Làng cốm Mễ Trì (Hà Nội) lao đao chỉ vì chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Ảnh: Như ý
Lúa nếp mua về bỏ chỏng chơ, người đi bán cốm dạo bị ném cốm vào mặt… Cả làng cốm đang gồng mình để lấy lại chữ tín, giữ nghề truyền thống của cha ông.
Ế ẩm
Ngay từ đầu cổng làng, anh Trần Văn Thành, phường Mễ Trì Thượng ngồi đìu hiu bên cửa hàng cốm. Vừa hỏi đến tình hình buôn bán, anh than: “Từ hôm có thông tin cốm nhuộm phẩm màu, chẳng bán buôn gì được nữa”.
Rồi anh kể, ngày thường vợ chồng bán lẻ cũng cỡ 10 -20 kg cốm/ ngày. Dù từng là nông dân nhưng bán cốm thời công nghệ, anh lọ mọ lập cả tài khoản facebook, thuê người làm web commetri.com.vn để quảng bá, giới thiệu. Nhờ đó, nhiều người biết đến, mua cốm ăn thử, thấy ngon lại mua nhiều để trữ đông, biếu người thân. Vừa bán tại chỗ, vừa làm chân xe ôm đưa hàng cho khách. Dần dà, vụ cốm này nhà anh cũng đã bán đi hàng tạ, kiếm tiền nuôi 3 con ăn học.
Bên chén trà nóng, anh Thành buồn bã. “Đùng một cái, nhà anh Đỗ Đức Tặng bị phát hiện làm cốm nhuộm phẩm màu công nghiệp. Con sâu làm rầu nồi canh, cốm cả xã ế ẩm, đìu hiu. Có người mang cốm ra chợ bán còn bị khách ném cốm vào mặt trả lại. Đau lắm”, anh kể.
Làm cốm từ khi rời ghế nhà trường đến nay trọn 30 năm, anh Đỗ Huy Hùng tổ trưởng Tổ dân phố Mễ Trì Hạ cho hay, “cả đại gia đình anh hiện đang sống bằng nghề cốm”. Mẹ anh đã ngoài 70 tuổi ngày ngày con gái chở lên chợ Bưởi bán được hàng chục cân cốm, nay chỉ bán được vài cân cho khách quen.
Nhường đất ruộng cho quá trình đô thị hóa, người dân nơi đây chỉ biết có nghề cốm dù nhọc công và không lời lãi là bao nhưng nghề cốm đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 con người. Anh Hùng kể, “hôm xảy ra sự việc, người dân đã vây nhà anh Đỗ Đức Tặng đòi làm to chuyện. Sau đó chính quyền phải can thiệp. Họ phản ứng cũng phải, bởi “nồi cơm” của họ cũng bị ảnh hưởng vì thông tin cốm Mễ Trì nhuộm phẩm màu”.
Theo các cụ cao niên ở xã Mễ Trì, anh Hùng là người gây dựng lại thương hiệu cho nghề cốm nơi đây. Nhớ năm 2011, cũng một sự kiện tương tự, cơ quan chức năng phát hiện trong xã có cơ sở sản xuất cốm nhuộm phẩm màu. Sau đó 100% sản phẩm cốm bị người tiêu dùng phũ phàng quay lưng. Hệ thống sản xuất cốm tê liệt hoàn toàn.
Với sự giúp sức của sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân, anh Hùng khi đó đã đứng ra vận động người dân tổ chức Ngày hội văn hóa cốm tại chợ cốm xã Mễ Trì.
Tại hội chợ, người dân đã trình diễn quy trình sản xuất cốm, từ gặt lúa, rang xay, giã, đến gói cốm trong lá sen. Tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công. Chứng kiến những mẻ cốm có màu sắc tự nhiên, thơm phức, béo ngậy người dân dần tin tưởng trở lại với sản phẩm.
Giã cốm, công đoạn quan trọng và chiếm nhiều thời gian. Ảnh: Nguyễn Hà
Vật lộn giữ nghề
Mỗi năm, chỉ có hai vụ cốm từ tháng 3 đến tháng 4 và tháng 8 đến tháng 10. Vì thế, dân Mễ Trì tranh thủ trắng đêm để làm cốm. 9 giờ sáng, nắng gay gắt, nhà anh Đỗ Minh Quân, phường Mễ Trì Hạ đang thổi lửa rang mẻ cốm đầu tiên. Lửa ngùn ngụt cháy, trên chảo, trục quay đảo lúa xoay tròn. Khói, hơi lúa bốc lên quyện vào nhau cay xè mắt mũi.
