Miền Trung, Tây Nguyên: Mở cửa tương lai

Miền Trung, Tây Nguyên: Mở cửa tương lai
Miền Trung - Tây Nguyên nghèo, điều đó không lạ; nhưng lại khó hiểu khi vùng đất này luôn được đánh giá cao về tiềm năng tự nhiên cũng như con người.
Miền Trung, Tây Nguyên: Mở cửa tương lai ảnh 1

Điều đó trái ngược với bản chất của logic, vậy mà nó vẫn tồn tại suốt vài trăm năm qua.

Tuy trong lịch sử, thế kỷ 17, 18 đã từng có một cuộc đột phá kinh tế tại Hội An, mạnh đến độ làm lu mờ cả nhiều trung tâm thương mại của Đông Nam Á, buộc con đường gốm sứ quốc tế trên biển phải rẻ ngoặt vào xứ Quảng Nam, biến nơi này thành một điểm hội tụ doanh thương thế giới với các đoàn thuyền buôn Trung Hoa, Châu Ấn Nhật Bản, Đông Ấn Hà Lan...

Tiếc thay sự phồn thịnh tồn tại chỉ hơn 100 năm, Hội An lại nhanh chóng suy tàn, trở thành "thành phố dưỡng già".

Đó cũng là hình ảnh đại diện chung cho cả khu vực miền Trung trong suốt thế kỷ 20. Đói, nghèo với miền Trung- Tây Nguyên có phải là một định mệnh?

Các tỉnh Miền Trung đã và đang tổ chức các đại hội Đảng và từ đây câu trả lời "định mệnh" hay không, không phụ thuộc vào một thế lực siêu nhiên nào đó mà tuỳ cách đặt vấn đề khai thác lợi thế của mỗi địa phương.

600 năm bán mặt cho đất

Nói đến miền Trung, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành uỷ Đà Nẵng có cách ví von khá lạ. Trong các câu chuyện phiếm về quê hương, ông gọi đó là “cái tay chày”.

Giã đi, giã lại thì hai đầu còn dính ít thịt, ít cám, chứ khúc giữa thì chỉ có rặt mồ hôi. Lối nói giàu hình ảnh đó, nghĩa đen tả thực hình dáng bản đồ hình chữ S Việt Nam, nhưng lại bóng bẩy ở chỗ phản ảnh thực trạng nhọc nhằn của vùng đất cũng như mức độ đầu tư từ “bầu sữa” ngân sách dành cho nó trong những năm thập niên cuối của thế kỷ trước.

Nhìn trên bản đồ, miền Trung là một dải đất hẹp, lưng dựa vào dãy Trường Sơn trùng điệp, mặt quay ra biển. Với diện tích 107.116 km2, dân số hơn 15 triệu người chiếm 17,6% dân số cả nước, các tài liệu khảo sát có độ tin cậy cao cho biết miền Trung và Tây Nguyên là một khu vực liên kết chặt, đa dạng về tài nguyên rừng và biển, hứa hẹn một tiềm năng kinh tế lớn về sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ.

Thế nhưng cho đến đầu thế kỷ 21, các tỉnh MT-TN vẫn là các địa phương có nền kinh tế thuần nông với tỷ lệ gần 90% số dân chỉ biết “bán lưng cho đất, bán cật cho trời”.

Thật đáng ngạc nhiên về sức sống của nó khi lịch sử xứ Đàng Trong cho biết, kể từ ngày Vua Lê Thánh Tông thành lập Thừa tuyên thứ 13 của đất nước là đạo Quảng Nam vào năm 1471, ba đợt di dân lớn về phía Nam của hàng vạn cư dân đồng bằng sông Hồng, sông Mã thì hầu hết là nông dân. Và đến tận hôm nay, xem chừng hình ảnh đó không hề được cải thiện.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Vũ Ngọc Hoàng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nhận định trong một phát biểu hết sức trăn trở: “Người dân miền Trung vốn cần cù, chịu khó, tính cách mạnh mẽ, lại không hề thiếu năng lực sáng tạo, vậy mà 600 năm qua, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vậy mà vùng đất này vẫn nghèo. Chỉ có một cách giải thích duy nhất có lý, đó là cơ cấu kinh tế vùng đất từ lâu đã không còn phù hợp”.

Chính vì vậy, những năm cuối thế kỷ trước kéo dài cho đến hôm nay, so với cả nước, miền Trung – Tây Nguyên gấp gáp, sôi động hơn bao giờ hết.

Bắt đầu là Dung Quất với Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, sau đó là Khu kinh tế mở Chu Lai, cũng là một mô hình kinh tế mới chưa từng có tiền lệ; tiếp đến là Chân Mây, Nhơn Hội, Lao Bảo, Bờ Y... và thành phố động lực Đà Nẵng được coi là như một “chiến dịch” kinh tế của Trung ương nhằm điều hoà mối quan tâm đầu tư đến khu vực nghèo nhất nhì nước.

Đứng ở khía cạnh nào đó, những cái tên kể trên có một thời như một liều an thần, làm dịu đi mặc cảm nghèo hèn, nhưng qua đó nhiều người chợt nhận ra, sự phát triển không nằm ở con số bao nhiêu nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế mà tương lai vùng đất tuỳ thuộc vào cách đặt vấn đề chọn lợi thế khai thác.

Tài nguyên hay vị trí

Sự phồn thịnh của Hội An kéo dài qua hai thế kỷ 17, 18 chứng minh cho sự lựa chọn vị trí để xứ Đàng Trong tranh chấp ảnh hưởng với phố Hiến ở Đàng Ngoài và các trung tâm thương mại trong khu vực.

