Một khoảng lùi giải mã án tham ô

0:00 / 0:00
0:00
Cụ bà Kim Ngọc và đoàn làm phim Bí thư tỉnh ủy Ảnh: Xuân Ba
Cụ bà Kim Ngọc và đoàn làm phim Bí thư tỉnh ủy Ảnh: Xuân Ba
TP - Trước là xã Thanh Lâm, huyện Yên Lãng của tỉnh Vĩnh Phúc cũ (nay là huyện Mê Linh, TP Hà Nội) có quần thể văn hóa mang tên Khu Đồi 79 Mùa Xuân luôn nườm nượp du khách. Hồ nước trong xanh cây cối um tùm. Du khách thong thả qua 79 bậc đá dẫn lên đỉnh đồi nơi có nhà bia đặt tượng Bác Hồ. Bức tượng nặng gần 800kg là bức tượng Bác Hồ đầu tiên được đúc bằng đồng năm 1971.

Câu chuyện trong vườn thuốc

Năm 2000 ấy về Vĩnh Yên, tôi có một buổi chiều ngồi với cụ bà Kim Ngọc.

Bà hơn tám mươi mà vẫn minh mẫn lắm. Chẳng thể đoán bà ở cái tuổi ấy vì mái tóc búi tó, chiếc áo phin trắng khiến cụ bà Kim Ngọc như một bà giáo về hưu cùng cung cách luôn xởi lởi, mặn chuyện...

Tôi được nghe bà kể nhiều chuyện về thời gian ông nhà đang ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc rồi sau này hợp nhất với Phú Thọ là Bí thư Vĩnh Phú.

Không chỉ những chuyện quanh việc khoán hộ huyền thoại. Có một chuyện lạ nữa, đó là chuyện về bức tượng đồng Bác Hồ được đặt ở Khu Đồi 79 Mùa Xuân.

Một câu chuyện không mấy vui!

Hôm sau theo chỉ dẫn của bà Kim Ngọc, tôi tìm đến một nơi.

Bệnh viện Đông y Vĩnh Phúc có dáng dấp của một nhà điều dưỡng, bởi những khu nhà ẩn mình trong tán xanh của các loại cây, phía trước lại có một khu vườn trồng cây thuốc nam bốn mùa um tùm các loại dược thảo. Giữa vườn lại có một khoảng non bộ khá bề thế.

Tôi hỏi cụ Hồ Ngọc Thu trước là Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú đang điều trị ở đây theo lời mách của cụ bà Kim Ngọc thì cô nhân viên phòng hành chính nói rằng, không ai có tên ấy mà chỉ có cụ Đạt cụ Thái là cán bộ lão thành cao tuổi nhất đang ở Viện này thôi. Tôi phân vân hay cụ bà Kim Ngọc có nhầm lẫn chi đây? Nhưng chả phải, vì sau một hồi hỏi han mới vỡ ra cụ Hồ Ngọc Thu là bí danh hồi hoạt động của cụ Phan Văn Đạt. Quê cụ Thu ở Võng La, Hà Nội. Làng Võng La hồi tiền khởi nghĩa đồng chí Hoàng Văn Thụ từng hoạt động nhiều năm. Đồng chí đã trực tiếp gây dựng ở đây một chi bộ Đảng vỏn vẹn có 3 người đặt bí danh là Xuân, Hạ, Thu. Đảng viên Phan Văn Đạt ở chi bộ Võng La có tên là Hồ Ngọc Thu...

Cụ Thu tuổi cũng quá bát tuần, đi lại khó khăn vì chứng cứng khớp gối vừa chống gậy và phải có người dìu. Dưới tàn che mát rợi của gốc kim ngân lâu năm trong vườn thuốc, tôi ngồi hầu chuyện người cán bộ cao tuổi thời trẻ đã từng hoạt động ở vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên nhiều năm và có thời gian dài là Phó Chủ tịch Vĩnh Phú. Cùng nằm điều trị một buồng bệnh và đang ngồi cạnh cụ Thu còn có cụ Trương Quốc Thái, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Yên những năm 1957- 1961. May cái là các cụ tuy đi lại vất vả nhưng trí nhớ còn rành rẽ mẫn tiệp lắm.

