Kiên Giang – Cà Mau khẩn cấp phòng chống hạn, mặn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn mặn, vận hành công trình thuỷ lợi cống Cái Lớn – Cái Bé để kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, Sở NN&PTNT Cà Mau kiến nghị UBND tỉnh bố trí gấp nguồn vốn hơn 39 tỷ đồng để thực hiện giải pháp khẩn cấp.

Thiếu nước sinh hoạt

Theo báo cáo của các địa phương và qua rà soát, khảo sát thực tế, thời gian qua, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau ở mức độ gay gắt và kéo dài. Thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, trong đó có vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Tới nay, toàn tỉnh có hơn 3.700 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.

Kiên Giang – Cà Mau khẩn cấp phòng chống hạn, mặn ảnh 1

Người dân mua nước ngọt.

Là địa phương gặp khó khăn trong việc khoan giếng nước, lãnh đạo UBND xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) cho biết, xã có ấp 5 và Mũi Tràm A từ trước đến nay người dân không khoan được giếng, chủ yếu trữ nước mưa để sinh hoạt.

“Hai ấp này khoan xuống gặp đá hoặc mạch nước ngầm bị nhiễm mặn nên người dân chỉ dùng trong tắm rửa, giặt giũ. Còn nấu ăn chủ yếu dùng nước mưa, nhưng sợ hạn kéo dài sẽ thiếu nước”, vị lãnh đạo xã Khánh Bình Tây Bắc nói.

Để giải quyết nguồn nước ngọt cho dân, Sở NN&PTNT Cà Mau vừa kiến nghị UBND tỉnh bố trí gấp nguồn vốn hơn 39 tỷ đồng, để đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho nhóm dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán.

Đối với nhóm dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán, Sở NN&PTNT đề xuất cấp phát một bồn nhựa loại 1m3 để trữ nước cho 758 hộ đặc biệt khó khăn, không có dụng cụ trữ nước, cần sự hỗ trợ (có sổ/chứng nhận). Đối với nhóm sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng, sở đề xuất kéo dài mạng ống tại 6 công trình cấp nước tập trung, tổng chiều dài đường ống khoảng 83,5km.

Kiên Giang – Cà Mau khẩn cấp phòng chống hạn, mặn ảnh 2

Người dân trữ nước ngọt trong lu, khạp dùng trong sinh hoạt. Ảnh: Tân Lộc.

Trước mắt, sở đề xuất huy động lực lượng đoàn viên thanh niên và lực lượng vũ trang và người dân địa phương tham gia lắp đường ống nổi trên mặt đất và vòi nước công cộng, để cho người dân thuận tiện lấy nước sử dụng. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, giúp người dân nông thôn đảm bảo nước sinh hoạt trong điều kiện thiên tai, hạn hán.

Vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé kiểm soát mặn

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, đến đầu tháng 2/2024, trên sông Cái Bé độ mặn 4 phần nghìn, xâm nhập sâu khoảng 15km (ghi nhận tại xã Minh Hòa, huyện Châu Thành); trên sông Cái Lớn độ mặn 4 phần nghìn, xâm nhập sâu khoảng 35km (tại thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao).

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do xâm nhập mặn để kịp thời ứng phó trên địa bàn huyện Kiên Lương; ban hành lệnh xây dựng khẩn cấp công trình đắp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên (thuộc địa bàn xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương). Đến nay, việc xây dựng công trình đã cơ bản hoàn thành. Đập ngăn mặn này sẽ trực tiếp bảo vệ khoảng 50.000 ha lúa đông xuân 2023-2024 của huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô và một số hệ thống cống trên địa bàn tỉnh, để ngăn mặn, giữ ngọt. Riêng các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn như An Biên, An Minh đã đắp mới, gia cố các đập đất ngăn mặn theo thời vụ.

Kiên Giang – Cà Mau khẩn cấp phòng chống hạn, mặn ảnh 3

Ngày 10/3, cống Cái Lớn vận hành 7/11 cống kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Ảnh: Nhật Huy.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Lâm Minh Thành yêu cầu, các ngành có liên quan, các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn phối hợp, ưu tiên cân đối nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024. Trong đó, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Ông Lê Tường Minh – Phó Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL (Công ty TNHH MTV khai thác Thuỷ lợi Miền Nam) cho biết, dự báo tình hình xâm nhập mặn tháng 3/2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 3 – 4/2024 và khả năng kết thúc muộn. Dự báo trong tháng 3/2024 xuất hiện 2 đợt triều cường (đợt 1 từ ngày 5 – 9/3 và đợt 2 từ ngày 14 – 17/3).

“13 giờ ngày 10/3, cống Cái Lớn vận hành 7/11 cống kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Tùy theo diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn công trình sẽ tiếp tục vận hành phù hợp, đảm bảo sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân trong vùng”, ông Minh thông tin.

MỚI - NÓNG