Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR – chủ đầu tư) vừa gửi Sở Giao thông Vận tải TPHCM phương án giá vé cho giai đoạn đầu vận hành đối với tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) để trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.
Theo đó, MAUR đề xuất giá vé lượt đối với tuyến metro số 1 là 9.000 - 23.000 đồng/lượt (thay đổi theo cự ly chuyến đi). Giá vé tích tiền (nạp tiền trước vào thẻ đi tàu) từ 6.429 – 17.293 đồng mỗi lượt, tức là bằng 75% giá vé lượt.
Ngoài ra, MAUR còn đề xuất loại vé đi trong 1 ngày với giá 46.000 đồng và vé sử dụng trong 3 ngày với 104.000 đồng và vé tháng giá 320.000 đồng. Các loại vé trên sẽ không bị giới hạn số lượt đi lại.
Đối tượng là học sinh, sinh viên sẽ được giảm 50% khi mua vé tháng. Chủ đầu tư đề xuất miễn phí vé đi metro cho một số đối tượng ưu tiên, gồm: trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, người trên 70 tuổi, người có công với cách mạng…
Theo MAUR, giá vé bình quân cho tuyến metro số 1 cao hơn khoảng 77,89% so với giá vé bình quân của các tuyến xe buýt phổ thông, trong khi chi phí vận hành cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu tăng giá vé tuyến metro số 1 thì sẽ làm giảm sản lượng hành khách vận chuyển nên trong thời điểm vận hành ban đầu, TPHCM không nên tăng giá vé để khuyến khích người dân sử dụng metro. Trường hợp cần thiết phải tăng giá vé, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra lộ trình, thời gian phù hợp khi hành khách đã hình thành thói quen đi lại trên tuyến.
TPHCM đã nhập từ Nhật 13 trong tổng số 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1, sẵn sàng cho giai đoạn chạy thử nghiệm. |
Theo dự báo của chủ đầu tư, sản lượng hành khách trong năm đầu tiên của tuyến metro số 1 có thể đạt gần 68.000 lượt khách/ngày. Trong năm đầu tiên, tổng doanh thu sau thuế ước đạt 224,9 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán vé là 201,6 tỷ đồng, doanh thu ngoài vé là 48,3 tỷ đồng. Tiền trợ giá (không bao gồm chi phí khấu hao thiết bị) ước tính là 401,5 tỷ đồng và trợ giá đã bao gồm chi phí khấu hao thiết bị là 928,4 tỷ đồng.
MAUR còn cho rằng, tiền trợ giá những năm đầu tiên vận hành metro số 1 có thể tăng cao và sẽ giảm dần các năm về sau trong điều kiện hệ thống thu phí tự động được nâng cấp, hành khách có nhiều sự lựa chọn các loại hình vé phù hợp với nhu cầu, khả năng kết nối và trung chuyển hành khách cao, kết hợp với các chính sách an sinh xã hội, khuyến khích hành khách tham gia vận tải hành khách công cộng.
Trước đó, để tuyến metro số 1 vận hành hiệu quả, MAUR đề xuất sớm triển khai dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1.
Đồng thời, chủ đầu tư kiến nghị điều chỉnh các tuyến xe buýt đang hoạt động dọc hành lang tuyến metro số 1 theo hướng kết nối và trung chuyển hành khách cho metro nhằm tránh sự trùng lắp và cạnh tranh giữa tuyến metro số 1 và các tuyến xe buýt.
Theo MAUR, việc đầu tư phát triển mạng lưới xe buýt gom có thể sẽ làm tăng mạnh lượng khách của tuyến metro số 1 lên 110.000 lượt hành khách/ngày.
Dự án tuyến metro số 1 khởi công vào năm 2012 với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Toàn tuyến có chiều dài gần 20km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức) gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đến nay, TPHCM đã nhập về 13/17 đoàn tàu, sẵn sàng cho việc chạy thử nghiệm từ giữa năm nay trước khi đưa vào vận hành thương mại vào năm 2023.