> Bộ trưởng Thăng sẽ đối thoại trực tuyến với dân
Bộ trưởng Thăng không ngại bị cách chức, còn có nông dân mời ông về làm trưởng thôn...
Ông Thăng được một nông dân mời về làm trưởng thôn. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Thu phí để đầu tư đường nông thôn, biên giới
Gần 1 tiếng đồng hồ, Bộ trưởng GTVT trả lời nhiều câu hỏi hóc búa trước người dân. Một độc giả cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng làm ngược quy trình khi đề xuất phương án thu phí lưu thông của phương tiện và phí đi lại giờ cao điểm.
Bộ trưởng Thăng nói: “Chúng tôi dựa trên các căn cứ sau: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa qua. Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và căn cứ vào kết quả trả lời chất vấn, Quốc hội đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung thông qua các giải pháp của Chính phủ.
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có kết luận, giao Bộ GTVT khẩn trương xây dựng đề án trình Chính phủ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Pháp lệnh về phí và lệ phí. Như vậy, tính pháp lý của đề án là đầy đủ. Đây không phải là sáng kiến mới mẻ của Bộ”.
“Chúng ta cũng phải đặt ngược lại vấn đề, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, họ làm gì để nộp thuế. Nhưng công sức bảo vệ biên giới của họ thì không thể tính bằng tiền. Người Việt Nam có câu làm ơn thì không bao giờ kể, nhưng chịu ơn thì không bao giờ quên. Ở biên giới, người dân không kể tới đóng góp của mình cho nhà nước nhiều đâu. Thực tế, về sử dụng hạ tầng… họ luôn bị thiệt thòi”. Ông Thăng nói.
Bạn đọc hỏi Bộ trưởng có sợ bị cách chức không. Ông Thăng trả lời: “Vừa rồi, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường có chuyển cho tôi bức thư ngỏ của một người nông dân gửi Bộ trưởng GTVT.
Bức thư viết: Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi ủng hộ các biện pháp quyết liệt vừa rồi của ông, mong ông tiếp tục duy trì. Nếu vì lý do gì đó, Quốc hội có phế truất, không cho ông làm Bộ trưởng nữa thì ông hãy về với chúng tôi. Chúng tôi sẽ bầu ông làm trưởng thôn. Chúng tôi sẽ mời ông các món ăn dân dã nhưng rất ngon như tôm, cua, cá, ốc, ếch. Chiều chiều, chúng tôi sẽ mời ông đi thả diều, cũng vui lắm, không nhất thiết phải làm việc nọ hay việc kia. Cho nên, tôi hết sức thanh thản. Làm được gì cho đất nước, cho ngành, tôi sẽ hết sức làm, theo như lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước thì hết sức tránh”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Doanh nghiệp phải nhìn lại chính mình
Trước đó, trong buổi sáng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình giao lưu trực tuyến với cổng thông tin điện tử Chính phủ. Liên quan đến Ngân hàng SCB sau hợp nhất vẫn huy động vàng với lãi suất cao, vẫn thỏa thuận lãi suất với khách hàng, chứng tỏ vấn đề thanh khoản vẫn chưa giải quyết.
Vai trò của NHNN ở đâu, vì sao NHNN không cử đại diện tham gia vào HĐQT để chấn chỉnh hoạt động của ngân hàng này? Thống đốc Nguyễn Văn Bình tái khẳng định: “Mọi hành vi vi phạm các quy định của NHNN, trong đó có quy định về trần lãi suất đều vi phạm pháp luật và là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. Nếu bạn có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm, gửi tới NHNN chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Làm gì để cứu thị trường chứng khoán và bất động sản? Theo Thống đốc Bình, để thị trường bất động sản lành mạnh, không nóng quá là bài toán đang đặt ra cho Chính phủ. Hệ thống ngân hàng cũng góp phần quan trọng lành mạnh hóa thị trường này. Việc siết chặt tín dụng, theo ông Bình không thể làm nó sụp đổ mà chỉ đưa thị trường về mức độ phát triển hợp lý hơn.
Về việc vay vốn lãi suất cao, thậm chí 80% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng không có lãi, một số doanh nghiệp phải đóng cửa do lãi suất cho vay quá cao, Thống đốc Bình phân tích: “Trên thế giới, một ông chủ bắt tay vào sản xuất kinh doanh phải có ít nhất 1 trên 3 đồng vốn. Đồng vốn thứ 2 có thể kêu gọi bạn bè, còn 1 đồng vay ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, vốn của các doanh nghiệp về cơ bản là từ ngân hàng, lên tới 80, 90%, nên khi thắt chặt tín dụng là gặp khó khăn”.
Theo ông, dưới góc nhìn tái cấu trúc doanh nghiệp, kể cả các DN tư nhân, nên nhanh chóng có kế hoạch điều chỉnh lại sản xuất để phù hợp giai đoạn mới: “Chúng ta phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề, chúng ta thiếu tiền kêu ngân hàng nhưng cũng cần xem bản thân mình là ai”.
Đình Thắng - Thu Huyền (lược ghi)