Hình ảnh đó được chính quyền Quảng Nam tâm đắc và coi như một bằng chứng sống động; đồng thời lại hết sức phù hợp với Dự thảo Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam- Từ nay đến năm 2020 là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... nhằm đưa nước ta “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Và trên cơ sở đó, Đại hội Đảng, các địa phương Miền Trung- Tây Nguyên cũng đã cố gắng tìm cách giải thích cho hiện trạng kinh tế của mình và đi đến quyết định năm 2006 sẽ là năm bắt đầu cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế là công nghiệp và dịch vụ, thay vì “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” như đã từng trước đây.

5 năm đầu thế kỷ 21, sự đầu tư xây dựng các công trình lớn, tuy chưa làm bức tranh kinh tế sáng màu, nhưng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cũng kịp tạo cho mình một tiền đề mang tính nền móng cho sự chọn lựa mới.

Yếu tố quan trọng hàng đầu, đó là giao thông đường bộ miền Trung và Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng đã nâng cấp QL 1, QL 14 – đường Trường Sơn, QL 9 hành lang Đông Tây nối tiểu vùng sông Mêkông hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, có lưu lượng phục vụ hàng chục ngàn lượt xe/ngày...

Thứ đến hệ thống cảng biển miền Trung cũng đã hình thành với 11 cảng tổng hợp và 9 cảng chuyên dụng có công suất bốc xếp 7 triệu tấn/năm, lượng hàng hóa thông qua 4 triệu tấn/năm.

Theo qui hoạch tổng thể cảng biển Việt Nam đến năm 2010 với tổng vốn đầu tư 3150,7 triệu USD, miền Trung sẽ đầu tư 1.000 triệu USD cho 20 cảng tổng hợp và chuyên dụng để đạt khả năng thông qua 20 triệu tấn hàng hóa vào năm 2003 và 44 triệu tấn vào năm 2010.

Trong đó, năm 2003 cảng Tiên Sa đầu tư 41,1 triệu USD để có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 DWT với lượng hàng hóa thông qua 2,3 triệu tấn/năm, cảng chuyên dụng Dung Quất phục vụ KCN hóa dầu đầu tư 110 triệu USD cho tàu tải trọng đến 80.000-200.000 DWT với lượng hàng hóa thông qua 13,5 triệu tấn/năm...

Tại khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), đến cuối năm 2005, đã thu hút 92 dự án đầu tư với số vốn lên tới 4,5 tỷ USD. Nhiều dự án lớn đã được triển khai thực hiện như xây dựng gói thầu số 1 Nhà máy lọc dầu, xây dựng nhà máy đóng tàu với sức chở 100 nghìn tấn.

Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế các quốc gia đã đến Dung Quất tiến hành khảo sát, xây dựng các dự án phục vụ liên hợp lọc dầu và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ sản xuất và đời sống.

Dự kiến trong năm 2006 sẽ có khoảng 20 dự án dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, đưa sản lượng công nghiệp đạt 30 đến 35 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 30 triệu USD.

Khu KTM Chu Lai cũng hào hứng với con số đầu tư không kém cạnh gì. Cạnh Quảng Ngãi, Bình Định cũng vừa khởi động xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội trên diện tích hơn 5.200 ha đất, mà đã có ngay 2,9 tỷ đô la đăng ký đầu tư.

Tính đến thời điểm này cả khu vực miền Trung đã có 5 khu kinh tế hình thành một vùng trọng điểm kinh tế chung quanh Đà Nẵng, thành phố được Bộ Chính trị chọn là làm động lực kéo theo sự phát triển của toàn vùng.

Mỗi địa phương tuỳ thuộc vào lợi thế của mình để chọn bước đi phù hợp. Ví dụ Đà Nẵng trong vòng 7 năm chỉnh trang, đã thay đổi toàn bộ hình ảnh một đô thị nhượng địa cũ kỹ, vươn mình trở thành một thành phố hiện đại, chuẩn bị nền móng cho công cuộc công nghiệp hoá hoàn toàn vào năm 2020.

 Hay Quảng Nam, bên cạnh Khu kinh tế Chu Lai, huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc cũng đã biết cách kéo người nông dân ra khỏi cánh đồng truyền kiếp, một bước vào những khu công nghiệp tập trung, những nhà máy, xí nghiệp “làng” khoác chiếc áo công nhân.

Tỉnh Nam Trung bộ Khánh Hoà đã tạo một bức phá mạnh, vươn ra biển khai thác lợi thế du lịch bằng vị trí những vịnh biển đẹp nhất nhì thế giới… giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao thu nhập địa phương qua du lịch lên con số 4.000 tỉ mỗi năm.

Và cùng với duyên hải miền Trung, Tây Nguyên cũng đang vươn vai với những thương hiệu Cà phê Trung Nguyên, gỗ Hoàng Anh, caosu Chưprông, thành phố ngàn hoa Đà Lạt, công nghiệp chế biến bôxit Đắc Nông...

Từ bài học Hội An trong quá khứ cùng 600 năm đói nghèo, Miền Trung – Tây Nguyên quyết định từ bỏ “bến bờ nông nghiệp”, chuyển mạnh qua cơ cấu công nghiệp, dịch vụ hai vai là bước ngoặt; là cách duy nhất để mở ra cánh cửa tương lai.

Theo Nguyễn Trung Hiếu
Lao động

MỚI - NÓNG