...Sau cái năm Bác mất, nhân dân Vĩnh Phú nói chung và vùng Vĩnh Phúc nói riêng rất muốn có một bức tượng Bác đặt ở một vị trí đẹp trang trọng để dân chiêm ngắm tưởng niệm. Lại mong tỉnh sớm “chấm” vị trí đặt tượng ở huyện Yên Lãng là địa phương lâu nay có phong trào khá về nhiều mặt làm tốt chính sách hậu phương, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người... Mặc dù khi đó việc đúc tượng Bác mới manh nha ở một số địa phương trên miền Bắc và phổ biến bằng chất liệu thạch cao, một số nơi bằng bê tông chứ bằng đồng là chưa có!

Nhưng Yên Lãng đã hạ quyết tâm là phải dựng tượng Bác bằng đồng. Đồng khi ấy là thứ quý hiếm. Nhưng Yên Lãng đã có cách làm độc đáo sáng tạo. Chỉ trong gần hai năm, 1970, 1971, nhân dân, cán bộ huyện Yên Lãng, đặc biệt là các cháu thiếu nhi nhi đồng bằng phong trào thu nhặt phế liệu khắp trong huyện và sang cả nhiều vùng lân cận đã thu gom được hơn 2 tấn đồng, thừa số lượng đúc theo tính toán của các nhà điêu khắc... Đồng chí Nguyễn Tạo, một cán bộ Đảng có thời gian hoạt động ở vùng này khi đó là Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp đã đề nghị Yên Lãng là Bộ Lâm nghiệp ủng hộ 6 mét khối gỗ lim để góp vào việc làm nhà che tượng.

Mặc dù mới sơ khai phong trào làm tượng nhưng huyện cũng như tỉnh làm khá “bài bản”. Như việc lấy ý kiến các nhà điêu khắc trong việc chọn mẫu, chọn nơi thi công (đúc tượng) chọn vị trí đặt tượng...

Nơi đúc tượng được chọn là làng Ngũ Xã, thuộc khu Ba Đình, Hà Nội là một làng nghề truyền thống nổi tiềng có nhiều nghệ nhân cũng như nổi danh về những công trình đúc đồng. Chẳng bao lâu công trình kết tinh bao mong đợi của nhiều người, đông đảo nhất vẫn là mọi tầng lớp nhân dân huyện Yên Lãng đã hoàn tất. Ngày rước tượng về quả đồi được đặt tên là “79 Mùa Xuân” cũng là ngày hô thần nhập tượng. Nhiều người dân Yên Lãng tìm về tận Ngũ Xã để tham gia đón Bác về. Trước đó đồng chí Dương Đại Lâm, một cán bộ hoạt động lâu năm và là cơ sở trực tiếp nuôi giấu Bác từ hồi ở chiến khu Việt Bắc nghe tin Ngũ Xã đang đúc tượng đồng Bác đã tìm về tận nơi. Ông cứ đứng khóc “giống Bác quá là giống, cứ như khi đang còn sống, bà con ơi...”.

Thế nhưng, ít ai có thể ngờ, thời điểm đó đã phát lộ một việc động trời. Đó là vụ việc “một tập thể tham ô trong việc xây tượng Bác”.

Chẳng biết từ đâu có đơn kiện, chẳng rõ nặc danh hay hữu danh đến một vài cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương nói là Yên Lãng đã lợi dụng việc làm tượng Bác để tham ô công quĩ! Tệ hơn một số cán bộ cấp tỉnh Vĩnh Phú bao che cho hành động tham ô này.