Quệt mồ hôi trên mặt, anh Quân cho biết: “Mỗi mẻ lúa phải rang cỡ 2 giờ mới xong. Để cốm chín đều, không quá tay, không cháy đều do bàn tay người điều khiển lửa to, nhỏ hợp lý”.
“Đùng một cái, nhà anh Đỗ Đức Tặng bị phát hiện làm cốm nhuộm phẩm màu công nghiệp. Con sâu làm rầu nồi canh, cốm cả xã ế ẩm, đìu hiu. Có người mang cốm ra chợ bán còn bị khách ném cốm vào mặt trả lại. Đau lắm”.
Anh Trần Văn Thành
Để có được mẻ cốm thơm lừng, mềm dẻo vốn là thương hiệu của Hà Nội không hề đơn giản.Theo anh Hùng: “Để cốm ngon, mẻ lúa phải được gặt và chế biến hết ngay trong ngày”. Vì thế, khoảng 2-3 giờ sáng những người đàn ông khỏe mạnh trong làng phải dậy chạy xe máy đến những nơi xa như Vĩnh Phúc, Bắc Giang để mua lúa nếp. Khi đến đồng lúa chừng 4-5 giờ sáng, người dân ở đó đã gặt lúa xong. Từng bó lúa bấm ra sữa được người dân đưa về nhà tuốt thủ công để hạt lúa không bị vỡ nát. Đưa lúa về nhà, những tưởng sẽ là khâu bóc vỏ chế cốm nhưng đây mới là giai đoạn hao công, tốn sức của những người làm.
Từng bồ lúa xanh mướt mát sẽ được cho vào thùng phuy đổ đầy nước. Các hạt lép nổi lên sẽ vớt đi, những hạt chắc nằm lại mới là sản phẩm để chế cốm. Theo tính toán của những người làm cốm, nếu nhà nào làm khoảng 1 tạ lúa, cần 2 bếp lò rang liên tục cũng phải từ sáng đến 3 giờ chiều mới xong công đoạn đó.
Từng mẻ cốm sau đó được mang vào lò tách vỏ mới đến công đoạn cuối cùng là giã cốm. Mỗi mẻ cốm giã chừng 2 giờ đồng hồ nữa, tuy nhiên theo những người làm cốm thì cốm càng giã càng dẻo, càng ngon. “Tính ra, để có được mẻ cốm, người dân gần như phải trắng đêm để giã cốm cho kịp 5 giờ sáng hôm sau phân phối đến các đại lý hoặc mang ra chợ bán”, anh Hùng cho biết.
Theo những người làm cốm, khác với cốm có phẩm màu có màu xanh lá đậm, cốm tươi không có phẩm màu khi ngửi có mùi thơm nồng của cốm, dịu nhẹ của lá sen và có màu xanh nhạt ngả vàng.
Nghề cốm lấy công làm lãi, mỗi tạ lúa tươi cũng đã có giá 2 triệu đồng. Sau bao nhiêu công đoạn của 4-5 con người thì mỗi kg cốm thành phẩm cũng chỉ có giá từ 160 nghìn đồng (bán buôn), 180 nghìn đồng (bán lẻ). Tính ra, buôn bán may mắn hết hàng trong ngày, mỗi người làm được khoảng 300 nghìn đồng/ngày.
Khi nghe tin cốm bị nhuộm phẩm màu, người tiêu dùng quay lưng cũng là dễ hiểu. Thế nhưng, người dân làng cốm bảo, ai làm người đó chịu. Hàng nghìn con người cam kết chế biến sản phẩm cốm sạch để mưu sinh và cũng là giữ một làng nghề.
Ông Nguyễn Đình Cường, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 6 (Hà Nội), cho biết, sau sự việc, đoàn kiểm tra liên ngành đã bất ngờ kiểm tra tất cả các cơ sở chế biến cốm, kết quả các cơ sở đều tuân thủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Phòng Y tế quận đã triệu tập 64 cơ sở sản xuất đến để tuyên truyền người dân sản xuất sản phẩm cốm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thông báo hình thức xử phạt lên tới 100 triệu đồng đối với gia đình nào vi phạm.
Ngày 23/9, Đội quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường, phòng Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện cơ sở sản xuất cốm của gia đình anh Đỗ Đức Tặng, xã Mễ Trì dùng phẩm màu lạ chế biến cốm. Phòng cảnh sát môi trường đã lấy mẫu đi kiểm nghiệm. Cơ sở sản xuất này đã bị UBND quận ra quyết định đình chỉ sản xuất và có hình phạt khi có kết quả kiểm nghiệm.