Bài 1: Vào vùng mương khô, ruộng cháy
Từ đầu tháng 2, đặc biệt giai đoạn Tết Nguyên đán đến nay, miền Tây chưa có ngày mưa, nước trên các sông tiếp tục giảm, nước mặn từ biển theo các đợt thủy triều chảy ngược vào đất liền, có nơi vào sâu tới 50-60km. Thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất càng làm những giọt mồ hôi của người nông dân thêm mặn chát.
Mặn bủa vây
Một chiều đầu tháng 3, chúng tôi đến ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nơi cách xa đầu nguồn kênh cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp của địa phương hàng chục kilômét.
Mới 9h sáng, nắng rát da, Trưởng ấp Ô Răng - ông Na Sine dẫn chúng tôi ra giữa cánh đồng lúa đang giai đoạn trổ bông (có ruộng gần chín) nhưng bị “đứng hình” vì hết nước, nhiều lá bắt đầu chuyển từ xanh sang xám - màu của lá khô.
Ruộng lúa khô héo ở ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Kênh nội đồng rộng hơn 7m, giờ thành rãnh nước nhỏ, có thể đi bộ ra gần giữa lòng kênh chân không dính bùn. Ông Na Sine chỉ cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay rộng hơn 100ha, tất cả thiếu nước từ trước Tết đến nay. Tình trạng nghiêm trọng vậy chỉ kém chút so với mùa khô năm 2015-2016 (mùa khô hạn, mặn lịch sử ở miền Tây- PV).
“Ở đây không bị xâm nhập mặn, mà thiếu nước do hạn hán, phía cửa sông đóng để ngăn mặn vào nội đồng. Nước ăn uống, sinh hoạt hiện còn đủ, riêng nước cho lúa đành chịu thua, ở đây bà con chủ yếu sống nhờ lúa. Bây giờ nước về may ra còn cứu được khoảng 60-70%, thêm vài tuần nữa nước không về nhiều ruộng coi như mất trắng”, ông Na Sine xót xa.
Sả của người dân ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang chết do thiếu nước. Ảnh: Nhật Huy |
Nhà có 10 công lúa Đông Xuân năm nay, ông Thạch Hon (53 tuổi, ấp Ô Răng) lo lắng, tình hình này kéo dài xem như vụ này trắng tay, riêng chi phí đầu tư phân, giống đã khoảng 30 triệu đồng, chưa tính công cán. Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Long Sơn chủ yếu được dẫn từ sông Hậu qua các kênh khởi đầu từ huyện như Trà Cú, Tiểu Cần (Trà Vinh) về.
Thời gian gần đây, do xâm nhập mặn trên các sông chính đều tăng, nên các cống đầu nguồn phải đóng để ngăn mặn vào nội đồng. Một số ruộng gieo sạ muộn, lúa chưa làm đòng đã bị thiếu nước, khô cháy, người dân phá lúa làm lại đất trồng dưa và cây màu khác, vứt bỏ chi phí đầu tư cho lúa.
Lãnh đạo xã Long Sơn thông tin, vùng diện tích lúa bị thiếu nước của xã mấy năm nay không quy hoạch sản xuất vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay giá lúa tăng cao nên bà con vẫn xuống giống, một số còn gieo sạ chậm hơn lịch thời vụ khiến diện ảnh hưởng rộng hơn.
Huyện Trà Cú (nằm giáp sông Hậu) có nhiều dự án trạm bơm, kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh. Riêng trạm bơm kênh 3 Tháng 2 cấp nước ngọt cho gần 26.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho hơn 285.400 nhân khẩu. Trạm bơm này còn cấp nước cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, khu kinh tế Định An và một số cụm công nghiệp khác của tỉnh Trà Vinh.
Quan trọng vậy, nhưng tình hình nước mặn đang lấn sâu lên thượng nguồn Sông Hậu, trong đó có địa bàn huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè, nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước cấp cho kênh 3 Tháng 2.
Từ đầu tháng 1/2024, Xí nghiệp Thủy nông huyện Trà Cú đã thông báo và thực hiện đóng các cống ven sông Hậu. Đơn vị còn lắp nhiều bảng hiệu tại các cống lấy nước vào nội đồng ghi chỉ số mặn để người dân nắm và có kế hoạch đưa nước lên ruộng, vườn.
Chuyển đổi cây trồng vẫn “dính” hạn
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, người dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) những năm gần đây đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu để thích ứng với thiếu nước ngọt mùa khô. Vùng đất gần biển các xã Phú Thạnh, Phú Đông… của huyện Tân Phú Đông trước đây cũng trồng lúa, giờ thành vùng chuyên canh cây sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang.