Chất giọng ông Đạt trầm hẳn xuống. Bây giờ những đơn thư kiểu đó chẳng hiếm nhưng hồi đó là ghê lắm, động trời lắm…

Thế là ngay lập tức, các đoàn lớn bé, với chức năng thanh, kiểm tra lần lượt về Yên Lãng, về Vĩnh Phú quần đảo săm soi hàng tháng trời quyết tìm ra cái tội tày trời ấy!

Trăm bó đóm thể nào cũng vớ được con ếch! Đây rồi, không có lửa làm sao có... báo cháy. Công sức của nhiều đoàn kiểm tra bỏ ra đã không uổng! Họ phát hiện một số cán bộ huyện có dấu hiệu bỏ túi từng này từng này tiền, xi măng, vôi cát... để chi dùng cho công trình! Tham ô ở đâu thì tham ô, xà xẻo tư túi đâu thì cũng là phạm vào tiền nhà nước vào tiền dân nhưng chấm mút ăn cắp ở công trình làm tượng Bác Hồ thì chỉ có lũ bất lương sâu mọt dân mới dám. Tội ấy không thể dung thứ!

Đằng sau tôi là ánh đèn vàng ấm soi tỏ bữa cơm tối sau tao loạn hồi nào vẫn quây quần những ông nội (là ông) những bà nội (vợ ông) bên cạnh là con trai, con dâu, con gái ông và bốn đứa cháu nội lẫn ngoại trong một thị trấn bình yên.

Chưa hết! Trong số cán bộ tỉnh, đồng chí nào theo dõi phụ trách khu vực Yên Lãng nhỉ? Đồng chí Hồ Ngọc Thu Phó Chủ tịch tỉnh. Đồng chí nào phụ trách Vĩnh Yên trong đó có Yên Lãng nhỉ? Đồng chí Kim Ngọc, đương kim Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Bí thư!

…Ông Hồ Ngọc Thu tay lập cập run run vì tuổi tác móc mãi mới ra chiếc bật lửa gas châm điếu thuốc nhưng giọng nói vẫn rành rẽ.

Khi ấy lại rập rình những tin đồn là ông Bí thư Kim Ngọc đầu têu khởi xướng cái việc khoán chui khoán nhủi “phá hợp tác xã của Bác Hồ...”. Tệ hơn thế, lại thêm tin đồn ông Kim Ngọc còn tham ô xi măng từ công trình làm tuợng Bác để xây… mộ bà mẹ!

Ông Thu chép miệng, hồi đó hình như gia đình anh ấy có sửa sang một chút phần mộ tổ tiên chứ có xây cất gì đâu! Còn tôi thì bị đồn tham ô lấy mấy ngàn...

Thời điểm ấy, tôi ngồi với đồng chí Kim Ngọc hàng buổi. Chúng tôi xoay đi xoay lại câu hỏi “tham ô xà xẻo thì tôi với anh cũng như cán bộ tỉnh chả cần phải thanh, kiểm tra, chúng ta tự cật vấn lương tâm là không có rồi, nhưng căn nguyên vấn đề là ở đâu?”.

Chúng tôi bình tĩnh, vâng rất tỉnh táo để suy xét kiểm tra khá kỹ càng thì vẫn là những nguyên nhân chúng tôi đã thấy. Có việc thấy trước cả những đoàn thanh kiểm tra. Cán bộ Yên Lãng có xà xẻo gì trong việc xây tượng Bác? Câu trả lời là có. Vấn đề ở mức độ nào?

Nên nhớ rằng thời điểm ấy có chỉ thị 228/TTg là cấm các cơ quan địa phương thành lập hoặc duy trì quĩ riêng na ná như thứ quĩ đen. Tội của mấy ông huyện Yên Lãng không phải trong thời gian thi công tượng Bác mà sau khi hoàn tất công trình muốn khuếch trương thành tích làm được tượng đã giấu tỉnh đãi đằng một số đoàn tham quan!

Đã không có quĩ riêng thì lấy gì mà đãi? Họ có “sáng kiến” mượn tạm một ít tiền từ thuỷ lợi phí để chi dùng cho việc này rồi sau đó sẽ tìm cách “cân đối”!

