Người con trai cả long đong của Bí thư Kim Ngọc

Người con trai cả long đong của Bí thư Kim Ngọc
TP - Kim Sơn là con trai trưởng Kim Ngọc, niềm kỳ vọng và tự hào của Bí thư khoán hộ một thuở...
Kim Sơn và người vợ hiện nay
Kim Sơn và người vợ hiện nay.

Tôi với Kim Sơn đã quen lâu, nhưng ít gặp. Sau khi thiên phóng sự dài kỳ về Kim Ngọc - thân phụ ông của tôi đăng trên Tiền Phong cuối tuần mấy năm trước chúng tôi đã có mươi cuộc tao ngộ quanh vại bia hơi Đức. Vẫn những mẩu chuyện rời vụn về thành công, thất bại của đời người. Và gần đây là sự quan tâm nhất định đến bộ phim truyền hình dài kỳ Bí thư tỉnh ủy đang phát sóng.

Kim Sơn mân mê chiếc kính cận sẫm màu, gọng vàng. Tóc nhuộm đã chắc mươi tuần, chân tóc trắng đã lộ dài cả đốt ngón tay. Chiếc áo khoác nilông rêu nhạt nhiều khóa kéo mang về từ Đức dường như vẫn còn chưa hết mốt với quan niệm thời trang Kim Sơn. Ly cafe đen kích thích sự hưng phấn mỗi động tác.

- Để nói một câu tổng kết về mình ở thời điểm này, thì Kim Sơn sẽ nói gì về Kim Sơn?

Tất nhiên Kim Sơn có cuộc đời của Kim Sơn. Suốt cuộc đời Kim Sơn là sự loay hoay đối phó với những hoàn cảnh khác nhau, tìm cách khẳng định mình để cống hiến hết khả năng...

Phải đứng trên nền văn hóa Việt

Năm 1966, Kim Sơn 18 tuổi tốt nghiệp cấp III Trần Phú, là trai nhưng anh thừa hưởng nhiều nét mềm mại, nhu mỳ từ người mẹ: Tầm thước, da trắng mịn, hào hoa. Tháng 10 năm đó, Kim Sơn nhận lệnh sang Đông Đức học đại học chế tạo máy, ở thành phố hải cảng Wismar giáp Tây Đức.

Ngày bay, Kim Sơn vẫn phong phanh manh áo xanh sỹ lâm, quần ka-ki lính thụng, dép nhựa trong Tiền Phong, túi vải thô, được ông chú Dương Đức Lâm, giám đốc ty Công an đặt ngất ngưởng trên sidecar Jawa đỏ phóng bạt gió về Hà Nội.

Đêm trước hai bố con ngủ với nhau cùng phòng trằn trọc tới sáng.

- Con sẽ phải làm gì khi sang bên đó?...- Chàng trai Kim Sơn phập phồng khát vọng hỏi bố. Anh hy vọng bố sẽ cấp cho anh bí quyết diệu kỳ mang theo đến đất nước xa lạ, khi khó khăn có thể mở ra tìm kế vượt thoát.

Kim Ngọc trở dậy quờ tìm điếu, vớ đóm tre, hộp thuốc lào.

- Con phải học bằng được, và học giỏi kỹ thuật chế tạo máy của người Đức. Trong phe ta, kỹ thuật chính xác của người Đức vẫn là số một. Sau này đất nước muốn thăng tiến giàu mạnh không thể không có một nền tảng kỹ thuật và công nghệ mạnh... Công nghệ sẽ có mặt trong mọi lĩnh vực...

- Bố có dặn gì con thêm nữa không...

- Thì con là người Việt. Biết thêm văn hóa khác không có nghĩa là con từ bỏ một nền văn hóa hiện có của mình. Không bao giờ có một nền văn hóa lại có thể tiêu diệt một nền văn hóa...

Kim Sơn chưa mấy hiểu điều bố nhắn gửi. Anh hơi thất vọng.

- Bố… bố... chỉ dặn con có từng ấy thôi ạ...