Với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, cây sả đã giúp nông dân nơi đây cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, nông thôn đổi mới từng ngày. Thành quả đó cũng nhờ các năm trước mùa khô không quá gay gắt, sả vẫn đủ nước tưới.
Còn mùa khô năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn, vùng chuyên canh sả lớn nhất Tiền Giang đang thiếu nước tưới nghiêm trọng. Khu vực nằm ngoài vùng ngọt hóa của huyện Tân Phú Đông, tình trạng cây sả chết khô đang lan rộng.
Cánh đồng sả của huyện Tân Phú Đông ngút tầm mắt (hơn 800ha), xen lẫn màu xanh là những khoảnh sả xám lá do nhiều ngày không còn nước ngọt để tưới, một số đám gần như chết khô, đổ rạp.
Nắng nóng đang từng ngày đốt lá sả chuyển từ xanh sang xám trông như đồng lau giữa mùa gió hanh miền Bắc. Những mương nước nội đồng giờ chỉ như đường hào sâu, không một giọt nước lưu lại, cỏ quanh bờ cũng khô cong, rũ rượi.
Gia đình bà Huỳnh Thị Minh Nhật (xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông) có 3.000m2 trồng sả. Chỉ cánh đồng sả gần như đã chết khô, bà xót xa số tiền đầu tư hàng chục triệu đồng của vụ sả năm nay xem như mất trắng.
“Nước kênh không còn, nước máy chỉ dùng cho sinh hoạt. Một khối nước máy giá 10.000 đồng, nếu dùng tưới sả sao chịu nổi, đành bó tay chờ trời”, bà Nhật tính toán giữa các phương án gần như không có lựa chọn.
Còn đồng sả của ông Phan Minh Hoàng (cùng xã Phú Đông) rộng 3ha, nằm trong vùng ngọt hóa (trong đê), nước tưới từ kênh nội đồng. Hơn tháng nay do mặn xâm nhập, các cửa cống đóng hết, không còn nước tưới, sả héo.
Bà Huỳnh Thị Yến Phượng (vợ ông Hoàng) tính toán, so với trồng lúa, thu nhập từ cây sả cao gấp 3 lần, sau vài năm chuyển đổi gia đình có của ăn của để, cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Mô hình trồng sả giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nghèo địa phương.
Tuy nhiên, mùa sả năm nay nắng nóng kéo dài, khiến sả khô héo giảm năng suất, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nơi đây. “Mấy tháng nay, nhất là sang tháng Giêng, thiếu nước trầm trọng nên sả cũng khô héo, tôi đành bỏ ruộng đi làm thuê, chờ mưa xuống trồng lại”, bà Bùi Thị Bon (xã Phú Đông) nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thành Thạnh Tiến, Phó Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, đến nay toàn huyện đã xuống giống được 886ha sả (trên tổng số 3.900ha diện tích kế hoạch năm 2024).
“Chúng tôi thường xuyên quan trắc độ mặn trên sông, kênh, rạch nội đồng để chủ động bơm nước tưới vào trữ ở hệ thống kênh mương nội đồng, phục vụ bà con chăm sóc sả. Tuy nhiên, hiện nước sông đã bị mặn xâm nhập, không thể bơm tưới cho đồng sả”, ông Tiến nói.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia ghi nhận, trong tháng 2/2024, độ mặn 4% đã đo được trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây vào sâu đất liền từ 50-62km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 40-45km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Sông Hậu từ 42-52km; sông Cái Lớn từ 37-45km. Xâm nhập mặn tác động trực tiếp tới các địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Dự báo, tình trạng hạn mặn sẽ còn tiếp diễn trong các tháng tới với diễn biến khó lường.
Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận, xâm nhập mặn mùa khô năm nay đến sớm và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm và cao hơn năm 2023.
Do ảnh hưởng của triều cường đầu tháng Giêng và gió mùa Đông Bắc mạnh, độ mặn trên các sông tăng cao đột biến, vào sâu nội đồng. Trên sông Tiền đoạn qua TP Mỹ Tho (cách cửa biển 44km), có thời điểm độ mặn đo được gần 2% (gần 2 gam/lít, cao hơn độ mặn cùng kỳ năm trước 0,5%).
Thậm chí độ mặn cao hơn bình thường đã ghi nhận tại đoạn sông Tiền qua xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách cửa biển 51km.
(Còn nữa)