Việc chỉ có vậy nhưng như trên tôi đã nói, mượn tiếng xây tượng Bác mà xà xẻo thế là chuyện không đơn giản...

Toàn bộ 9 đồng chí trong Ban Thường vụ, cả Chủ tịch lẫn Bí thư huyện Yên Lãng đều bị bắt. Và sau đó tất cả cùng ra toà. Tất tật đều có mức án. Người nặng nhất 14-15 năm!

Một khoảng lùi giải mã án tham ô  ảnh 1

Tượng đồng Bác trên Khu Đồi 79 Mùa XuânẢnh: XB

Việc ăn uống đãi đằng khách khứa chúng tôi có biết nhưng khi đó bận nhiều việc chưa kịp kiểm tra chấn chỉnh. Không phải bênh che khuyết điểm cho cấp dưới, nhưng chúng tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng, với mức độ vi phạm tiền thuỷ lợi phí thì hình thức kỷ luật nặng nhất chỉ là hạ tằng công tác và cảnh cáo!

Bây giờ cùng với tiến trình dân chủ và trình độ luật pháp ngày một cải thiện chúng ta có thể “soi chiếu” vụ việc ngày ấy và dễ thấy nhiều sự ấu trĩ, non kém thậm chí nhầm lẫn oan ức! Nhưng vẫn mới nguyên một bài học là biết bao công trình nhân danh các anh hùng liệt sĩ, nhân danh quyền lợi nhân dân nhưng vô số kẻ bất lương không phải cấu véo xà xẻo, ăn cắp hàng tỷ hàng chục tỷ đồng...

Một người trong cuộc

Sau cuộc gặp cụ Hồ Ngọc Thu, tôi về Yên Bài (Vĩnh Phúc) Hỏi ông Vũ Dị thì không ai biết. Nhưng nhắc lại chức danh Bí thư Huyện ủy Yên Lãng ngày trước thì nhiều người biết nên tôi tìm tới nhà ông không khó mấy...

Lớp cán bộ huyện những năm cuối sáu mươi đầu bảy mươi hình như có một “tiêu chí” để dễ nhận ra cho dù tuổi họ đã cao và nhiều người ở vào những hoàn cảnh không phải dễ dàng gì như ông Vũ Dị đây. Nhưng cẩn trọng mực thước đôi lúc rụt rè khô khan trong giao tiếp hầu như ai cũng “lộ” rõ...

Mặc dù là khách không mời nhưng câu chuyện giữa chúng tôi, dẫu là khó nói, nhạy cảm nhưng rồi dần dà cũng suôn sẻ…

Mặc dầu hoàn cảnh thời chiến nhưng tin Yên Lãng dựng tượng đồng Bác Hồ được nhiều cá nhân, tổ chức ở nhiều địa phương miền Bắc đón đợi, lần lượt về tận nơi tham quan chiêm ngưỡng và học tập kinh nghiệm để sau này có dịp thì thi công ở địa phương mình.

Nếu như ông Thu đau và buồn một nhưng là cái nỗi buồn chung đau chung thì những nỗi ấy ở ông Dị là riêng và gấp mười.

Với mức án mười lăm năm tù, là Bí thư Huyện ủy nên ông Dị chịu mức án cũng cao nhất.

Ông Dị hơi giống ông Thu ở cái việc luôn đau đáu với những liên tưởng cũ- mới. Cả cái việc buồn oan sai. Nhưng ông bình thản chấp nhận. Bình thản như cái ngày ông được lệnh tạm tha sau khi thụ án được non sáu năm. Người ta bảo phải mổ lợn ăn mừng, rằng, dù sao “trên” cũng phần nào hiểu cái oan sai của ông, rằng cả việc phải làm lễ tạ tổ tiên bởi phúc nhà còn dày... Bình thản và im lặng như ông đang ngồi trên ghế kia mà đếm tuổi trời…

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.