Một đời đi tìm chữ nhạc dân tộc Việt

Một đời đi tìm chữ nhạc dân tộc Việt
Tên tuổi nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Hiến được giới nghệ thuật ca múa nhạc và công chúng biết đến như một biên đạo múa có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật múa nước nhà. 

Nhiều tác phẩm của ông đã được công chúng đón nhận với tình cảm yêu mến, được giới nghệ thuật đánh giá cao, được nhận những giải thưởng cao quý của Nhà nước như cụm tác phẩm: Ka Om, Thiếu nữ bên hồ, Tiễn đưa người lính trẻ được Giải thưởng Nhà nước đợt 1 năm 2000. Kịch múa Tấm Cám (đồng tác giả)  được Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Đánh giá cao những đóng góp xuất sắc nhiều mặt của ông, ngoài những giải thưởng nói trên, ông còn được Nhà nước phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (đợt 1 – 1983) và trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất (1998).

NSƯT Minh Hiến, tên thật là Nguyễn Phước Bửu Hiến thuộc dòng dõi Hoàng tộc, Phủ Tuy Lý Vương. Ông sinh ngày 4/6/1929 tại Vỹ Dạ - Huế. Từ tháng 12/1946 ông gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, được cử đi học trường Âm nhạc Liên khu IV, sau đó ông cùng các nhạc sĩ Văn Ký, Hải Châu – nhóm ca nhạc 3 người thuộc chi hội Văn nghệ L.K.IV hoạt động phục vụ quân dân ở vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh và vùng bị địch tạm chiếm Bình –Trị – Thiên.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 3 nhạc sĩ đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đói, rét, hiểm nguy… Gia đình ông khá giả, sợ ông không chịu nổi gian khổ trong chiến đấu, đã cho người ra đón ông về Huế, nhưng ông từ chối không trở về mà quyết tâm theo kháng chiến đến cùng.

Khoảng năm 1950 thành lập đoàn văn công Liên khu IV, các ông đã sát cánh cùng các nghệ sĩ tên tuổi như nhà thơ Thanh Tịnh, các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, các kịch sĩ Trúc, Quỳnh, Đào Mộng Long… biểu diễn ca múa nhạc kịch phục vụ quân dân L.K.IV trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp.

Năm 1953 NSƯT Minh Hiến được điều ra Việt Bắc tham gia đoàn văn công Trung ương. Từ đó, ông nghiên cứu chuyên sâu về sáng tác, biểu diễn nghệ thuật múa. Năm 1963 – 1966 ông được cử đi tu nghiệp thực tập sinh khoa học tại trường Đại học Sân khấu Quốc gia ở Mátxcơva (Liên Xô cũ).

Nhiều năm làm trưởng đoàn Ca múa nhân dân T.Ư sau làm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ngoài công tác quản lý, ông đã làm Tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật ca múa nhạc lớn như Liên hoan ca múa nhạc ba nước Đông Dương (1984), Tuần lễ văn hoá Việt Nam tại Liên Xô (1985)...

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông đã dẫn nhiều nhóm ca múa nhạc xung kích đi phục vụ các chiến trường. Ông còn dẫn Đoàn Ca múa Nhân dân T.Ư đi biểu diễn thành công tại Pháp (1969), Nhật Bản (1967 – 1968 – 1978) và nhiều nước trên thế giới.

Năm 2001, ông được tổ chức các nước nói tiếng Pháp mời làm giám khảo cuộc Liên hoan Múa quốc tế tại Canada.

Bên cạnh những cống hiến cho nghệ thuật múa, từ năm 1987 và những năm sau khi nghỉ hưu, ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu âm nhạc dân tộc, viết nhiều tiểu luận đăng trên các báo, tạp chí, kỷ yếu như: Bảo vệ bản sắc dân tộc trong nhạc khí Việt Nam, Đàn đá Việt Nam, Những danh phẩm âm nhạc độc đáo của Huế, Nhạc khí truyền thống Việt Nam (đồng tác giả - sách do NXB Thế giới ấn hành – 1994) và cuối cùng là “Chữ nhạc dân tộc Việt” (NXB Âm nhạc ấn hành – 1/2005).

Một đời đi tìm chữ nhạc dân tộc Việt ảnh 1

NSƯT Minh Hiến trong nhiều năm đã nghiên cứu tìm tòi, tham khảo các cách ghi âm của thế giới, từ bản nhạc phổ cổ đại EPITAPH OF SEIKILOS của Hy Lạp (thế kỷ thứ II trước Công nguyên) tới phương pháp ghi âm bằng chữ Cống Xê Phổ của Trung Hoa (Triều đại nhà Minh – thế kỷ thứ XV) cùng với những sáng tạo của ông cha chúng ta, của các nghệ nhân và các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu lý luận, kết hợp Cổ kim - Đông tây để xây dựng nên 2 loại chữ nhạc:

1. Chữ nhạc đương đại dân tộc Việt -  Là loại chữ nhạc sử dụng  cách ghi âm của phương Tây (trên 5 dòng kẻ) có bổ sung nhiều ký hiệu để ghi được những đặc trưng về cao độ của âm nhạc dân tộc với  những âm non, âm già 1/4, 3/4 cung và các ký hiệu ghi các cách diễn tấu độc đáo dân tộc mà phương pháp ghi âm phương Tây không hề có.

2 – Chữ nhạc cổ truyền dân tộc Việt cải tiến -  Là loại chữ nhạc lấy cách ghi âm bằng chữ Hò xừ xang xê cống cổ truyền của ông cha chúng ta đã dùng hàng ngàn năm nay làm cơ sở, có cải tiến, bổ sung để ghi được chính xác những cao độ, trường độ và các cách diễn tấu những bài bản cổ truyền như: Cổ bản, Lưu thủy, Tứ đại cảnh, Long ngâm…

Để tăng thêm tính thuyết phục, ông đã trích dẫn nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu Dân tộc nhạc trong và ngoài nước, những văn bản cổ kim về âm nhạc Đông – Tây để chứng minh cho lập luận của ông bà có cơ sở.

Khi viết xong bản thảo lần thứ nhất, ông có gửi cho nhạc sĩ Phạm Đình Sáu (nguyên Cục trưởng Cục Âm nhạc và Múa) và tôi, nhờ chúng tôi tham gia ý kiến, hiệu đính, bổ sung, biên tập cho hoàn chỉnh và viết lời giới thiệu để xuất bản.

Chúng tôi rất khâm phục ý chí kiên cường của ông, khi ông viết công trình này trên giường bệnh trong những cơn đau dữ dội, lúc hôn mê lúc tỉnh. Chúng tôi nghĩ rằng công trình này là một bước đột phá mới góp phần vào việc xây dựng chữ nhạc Việt Nam hoàn chỉnh, giúp cho công tác nghiên cứu, đào tạo, sáng tác và biểu diễn nhằm thực hiện có hiệu quả việc Bảo tồn – Kế thừa – Phát triển âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam.

Là những người cùng công tác với NSƯT Minh Hiến nhiều năm qua, chúng tôi rất quý trọng ông về tài năng, về ý thức trách nhiệm cao của ông trước sự nghiệp chung, về tác phong công tác sâu sát, thận trọng, tỉ mỉ và tận tụy của ông.

Chúng tôi càng khâm phục tinh thần, phẩm chất cách mạng của ông, đã từ bỏ cuộc sống giàu sang vương giả để đi theo Đảng, theo Cách mạng đến cùng. Là người có học vấn, có kiến thức nghệ thuật, cả cuộc đời ông đã dành tâm huyết cho nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc, không chỉ bằng lời nói mà bằng việc làm. Ông đã lao động nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng.

Chúng tôi, nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, nhạc sĩ NSND Trần Quý, nhạc sĩ Tạ Tuấn, Giám đốc NXB Âm nhạc – những người bạn của ông đã hết sức cố gắng để cuốn sách được nhanh chóng ra đời, kịp để ông nhìn thấy để ông vui, thanh thản trước khi ông từ biệt cõi đời này. Nhưng rất tiếc, khi viết đến những dòng cuối của lời giới thiệu thì chúng tôi nhận được tin do căn bệnh hiểm nghèo, ông đã ra đi vào hồi 8 giờ 18 phút ngày 7/12/2004, hưởng thọ 75 tuổi.

Vô cùng thương tiếc ông, chúng tôi chỉ còn biết kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt ông và bằng hết khả năng của mình, hoàn thành cuốn sách thay cho nén nhang tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

MỚI - NÓNG