Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam

Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam
TPO - Là trạm kiểm dịch động vật quan trọng đối với hành trình Bắc - Nam, Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) hiện đang bố trí toàn bộ nhân lực, túc trực 24/24 trong ngày.

Theo ông Trịnh Văn Hải, trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây cho biết: Dốc Xây là điểm giáp ranh giữa Thanh Hóa và Ninh Bình. Vì vậy, Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây là một trong những đầu mối trạm kiểm dịch quan trọng không của riêng tỉnh Thanh Hóa mà cả trong hành trình Bắc – Nam. Tại trạm hiện có 4 cán bộ thú y và lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường, cán bộ quản lý thị trường. Trạm hoạt động 24/24h, có người túc trực, được chia làm 3 ca trực (ca thứ nhất từ: 3h-11h; ca thứ 2 từ: 11h-19h; ca thứ 3 từ: 19h-3h).

Trong đợt dịch tả lợn Châu Phi này, Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây được tăng cường thêm một cán bộ phòng dịch tễ, thuộc Cục Thú y vùng 3. Trong trường hợp phát hiện, nghi ngờ lợn bệnh, với sự hỗ trợ của cán bộ Cục Thú y, tại trạm có thể thực hiện ngay việc mổ, lấy mẫu để xác minh lợn bệnh.

Theo ghi nhận tại hiện trường, các xe chở động vật, sản phẩm động vật, sau khi đến điểm trạm đều dừng lại để thực hiện quy trình kiểm tra, xác nhận đã kiểm tra của trạm. Sau khi kiểm tra xong, các xe đều được di chuyển vào khu vực rải bột vôi, phun hóa chất tiểu độc, khử trùng. Quy trình xử lý như trên đối với mỗi xe chở động vật có đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định mất khoảng chừng 5 phút.

Anh Nguyễn Ngọc Biên, cán bộ kiểm dịch của Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây cho biết thêm: Trong trường hợp phát hiện, hoặc nhận được nguồn tin báo về việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép trên các chuyến xe khách hoặc các loại phương tiện khác thì lực lượng chức năng sẽ báo với lực lượng công an các điểm hoặc trạm kiểm dịch động vật tiếp theo...

Được biết, so với thời điểm giữa tháng 2 và đầu tháng 3/2019, những ngày qua, số lượng xe chở lợn đi qua Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây giảm khoảng 70%. Hiện nay, mỗi ngày có 10 - 13 xe chở lợn đi qua trạm; 15 – 20 xe chở trâu, bò, dê; 7 – 10 xe chở gia cầm; 2 – 3 xe chở sản phẩm động vật đi qua trạm.

Ngoài hai trạm kiểm dịch cố định của tỉnh Thanh Hóa là Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây và trạm kiểm dịch động vật ở huyện Tĩnh Gia, sau khi công bố dịch tả lợn Châu Phi, để siết chặt, kiểm tra, kiểm soát tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngày 28/2, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông và tăng cường lực lượng cho 2 trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông.

Theo đó, 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời gồm: Chốt tại khu vực xã Thành Vân, huyện Thạch Thành (tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình); chốt tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (tiếp giáp với tỉnh Nghệ An); chốt tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình) và chốt tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình). Mỗi chốt kiểm dịch gồm 8 người. Thời gian hoạt động đến ngày 31/3/2019, thực hiện 24/24 giờ trong ngày (kể cả thứ 7, CN, ngày lễ, ngày nghỉ).

Nhiệm vụ của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại đầu mối giao thông của tỉnh gồm tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, sản phẩm lợn từ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các bệnh dịch nguy hiểm khác trên gia súc, gia, gia cầm ra – vào địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vận, sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch; giảm sát việc xử lý, tiêu hủy khi phát hiện lợn mắc bệnh và các sản phẩm từ lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các bệnh dịch nguy hiểm khác trên gia súc, gia, gia cầm; chấp hành nghiêm quy trình, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn. Trước 16 giờ hàng ngày, các chốt, trạm kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh về Sở NN & PTNT (qua Chi cục Thú y) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Đến cuối ngày 13/3, tại Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây chưa phát hiện trường hợp xe chở động vật nào vi phạm, không có đủ giấy tờ, thủ tục hoặc có chở lợn và các động vật khác bị ốm, bệnh.

Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam ảnh 1

Trạm kiểm dịch động vật Dốc xây hướng từ Bắc vào Nam

Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam ảnh 2

Xe chở lợn được phun hóa chất, tiêu độc khử trùng, vào vị trí rải vôi bột

Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam ảnh 3

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng cho xe chở trâu, bò

Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam ảnh 4

Kiểm tra lợn trên xe đã được kẹp chì

Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam ảnh 5

Biển báo trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây

Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam ảnh 6

Phun hóa chất tiêu độc khử trung tại Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây cho xe đi hướng Nam - Bắc

Một ngày ở Trạm kiểm dịch tả lợn Bắc - Nam ảnh 7

Lái xe trình giấy tờ kiểm dịch tại Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây

MỚI - NÓNG