.200 đồng/giờ, áp dụng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động trên địa bàn huyện Cần Giờ thuộc TP.HCM (vùng II).

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Đối với người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để người lao động, công đoàn và người sử dụng lao động thỏa thuận mức lương, và trả lương cho người lao động.

Trong đó, mức lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo tháng. Mức lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo giờ.

Đối với người lao động đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác, như theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán, thì mức lương đang trả theo các hình thức trả lương này quy đổi theo tháng hoặc theo giờ.

Tuy nhiên, cần đảm bảo lương được trả không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định.

Việc quy đổi mức lương theo tháng hoặc theo giờ do người sử dụng lao động lựa chọn. Kết quả quy đổi nhằm kiểm tra mức độ tuân thủ việc trả cho người lao động theo các hình thức, so với mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định.

Nghị định của Chính phủ không yêu cầu phải thay đổi hình thức trả lương, mà người sử dụng lao động và người lao động đã thỏa thuận.

Mặc dù vậy, các đơn vị sử dụng lao động cần rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Lưu ý, không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động, hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trên cơ sở đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động thực hiện các nội dung trên và sớm công bố công khai kết quả cho người lao động biết.

Quá trình thực hiện, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Sở cũng giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường việc hướng dẫn, hỗ trợ người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn cơ sở, và người lao động trong các hoạt động đối thoại, thương lượng.

Chú trọng các thương lượng tập thể để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác, bảo đảm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công xảy ra, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.

Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG
Công an vây bắt hàng chục quái xế đua xe, gây rối
Công an vây bắt hàng chục quái xế đua xe, gây rối
TPO - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện một nhóm thanh thiếu niên tụ tập, chuẩn bị di chuyển về thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) và thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) để đua xe, chạy nẹt pô, lạng lách đánh võng nên mật phục, chốt chặn và truy bắt.