Nuốt ngụm khói thuốc lào người cha ngắc ngứ:

- Chẳng lẽ bố dặn chưa đủ. Cuộc đời con là của con. Tất cả những điều con có được đều phải từ hai bàn tay mình – Người cha mở hai bàn tay sần chai trước mặt - Ta cũng có thể là cái bệ phóng nhưng cũng có thể là hồ nước níu giữ con khi con không có khả năng bơi lội... Dù con có đứng chân ở đâu thì vẫn là đứng trên nền tảng văn hóa Việt. Bố hoàn toàn tin con khi xa nhà...

Năm 1951- Kim Sơn mới 6 tuổi mẹ đã thêm hai em. Là đứa trẻ hiếu động Kim Sơn theo bố Kim Ngọc vào ở rừng chiến khu huyện Lập Thạch. Cơ quan kháng chiến luôn chuyển dịch, đi đâu cũng hai bố con cặp kè, bố ôm con ngủ trên chiếc giường rẻ quạt hoặc ván ghép, tùy theo hoàn cảnh.

Quần nâu, áo vải, Kim Sơn lang thang chơi nghịch cùng con em cán bộ, nông dân trong vùng. Lương thực, thực phẩm, sẵn gì thì dùng nấy; rừng cho rau dại cầm thú, sông suối sẵn cá tôm, những người cách mạng giàu kiên trì tăng gia trồng cấy thêm.

Những chữ cái đầu tiên Kim Sơn được bố Kim Ngọc dạy đánh vần từ những trang báo cáo công tác trên thạch bản. Mọi hành vi, tiếng nói được bố uốn nắn, chỉ bảo ngay khi có thể. Giữa môi trường trong veo, Kim Sơn hồn nhiên lớn lên trong sự kỳ vọng của người cha. Tuổi thơ Kim Sơn không có nhung lụa, nhiều biến động, nhưng ấm tình người, rực lửa cách mạng.

Hôm bố Kim Ngọc bị sốt cao nhưng vẫn chuẩn bị luồn vào vùng địch hậu Vĩnh Lạc. Không hiểu sao Kim Sơn cứ ôm lấy bố nhất quyết không cho đi công tác. Lê Thanh - người đồng đội của Kim Ngọc đi thay. Đêm đó, Lê Thanh đụng giặc tuần tiễu bị bắn chết. Kim Ngọc ôm chặt con trai trên phản, ưu tư.

- Chúng ta mắc nợ người khác nhiều quá. Con nhớ sau này nhé...

Dù không thật hiểu, nhưng cậu bé Kim Sơn hiểu rằng, mình phải gánh một kỳ vọng lớn lao từ người cha. Vắng mẹ, bố trái gió trở trời đau người, cậu bé Kim Sơn phải ngồi đấm lưng cho bố thì thụp. Đấm mấy trăm lượt nắm đấm xuống tấm lưng trần của bố có cái bớt đỏ bằng bàn tay chọc lên gáy cho khi nào toát mồ hôi mới thôi.

Kim Ngọc và con trai Kim Sơn năm 3 tuổi ở chiến khu
Kim Ngọc và con trai Kim Sơn năm 3 tuổi ở chiến khu.

Sau này trong điều kiện hoà bình, gia đình Kim Ngọc sống chung tập thể với các tướng lĩnh: Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Thanh Bình, Võ Bẩm, Lê Đức Anh hoặc ở quân khu Việt Bắc, liền nhà thượng tướng Chu Văn Tấn dù Kim Sơn chơi với chúng bạn có ham mê đến đâu vẫn hiểu rằng mình không được làm cha phiền lòng.

Duy nhất một lần Kim Sơn bị bố đét một roi là do bị cấm rời nhà, nhưng cậu tụt ống nước từ tầng II xuống, tối về sợ bố quá chui vào gậm giường khiến mọi người bủa đi tìm gần hết đêm.

- Kim Sơn và Kim Ngọc khác nhau như thế nào?

- Cùng họ Kim. Cùng đứng chữ Đinh. Tôi Đinh Hợi. Bố Đinh Tỵ. Cùng khát vọng cống hiến. Một kỹ sư chế tạo máy. Một là cán bộ chính trị chuyên nghiệp, quan đầu tỉnh. Một thường dân...

Một thời xao động

Bảy năm cho học đại học chế tạo máy... bao nhiêu là biến cố cho từng ấy năm cho một chàng trẻ không một chút kinh nghiệm sống... Nhưng cũng đủ để thay đổi nhận thức và thể chất một con người. Biến cố nào khiến Kim Sơn chấn động nhất...

Nụ cười thoáng buồn, nhưng lại tươi ngay màu lạc quan thường có của Kim Sơn.

- Dĩ nhiên là sự kiện chấn động cả nước và quốc tế lúc đó. Bí thư Kim Ngọc xây dựng kế hoạch tái thiết kinh tế nông thôn bằng khoán hộ. Đã thực nghiệm có kết quả. Tạp chí Học Tập, báo Nhân Dân đồng loạt phê phán nghiêm khắc Kim Ngọc....quay lại chủ nghĩa phong kiến, đầu hàng chủ nghĩa tư bản. Hơn hai mươi sinh viên cùng lớp đều ái ngại và có vẻ xa lánh tôi.

Ngày đó, sinh viên chân trắng được những sinh viên đảng viên kèm cặp bản lĩnh chính trị. Đau khổ, nhưng tôi không tin bố lại có thể phản bội lại nhân dân, phản bội Đảng... Phải có lý do nào đó xác đáng. Ông không thể phản bội lại chính ông được. Thậm vô lý.

Hai cha con. Một là cán bộ chính trị chuyên nghiệp. Một kỹ sư chế tạo máy. Một quan đầu tỉnh. Một thường dân.

Lủi thủi một mình, dao động tôi đã mua sẵn một bộ áo lặn. Bãi tắm ở Wismar cách biên giới biển Tây Đức có 400 mét. Với sức trẻ, tôi chỉ cần lặn một hơi ngậm ống thở là sang bờ bên kia thoát khỏi kỳ thị đau khổ....

Nhưng bố đã viết thư sang, nói rằng nhiệm vụ của tôi không thay đổi: hãy học tập thật tốt. Bố chưa bao giờ và chẳng bao giờ rời xa lý tưởng đã thành tín điều: Vì sự no ấm của nhân quần. Bác Nguyễn Song Tùng - Đại sứ Đông Đức, bạn thân của bố thi thoảng ghé qua, gặp riêng tôi, an ủi, vỗ về...

- Dù thế nào đi nữa, bố cháu vẫn là người bác trân trọng quí mến...

Người đàn ông vuốt mái tóc, nhấp ngụm cà phê, bặm môi, giọng như tự giễu bản thân...

Rồi ồn ào cũng qua. Năm 1971, dù không có tiền Kim Sơn vẫn xoay được về phép. Bố Kim Ngọc vẫn làm công việc cũ. Ông gầy sọp, ít nói. Hút thuốc lào và ho đêm nhiều hơn. Chồng báo cáo và chồng báo Nhân dân chất cao ngất ngưởng. Kim Sơn vừa đặt va li vào góc nhà, thì mẹ đã bảo, Văn phòng Tỉnh ủy đang huy động mọi người đi chống lụt sắp tràn vào thành phố Việt Trì. Chẳng nề hà anh lao đi luôn, cũng vác đất, đóng cọc tre như ai. Báo Vĩnh Phú lúc bấy giờ có bài viết, đăng ảnh Kim Sơn to đùng. Cũng khoái phết.

Năm 1974, Kim Sơn về nước. Lấy vợ. Một cô bác sỹ giỏi giang người dân tộc ở Cao Bằng. Ngày ngày anh ngồi vẽ thiết kế bệ máy bơm nước, máy tuốt lúa ở nhà máy cơ khí Vĩnh Yên. Cơ khí địa phương có vai trò quan trọng trong hoạch định chiến lược thời điểm đó. Mỗi huyện mỗi tỉnh đều có nhà máy cơ khí thiết kế theo Liên Xô và Trung Quốc bao cấp toàn diện. Lương tháng 60 đồng. Máy to, tốn điện, cồng kềnh xuất xưởng không bán được. Sản xuất, xẻng, cào cỏ đắp đống, han rỉ. Cuối tuần đạp xe về Việt Trì ăn cơm với bố mẹ ở Văn phòng Tỉnh ủy…

Nhiều biến động, hai bố con cũng ít tâm sự. Ai có việc người nấy. Dường như với bố mọi việc đã quen thuộc, thông tỏ, xung quanh không còn điều gì là bí mật với ông nữa. Ông đi đi lại lại quẩn quanh, một tay ôm bụng...

Gian nan con đường vào đảng

Năm 1976 - Kim Sơn chờ quyết định về Ủy ban Kế hoạch tỉnh. Sau đó sẽ giữ chân thư ký cho bố. Kim Sơn cần nhiều kinh nghiệm văn phòng. Cùng thời điểm nhà máy bê-tông Đạo Tú do Đông Đức viện trợ kỹ thuật, được Bộ Xây dựng chuyển cho Vĩnh Phú. Bí thư Kim Ngọc đi nhận bàn giao nhà máy nghe chuyên gia Đức than phiền sẽ rất khó khăn nếu như không có cán bộ biết kỹ thuật và tiếng Đức khi vận hành nhà máy. Bí thư Kim Ngọc liền nghĩ đến người con trai và quyết định điều ngay Kim Sơn về làm Trưởng phòng kỹ thuật – Cơ điện.

Kim Sơn phấn đấu trở thành đảng viên cộng sản. Ai cũng nghĩ với thành phần xuất thân như anh thì không cần phải xác minh hay kê khai lý lịch dài dòng lôi thôi gì nhiều. Nhưng chính phần kê khai lý lịch mới nảy sinh ra nhiều tranh cãi vô lý mà lúc bấy giờ không ai có thể giải quyết được. Kể cả bố anh là Kim Ngọc - đương kim Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú.

Ông giám đốc - kiêm bí thư đảng uỷ nhà máy đọc bản kê khai lý lịch của Kim Sơn thấy mục ghi xuất thân bần nông thì không đồng ý. Yêu cầu anh phải ghi là trí thức tiểu tư sản. Vì anh đã tốt nghiệp đại học ở nước ngoài !!! Kim Sơn dứt khoát không chịu, vì Kim Ngọc vốn là tá điền đi làm thuê cho điền chủ.

Việc vào đảng cứ dẫm chân tại chỗ chẳng ai chịu nhường ai. Dù công tác chuyên môn, Kim Sơn có làm tốt đến đâu cũng mặc kệ. Thêm vào Kim Sơn vẫn giữ thói quen để tóc dài, mặc quần ống loe, dùng nước hoa, xà phòng thơm ngày ngày, lượn xe máy Simson vè vè.

Những năm tháng đó công an vẫn cầm kéo, tông đơ vây thanh niên để rạch quần ống loe, cắt tóc dài. Kim Sơn nhiều lần đi làm về cũng phải vù ga thật nhanh vào văn phòng tỉnh ủy mới thoát.

Nhìn con trai hớt hải, đầm đìa mồ hôi. Kim Ngọc chỉ lắc đầu thở dài.

- Con để tóc dài, mặc quần loe quá đẹp. Tại sao nhỉ...

Ông giám đốc - kiêm bí thư đảng ủy nhà máy đọc bản kê khai lý lịch của Kim Sơn thấy mục ghi xuất thân bần nông thì không đồng ý. Yêu cầu anh phải ghi là trí thức tiểu tư sản. Vì anh đã tốt nghiệp đại học ở nước ngoài !!!

Nhân đó Kim Sơn chất vấn bố việc kê khai lý lịch vào Đảng.

- Tại sao bố là bần nông, khi con khai lý lịch lại bắt con khai là thành phần tiểu tư sản trí thức, chỉ vì Đảng đã cử con đi học đại học ở Đức?

Kim Ngọc không trả lời. Nhìn con trai hồi lâu, rồi vớ chiếc điếu cày, vê thuốc. Dường như trước mặt ông là còn nguyên cả cánh đồng hoang chưa kịp khai hoang vỡ rậm... Nhưng sau này, ông đã thổ lộ cùng Kim Sơn.

- Đảng không phải của bố. Dù bố là Bí thư tỉnh ủy. Đảng không thuộc sỡ hữu cá nhân một ai. Bố không thể nhân danh cá nhân bố để mang quyền lợi của Đảng cho con. Đảng là sức mạnh ý chí của toàn dân. Con muốn là người của Đảng thì tự con phải đến với Đảng trước... trước khi Đảng đến với con... Nếu Đảng là của nhà mình thì bố đã cho con hết rồi...

Cơn gió buốt thổi tung lá khô xuống mặt hồ. Người đàn ông lục tuần nhìn xa xa qua đầm nước, hất hàm. Nắm tay vo tròn đặt trên mặt bàn loang lổ vết cà phê đen.

- Đằng sau ga Vĩnh Yên mạn thị xã cũ là nhà máy cơ khí Vĩnh Yên, nơi tôi nhận công tác đầu tiên khi ở Đức về. Đây, ngay chỗ chúng ta đang ngồi, bố tôi đã từng bị giặc vây ráp nằm trong bụi tre gai cả ngày mới thoát... Căn cứ đồn trú Pháp Vĩnh Yên thì giờ là tòa nhà ủy ban tỉnh. Ngoài xa kia, đồng rộng khoán quản thí điểm những vụ đầu tiên hãy còn chưa phai dấu vết thì giờ nhà máy xí nghiệp liên doanh đã mọc lên...

Đang ngồi trên lòng mẹ, bé trai bỗng đòi chiếc ghế gấp kéo đi chơi, phá đám cuộc cà phê và câu chuyện đang nồng. Ông bố đáng tuổi ông nội liền nghiêm mặt, thu lại chiếc ghế. Cậu nhóc im thít níu tay mẹ chỉ ra khuôn viên...

- Nhưng hiện nay ông đang là đảng viên cộng sản....

- Vâng, đương nhiên... Lăn lộn mãi ở nhà máy bê- tông Đạo Tú không thể vào Đảng, tôi xin về phòng Công nghiệp huyện Tam Đảo Năm 1983. Thời điểm đó kinh tế khủng hoảng toàn diện. Nhà tôi cũng bị đói dài... Bốn mươi tuổi tôi mới được vinh dự là đồng chí của bố. Nhưng gần như là vào Đảng chui...

Ông Kim Sơn cười kha kha ...

- Ông có đùa không nhỉ ? Vì Đảng chui sao được...

-Vì chưa phải là đảng viên mà nhận là đảng viên thì có khác gì vào Đảng chui không nhỉ...

Chiêu ngụm cafe đen không đường, người đàn ông tươi cười.

-Thú thực lúc đó xung quanh ai cũng giật gấu vá vai. Sức dài vai rộng tôi không thể khoanh tay ngồi nhìn cả nhà túng thiếu, buôn thì không biết, tham ô thì không có chức có quyền, mà có quyền chức hồi đó cũng chẳng có gì mà tham mà nhũng. Tôi tìm cách bán sức lao động, may mà có cửa. Người bạn cùng học đại học chế tạo máy ngày trước, làm trưởng phòng tổ chức của Cục hợp tác lao động quốc tế gợi ý cho tôi đi xuất khẩu lao động. Anh ấy hỏi:

- Cậu đảng viên chưa?

- Rồi... Tôi lạnh lòng, bố đường đường đảng viên công huân vậy mà mình chân trắng, nên cũng đáp liều như thế. Tưởng nói cho xong chuyện.

- Vậy thì cậu đảm nhiệm chức đội trưởng nhé. Lương tha hồ cao...

Người bạn cũ hí hoáy ghi chép vào hồ sơ, ra hiệu đã kết thúc câu chuyện.

