Mỏ vàng bia, sữa

Mỏ vàng bia, sữa
TP - Lệnh đặt mua hàng triệu cổ phiếu Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với mức giá trần được nhà đầu tư liên tiếp tung ra trong phiên chào sàn ngày 28/10. Chốt phiên, chỉ vỏn vẹn 100 cổ phiếu, trong tổng số 231,8 triệu cổ phiếu được niêm yết, được khớp với giá 54.600 đồng/cổ phiếu.

Nhìn vào bảng xếp hạng những doanh nghiệp lớn nhất ngành bia rượu Việt hiện nay, dù có sự suy giảm tăng trưởng, Habeco vẫn là một trong những tổng công ty làm ăn khá hiệu quả so với nhiều DN nhà nước khác. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của Habeco đạt 831,7 tỷ đồng, năm 2015 đạt 887,1 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến năm 2016 của DN này cũng lên tới 15%. Ngoài việc sở hữu các thương hiệu hàng đầu Việt Nam, Habeco còn đang nắm giữ vốn tại 17 công ty con và 9 công ty liên kết với hệ thống bán hàng và những mảnh đất vàng với giá trị khó có thể tính hết. Vì vậy, cũng không quá khó hiểu khi cổ phiếu Habeco, doanh nghiệp nằm trong top 3 những hãng bia thị phần lớn nhất Việt Nam, cháy hàng với giá trần 40% ngay phiên đầu chào sàn UpCom.

Với các nhà đầu tư, bài toán đơn giản nhất để thâm nhập thị trường, không có cách nào hiệu quả hơn bằng việc bỏ tiền để sở hữu các doanh nghiệp lớn trên thị trường. Chỉ riêng việc “bán đứt” Sabeco, Habeco và Vinamilk, ước tính Nhà nước có thể thu về không dưới 10 tỷ USD. Số tiền không hề nhỏ với kinh tế Việt Nam hiện nay nhưng cũng xứng đáng nếu nhìn vào con số hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm các DN này mang lại cho Nhà nước.

Với việc sở hữu, thâu tóm thành công cổ phiếu Habeco, Sabeco hay Vinamilk cùng nhiều DNNN khác sẽ được lên sàn trong thời gian tới, các nhà đầu tư có thể khai thác ngay lập tức các “mỏ vàng” này. Lợi nhuận theo đó cũng tức khắc được thu hồi. Tiết kiệm được rất nhiều năm gây dựng để giành thị phần, xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp trên toàn trong trường hợp này là bài toán khá khôn ngoan.

Ở góc độ khác, việc các bộ ngành cứ loay hoay, chậm trễ trong việc thoái vốn khỏi các “mỏ vàng”cũng khá dễ được giải thích. Cơ chế đặc quyền đặc lợi với những lợi ích nhóm đan xen khiến những “miếng mồi ngon” Sabeco và Vinamilk luôn trong tầm ngắm của hàng loạt tập đoàn, thương hiệu ngoại khi các DN nội nói trên đang nắm giữ những dây chuyền sản xuất bia, sữa bột và sữa tươi hiện đại nhất Đông Nam Á hiện nay.

Quyền lực vô hình từ việc lương cao, bổng lộc hậu hĩnh luôn là mồi ngon khiến không ít người thèm muốn. Chuyện đưa người thân, “con ông, cháu cha” làm lãnh đạo Sabeco và Habeco cũng một phần được lý giải về những lùm xùm trong bổ nhiệm cán bộ ở hai đơn vị này thời gian gần đây.

Những dự báo thị trường cho thấy, ngành bia, sữa sẽ tiếp tục mang lại những khoản lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng trong những năm tới. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi theo thống kê của Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam, sản lượng tiêu thụ bia năm 2015 lên tới 3,4 tỷ lít. Tính trung bình, mỗi người Việt uống khoảng 38 lít bia/năm và Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới. Còn theo Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu, 6,8 tỷ lít nước giải khát. Thị trường nước giải khát vì vậy được dự báo sẽ tiếp tục là những mỏ vàng trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.