Mối nguy từ vốn ngắn hạn

Mối nguy từ vốn ngắn hạn
Sự chảy vào ào ạt của các dòng vốn đầu tư ngắn hạn đã tạo ra một trạng thái hưng phấn thái quá của thị trường chứng khoán, để rồi rất dễ đổi chiều chuyển thành một sự thất vọng thái quá.
Mối nguy từ vốn ngắn hạn ảnh 1
TS. Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: TBKTVN

Ý kiến của TS. Vũ Thành Tự Anh - Phó giám đốc Phụ trách nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM.

“Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa VND và USD căn cứ vào Quyết định 319 của Thủ tướng và khuyến nghị của Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia, với biên độ tỷ giá VND/USD tăng từ ±0,75% lên ±1%, theo tôi là một bước đi thích hợp, bởi 3 lý do.

Thứ nhất, tỷ giá linh hoạt hơn sẽ giúp việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trở nên linh hoạt hơn. Thứ hai, chính sách tỷ giá linh hoạt hơn còn giúp giảm sức ép lạm phát. Thứ ba, sẽ có người cho rằng việc tăng giá VND sẽ làm giảm xuất khẩu (xuất khẩu) và do vậy, làm xấu thêm tình trạng thâm hụt thương mại hiện nay của Việt Nam.

Cần lưu ý là năng lực cạnh tranh giá (price competitiveness) của một quốc gia phụ thuộc vào tỷ giá thực, chứ không phụ thuộc vào tỷ giá danh nghĩa của đồng tiền của quốc gia ấy. Thời gian qua, các đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều tăng giá đáng kể so với USD, mà VND lại được neo vào USD, thế nên tỷ giá VND so với các ngoại tệ này vẫn đang ở vị trí có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.

Hơn nữa, chênh lệch lạm phát giữa VND và USD trong 5 năm qua cũng khiến tỷ giá thực của VND so với USD tăng khoảng 15%. Như vậy, nếu điều chỉnh tỷ giá VND/USD ở một chừng mực vừa phải (trong phạm vi ± 2%) thì không ảnh hưởng nhiều tới kết quả xuất khẩu của Việt Nam.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao chính sách tỷ giá đã linh hoạt hơn mà vẫn xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp xuất khẩu không đổi được USD ra VND? Theo tôi lý do chính là do khan hiếm tiền đồng. Nói chung, để giải quyết bài toán tỷ giá - lạm phát này không dễ dàng chút nào.

Bên cạnh những định hướng chính sách được đề cập từ điểm thứ 4 đến điểm thứ 9 trong Công văn số 319/TTg-KTTH thì theo tôi còn phải thực hiện thêm hai giải pháp.

Thứ nhất, đó là có chính sách quản lý dòng vốn ngắn hạn một cách thích hợp. Mặc dù không có số liệu chính thức nhưng theo ước lượng của khu vực ngân hàng thì trong số gần 7 tỷ USD đầu tư gián tiếp đổ vào Việt Nam trong năm 2007 có tới 60 - 70% là các dòng vốn ngắn hạn, có tính rủi ro cao, của các “hedge fund”.

Sự chảy vào ào ạt của các dòng vốn đầu tư ngắn hạn đã tạo ra một trạng thái hưng phấn thái quá của thị trường chứng khoán, và sự hưng phấn thái quá này rất dễ đổi chiều để chuyển thành một sự thất vọng thái quá (biểu hiện qua sự tụt dốc nhanh chóng của VN-Index trong mấy tuần gần đây).

Như vậy, trong khi đóng góp thực sự cho nền kinh tế của các dòng vốn đầu cơ ngắn hạn chưa thấy đâu thì những nguy cơ tiềm tàng của nó đã được bộc lộ rõ. Cần nhớ rằng việc tiếp nhận một lượng vốn ngắn hạn quá mức và sau đó tháo chạy ồ ạt là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á hồi 1997 - 1998.

Kinh nghiệm của một số nước (như Chile vào đầu những năm 1990) là áp dụng một tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các khoản vốn đầu tư gián tiếp và các khoản vay bằng ngoại tệ. Khoản dự trữ này phải để trong ngân hàng trung ương trong thời gian một năm. Tỷ lệ dự trữ ban đầu là 20% (năm 1991) sau đó tăng lên 30% trong năm 1992 khi lượng vốn vào tiếp tục gia tăng và sau đó giảm xuống 10% vào năm 1998 khi dòng vốn này suy giảm.

Kết quả là không những lượng vốn đầu tư vào Chile không hề giảm xuống, mà thành phần của dòng vốn vào đã có những thay đổi tích cực, trong đó lượng vốn dài hạn tăng lên và vốn ngắn hạn giảm đi. Nguyên nhân của thành công này là chính sách dự trữ bắt buộc này đóng vai trò như một loại thuế minh bạch, trên cơ sở thị trường, có tác dụng tăng sức hấp dẫn của các khoản đầu tư dài hạn so với đầu tư ngắn hạn.

Hơn nữa, tỷ lệ dự trữ có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt căn cứ vào diễn biến của dòng vốn nước ngoài. Đồng thời, khi dòng vốn đầu tư ngắn hạn được giảm bớt thì sức ép nâng giá đồng nội tệ sẽ được giải tỏa một phần, và nhờ vậy ngân hàng trung ương sẽ có độ tự chủ cao hơn trong chính sách tiền tệ.

Thứ hai, cần có chính sách thích hợp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần bán Đô la để có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên cần có quy định về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng tiếp cận tiền đồng dễ dàng hơn khi họ chứng minh được các hợp đồng xuất khẩu của mình”. 

Theo Vneconomy

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.