Mở ra nhiều chương trình hấp dẫn với sử thi

Mở ra nhiều chương trình hấp dẫn với sử thi
TP - Chính phủ giao cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và vùng lân cận thực hiện dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, bảo quản và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên”.

Dự án với tổng kinh phí 17,957 tỷ đồng, triển khai từ tháng 10/2001 đến hết năm 2007.

Ngày 8/1/2008, Hội nghị tổng kết dự án đã diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột, khẳng định kết quả thành công vượt xa dự kiến ban đầu.

Bốn mảng việc chính của dự án là: Tổng điều tra toàn bộ trữ lượng sử thi của các tộc người bản địa sinh sống trên Tây Nguyên và vùng lân cận; Tổ chức sưu tầm các sử thi đang được các nghệ nhân lưu giữ trong trí nhớ và truyền miệng;

Biên dịch và xuất bản thành sách 75 tác phẩm sử thi của các tộc người dưới hình thức song ngữ; Tổ chức bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên dưới dạng băng tiếng, băng hình, văn bản v.v…

Trong quá trình nghiên cứu lao tâm khổ tứ kéo dài, đã có 4 “hạt nhân” của dự án qua đời: Thạc sĩ Hứa Đông Hải của Viện Nghiên cứu Văn hóa, ông Nguyễn Thế Sang ở Khánh Hòa, cụ bà Me Jech dân tộc Chăm ở Bình Phước và cụ ông Điểu Mpiơih dân tộc Mơ Nông ở tỉnh Đắk Nông.

Những bộ Sử thi thơm mùi giấy vừa được đưa ra khỏi nhà in, cũng là lúc cụ Điểu Kâu - người duy nhất có khả năng phiên âm biên dịch sử thi Mơ Nông- lâm trọng bệnh.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Kỳ- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc thiểu số:

Mong Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí

Phải vài chục năm nữa, lùi lại chiêm nghiệm đánh giá mới có thể hiểu hết giá trị của sử thi Tây Nguyên. Theo tôi việc sưu tầm đến nay cơ bản là xong. Những tác phẩm tiêu biểu cũng đã xuất bản.

Số lượng sử thi hiện còn lưu trữ trong băng rất nhiều, nhưng băng có thể hỏng, mà nghệ nhân thì không còn cho chúng ta có thể ghi âm lại. Mong Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí để trí thức Việt kết hợp với trí thức các dân tộc làm thành văn bản, sử thi mới không bao giờ mất nữa.

Kiệt tác là quan trọng. Nhưng thấy đỉnh cũng cần thấy cả xung quanh thì mới phân tích được giá trị, nghiên cứu được những vấn đề liên quan. Tôi cho rằng kho tàng Sử thi Tây Nguyên có 2 kiệt tác: Đam San và Mkrông Đăm.

Các bạn yêu văn chương hãy tìm đọc 2 bộ sử thi này,để thưởng thức những câu văn nguyên thủy hay đến rợn người, không thể tưởng tượng đồng bào mình từ xa xưa đã hát kể hay đến như vậy.

Điều đó càng cho thấy Dự án đã được triển khai rất kịp thời ! Vì nếu muộn dăm mười năm nữa, dù kinh phí có được cấp dồi dào cùng những phương tiện sưu tầm hiện đại hơn, trí thức tài giỏi mấy cũng sẽ bó tay bởi hầu hết nghệ nhân các dân tộc đã già yếu quên lãng hoặc về bên kia thế giới.

May sao, các chỉ tiêu sưu tầm, dịch nghĩa đều vượt số lượng và được các hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt. 75 tác phẩm sử thi - của các dân tộc Mơ Nông, Ra Glai, Ba Na, Chăm, Ê Đê, Xơ Đăng- đã in đều dày trên dưới 1.000 trang khổ lớn, sau phần tiếng dân tộc là tiếng phổ thông.

Chân dung nghệ nhân, người hát kể, lưu giữ và truyền dạy sử thi cho thế hệ trẻ được in trang trọng ở đầu mỗi tác phẩm. Kho tư liệu còn lại càng đồ sộ hơn với trên tám trăm tác phẩm mới kịp sưu tầm, chưa được phiên âm dịch nghĩa và biên tập.

Rất cần Nhà nước cho triển khai thêm một hoặc vài dự án tiếp theo để tiếp tục xuất bản khối di sản quý giá này, đồng thời có những giải pháp cần thiết (ví dụ như in mỗi sử thi thành nhiều tập truyện nhỏ phát hành rộng rãi, ra đĩa CD, VCD, tổ chức gặp mặt tôn vinh nghệ nhân hát kể sử thi, có chế độ đãi ngộ chăm sóc nghệ nhân, lập website Sử thi Tây Nguyên v.v…) đưa sử thi trở về phổ biến lại trong các buôn làng, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hơn nữa, để giới thiệu kho tàng sử thi đặc sắc của Việt Nam đến bạn đọc cùng giới nghiên cứu trong nước và quốc tế.

* GS-TS Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện KHXHVN, Giám đốc điều hành dự án cho biết : Cuối năm nay tại Đắk Lắk sẽ diễn ra một hội thảo sử thi quốc tế, trong đó có sử thi VN. Còn nhiều phần việc khác nên làm để đưa sử thi vào cuộc sống, vào trường học, vào sinh hoạt làng buôn.

Một số thanh thiếu niên Tây Nguyên hiện không biết tiếng mẹ đẻ.  Phải biết tiếng mẹ đẻ thì mới học được sử thi và góp phần quan trọng vào việc truyền bá sử thi.

Hoàng Thiên Nga

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.