Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng 22/7, mưa lũ đã làm 32 người chết, mất tích và 17 người bị thương.
Trong số 19 người chết do thiên tai, Yên Bái thiệt hại nặng nề nhất với 11 người, Sơn La 2 người, Lào Cai 1 người, Phú Thọ 1 người, Hòa Bình 1 người và Thanh Hóa 2 người. Đến nay, còn 13 người mất tích đang tìm kiếm (Yên Bái 8 người, Sơn La 1 người, Phú Thọ 1 người, Thanh Hóa 3 người).
Lực lượng chức năng đang tìm kiếm người mất tích ở Yên Bái
Mưa lũ cũng làm gần 220 ngôi nhà bị sập, gần 9.600 nhà bị ngập, hơn 5.500 nhà bị hư hỏng phải di dời khẩn cấp, tập trung ở các địa phương: Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An...
Đến nay, nhiều tuyến giao thông vẫn còn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông. Tại Phú Thọ, Quốc lộ 32 còn 2 điểm nước ngập sâu, Quốc lộ 70B còn 03 điểm sạt lở và ngập sâu, dự kiến trong ngày 22/7 thông xe.
Tại Sơn La, hiện quốc lộ 43 còn 6 điểm sạt lở, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe; Quốc lội 32B còn 1 điểm sạt lở, Quốc lộ 6C còn 1 điểm ngập nước gây tắc đường, dự kiến trong ngày 22/7 thông xe.
Hiện nay, các địa phương đang huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường.
Trong khi đó, số liệu mới nhất từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tại các Đồng bằng Bắc bộ, diện tích bị lúa ngập úng đã lên gần 60.000 ha trên 2.000 ngô và hòa màu cũng trong diện tương tự, trong đó nặng nhất là Thái Bình 20.000 ha, Nam Định gần 18.000 ha, Hải Dương trên 10.000 ha...
Tại các tỉnh Bắc Trung bộ diện tích ngập úng cũng trên 50.000 lúa (nặng nhất là Nghệ An trên 30.000 ha, Thanh Hóa gần 14.000 ha, Hà Tĩnh gần 7.000 ha) cùng gần 13.500 ha ngô và hoa màu.
Mưa lũ trên 3.000 ha lúa, gần 800 ha hoa màu bị thi ngập úng, thiệt hại, chủ yếu ở Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình...
Trong ngày hôm nay 22/7, ở khu vực ven biển và đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế còn có mưa vừa, mưa to; riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi mưa rất to. Từ đêm nay mưa giảm dần.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa.
Cùng đó, cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu.
Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.
Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước.