Theo The Guardian, Washington đã đệ trình bản dự thảo sửa đổi về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên lên LHQ không lâu trước khi Hội đồng Bảo an tiến hành họp bỏ phiếu về dự thảo theo lịch vào chiều ngày 11/9 (giờ Mỹ).
Khác so với dự thảo được đệ trình lên LHQ trước đó, ở dự thảo sửa đổi, Mỹ quyết định loại bỏ điều khoản “đóng băng tài sản của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un”. Lệnh cấm vận dầu mỏ được thay thế bằng đề xuất giảm dần lượng xuất khẩu dầu.
Một số điều khoản liên quan đến người Triều Tiên làm việc tại nước ngoài, cũng như việc thanh sát các tàu bị nghi là chở hàng cấm theo các lệnh trừng phạt trước đó của LHQ cũng được giảm nhẹ. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may vẫn được giữ nguyên.
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ buộc phải “xuống nước” trong việc đề xuất các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì mong muốn nhận được phiếu ủng hộ của Nga và Trung Quốc - hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời là hai đồng minh thân cận của Triều Tiên.
Hiện, Nga và Trung Quốc vẫn để ngỏ quyết định của mình về dự thảo trừng phạt mới do Mỹ đề xuất và sẽ chỉ đưa ra lá phiếu chính thức trong cuộc họp chiều 11/9.
Theo Yonhap, Triều Tiên được cho là đang nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn dầu thô từ Trung Quốc và khoảng 300.000 – 400.000 tấn dầu thô từ Nga mỗi năm.
Dù lên án việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân hôm 3/9, nhưng Trung Quốc vẫn luôn tỏ ra thận trọng trước những biện pháp trừng phạt có thể gây nên sự bất ổn về chính trị ở Bình Nhưỡng.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của Bắc Kinh trong thời điểm này là một bán đảo Triều Tiên ngập tràn lính Mỹ và làn sóng người Triều Tiên tị nạn ồ ạt đổ về Trung Quốc nếu tình hình chính trị ở Bình Nhưỡng trở nên rối loạn.
Triều Tiên cũng đã cảnh báo Mỹ về một “nỗi đau đớn tột cùng” mà nước này có thể phải chịu nếu tiếp tục thúc đẩy nghị quyết trừng phạt thông qua Hội đồng Bảo an LHQ.
“Triều Tiên sẵn sàng sử dụng bất kỳ hình thức nào để buộc Mỹ phải trả giá xứng đáng cho việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt”, cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Trước đó, vào ngày 3/9, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch (bom H) có kích thước vừa đủ để đặt vào đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đây là cuộc thử nghiệm hạt nhân lần sáu và cũng là lần mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng.