Ngày 12/3, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi thực địa công tác ứng phó với hạn, mặn tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Tại Bến Tre, Thứ trưởng Hiệp đã đến kiểm tra công trình cống ngăn mặn Tân Phú, thượng nguồn sông Ba Lai (huyện Châu Thành). Đây là 1 trong 8 công trình cống ngăn mặn thuộc dự án quản lý nước Bến Tre sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.
Đoàn công tác khảo sát tại Bến Tre. |
Tại Tiền Giang, ông Hiệp đến kiểm tra tiến độ thi công công trình cống Nguyễn Tấn Thành - thuộc dự án công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây. Đến nay, công trình này đã đạt hơn 80% khối lượng hợp đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 8 tới.
Ông Hiệp đánh giá, tình hình hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm nay được các cơ quan chuyên môn dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Nước mặn xâm nhập sâu hơn trung bình nhiều năm từ 5-15km, thấp hơn đợt hạn mặn mùa khô 2019-2020 khoảng 10-15km. Đây là thời điểm hạn mặn cao nhất của năm nay, vùng còn đối mặt 2 đợt hạn mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 (theo thủy triều). Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng được dự báo sẽ thấp hơn đợt cao điểm từ ngày 10-13/3 này khá nhiều.
Đến thời điểm này, đối với các giải pháp ứng phó, thích nghi, ông Hiệp nhận định, đang đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Trong đó, các địa phương triển khai xuống giống lúa vụ Đông Xuân đẩy sớm hơn 1 tháng. Các địa phương cũng rà soát, đánh giá khả năng thiếu nước đến từng hộ gia đình, từng mảnh vườn.
Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, từ ngày 8-11/3, độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính của tỉnh khoảng 52-64km, độ mặn 1‰ xâm nhập khoảng 70-79km. Xâm nhập mặn đến sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm và xấp xỉ mùa khô năm 2015-2016.
Bến Tre đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực…
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 250.000 m³/ngày đêm, chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Thời điểm này, các đơn vị cấp nước đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch bơm lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn. Tuy nhiên, vấn đề nước sinh hoạt mùa khô ở tỉnh Bến Tre hiện gặp khó do nguồn nước thô của nhiều nhà máy đã bị nhiễm mặn…
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, Bến Tre đang chịu áp lực đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Hiện có một loạt dự án triển khai ở Bến Tre, dự kiến đến năm 2026 cơ bản hoàn thành, khi đó toàn bộ vùng Bắc Bến Tre có thể ổn.
“Đối với vùng Nam Bến Tre, sẽ báo cáo Thủ tướng để đầu tư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nữa, dự kiến đến năm 2027 cơ bản toàn bộ tỉnh Bến Tre đảm bảo ổn định nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt”, ông Hiệp nói.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương bám sát công điện chỉ đạo của Chính phủ, về nguyên tắc không được để hộ dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp; không được để ảnh hưởng đến vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm, diện tích nuôi trồng thủy sản; đẩy nhanh tiến độ các dự án…