Trót “nổ” với bạn như vậy, giờ mà cải chính ngay với bạn ngượng lắm thay, Kim Sơn quyết định về báo cáo Bí thư chi bộ là ông Luân- trưởng phòng Công nghiệp. Người bí thư Chi bộ đó đã báo cáo lên đồng chí Thụ - Bí thư Huyện ủy Tam Đảo sự tình. Bí thư huyện ủy ngạc nhiên, gọi Kim Sơn lên căn vặn nguyên cớ vì sao chưa là đảng viên... Anh thực thà kể hết chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Người Bí thư huyện ủy ngước lên than:

- Ông cụ bố cậu ghê thật... có lẽ phải ghê như thế mới dám làm khoán quản. Cậu thiệt thòi quá... nhưng sẽ vẫn phải làm theo đúng nguyên tắc của Đảng...

Cũng may là thủ tục đi xuất khẩu lao động cũng nhiêu khê, kéo dài đến mấy tháng. Kim Sơn cũng kịp trở thành Đảng viên dự bị và lên đường sang Đức. Đội trưởng đội may công nghiệp. Trở lại đất nước đào tạo anh nghề chế tạo máy, lần thứ hai. Nhưng Kim Sơn chỉ là kẻ quản lý người lao động phổ thông, không được hưởng được bất kỳ chế độ ưu đãi gì ngoài tư cách của kẻ làm thuê.

Lần thứ nhất 7 năm nuôi dưỡng ước mơ và chuẩn bị cho ngành chế tạo máy Việt Nam... đã không thành. Lần thứ hai, là 10 năm cho bươn chải, vật lộn kiếm sống bằng lao động chân tay. 17 năm cho nước Đức trong một đời người...

Chính vì đợt đi Đức lần thứ 2 này, Kim Sơn với người vợ đầu đã đứt gánh giữa đường. Vợ anh do phơi nhiễm chất độc da cam ở địa bàn Quảng Trị sớm qua đời vì ung thư. Họ có với nhau hai con gái. Cả hai đã đề huề chồng con. Con lớn, nghịch đất đứt tay khi làm vườn với ông nội trong thiên ký sự: Kim Ngọc- cha đẻ khoán 10 của tôi lớn lên học Đại học Ngoại ngữ, giờ làm dâu nước Mỹ. Tết này sẽ dẫn chồng và thông gia Mỹ về thăm thân.

Sau khi đi xuất khẩu có ít tiền tiêu vặt bằng bán sức, Kim Sơn quay lại làm việc ở cơ quan nhà nước thì đã quá nhiều thứ không cập nhật thời cuộc đổi mới. Công việc nhì nhằng của một viên chức nửa mùa. Chức vụ cuối cùng trước khi ông Kim Sơn về hưu là Phó giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến thương mại của Sở Thương mại Vĩnh Phúc. Một chức tương đương trưởng phòng cấp Sở.

Ở độc thân gần 10 năm đến khi sắp về hưu thì cái duyên nó đến, Kim Sơn với cô ấy bây giờ nên duyên mới. Lộc cái duyên mới của trưởng nam họ Kim là đứa con trai và là cháu đích tôn của Kim Ngọc, đang lanh chanh chạy nhảy ngoài sân nắng quanh khuôn viên thư viện.

Bỗng mấy đứa trẻ khác xúm vào quấy lấy nó giằng đồ chơi. Một cuộc chiến thực sự giữa bọn trẻ xảy ra. Tiếng khóc, tiếng la choe chóe. Thằng bé Kim Hạo - cháu đích tôn Kim Ngọc ngã lăn ra đất khi xô đẩy. Ai đó uống cà phê bàn bên nói vui.

- Thiên hạ lại đánh con cháu Kim Ngọc kìa. Sao không ai ngăn lại nhỉ.

Người vợ trẻ nhấp nhổm chạy ra định đỡ con, thì Kim Sơn gạt đi.

- Kệ nó. Tự nó ngã thì tự nó phải đứng dậy. Ngã ở chỗ nào thì đứng lên chỗ ấy. Để sau này nó lớn lên phải hiểu rằng, trước khi đứng lên cao thì đôi khi cũng phải rơi xuống thật thấp...

Kim Sơn cạn nốt ly cà phê, hướng sang người bạn làm thơ và tôi. Nụ cười sáng bừng, tỏa ấm.

- Nào, chúng ta đi nhậu chào Xuân được chưa nhỉ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG