Máy bay dừng khai thác sau báo lỗi động cơ của nhà chế tạo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dòng động cơ máy bay của nhà sản xuất Pratt & Whitney được trang bị trên máy bay A320 Neo có nguy cơ bị lỗi dẫn tới phải tạm dừng khai thác để sửa chữa, nhưng do thiếu phụ tùng nên việc này có thể bị kéo dài cả năm cho 1 động cơ. Điều này có thể ảnh hưởng lớn tới việc khai thác của các hãng hàng không Việt Nam thời gian tới.

Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney (P&W, Mỹ) vừa công bố việc có hơn 1.000 động cơ PW1100G (PurePower Geared Turbofan có bánh răng - GTF) gặp lỗi sản xuất, cần phải thu hồi để khắc phục. Đây là loại động cơ được trang bị phổ biến trên dòng máy bay A320Neo và A321Neo. Dự kiến, toàn thế giới có 57 hãng hàng không bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, dù nhà sản xuất chưa công bố thông tin chính thức nhưng dự kiến sẽ có một số hãng hàng không bị ảnh hưởng, đáng kể nhất là Vietnam Airlines và Vietjet - hai hãng đang sử dụng nhiều máy bay A320/321, trong đó nhiều máy bay trang bị động cơ của Pratt & Whitney sản xuất.

Máy bay dừng khai thác sau báo lỗi động cơ của nhà chế tạo ảnh 1

Dự kiến, các hãng hàng không Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng về khai thác do máy bay phải dừng để bảo dưỡng động cơ (Ảnh minh hoạ: H. Việt).

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, hãng có 20 máy bay A321Neo trang bị động cơ của Pratt & Whitney. Tới nay, nhà sản xuất vẫn chưa thông báo chính thức cho hãng về việc triệu hồi động cơ để sửa chữa, khắc phục.

“Các động cơ thuộc diện thu hồi sẽ phải tháo rời để khắc phục nên buộc phải dừng hoạt động. Căn cứ vào thông số nhà sản xuất báo cáo, chúng tôi đang rà soát để đánh giá, phân loại số lượng động cơ và máy bay bị ảnh hưởng. Sơ bộ, Vietnam Airlines có khoảng 12 máy bay A321Neo phải dừng khai thác để tháo động cơ kiểm tra, nhằm đảm bảo an toàn khai thác”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, việc sửa chữa khắc phục các động cơ bị lỗi sản xuất dự kiến kéo dài hơn so với trước đây, do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn tới thiếu phụ tùng thay thế. Trong điều kiện bình thường, việc khắc phục 1 động cơ cần từ 75 - 90 ngày, nhưng giai đoạn hiện nay có thể cần tới 200 ngày, thậm chí hơn. Chi phí sửa chữa cho 1 động cơ khoảng 1 triệu USD.

“Đây là rủi ro với hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng. Do vừa phải đảm bảo đưa động cơ vào sửa chữa, bảo dưỡng, vừa phải có giải pháp bổ sung số lượng máy bay bị thiếu do dừng khai thác” ông Hà nói thêm. Để chủ động ứng phó, Vietnam Airlines đã và đang đàm phán với các nhà cho thuê máy bay để thuê một số máy bay bổ sung cho số máy bay phải tạm dừng khai thác.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết hiện việc thuê máy bay không dễ do nhu cầu của các hãng hàng không trên thế giới tăng cao. Hãng đang xem xét lại kế hoạch bán một số máy bay có tuổi khai thác cao, cùng đó thuê thêm 4 máy bay dịp cao điểm Tết sắp tới. Dự kiến năm 2024 sẽ thuê thêm 3 máy bay thân rộng (B787) và 3 máy bay thân hẹp (A320).

Với Vietjet Air, hãng này chưa công bố chính thức thông tin về máy bay bị ảnh hưởng bởi việc triệu hồi sửa chữa động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney, nhưng thông tin chưa chính thức cũng có một số máy bay bị ảnh hưởng.

Trước đó, vào năm 2016, Vietjet đã ký hợp đồng với Pratt & Whitney đặt mua động cơ PurePower Geared Turbofan để trang bị cho 63 các máy bay A320Neo và A321Neo, với giá trị hơn 3 tỷ USD.

Sau đó, tháng 11/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Vietjet và Pratt & Whitney tiếp tục ký 1 thoả thuận trang bị trước cho 10 máy bay của hãng bằng động cơ PurePower Geared Turbofan, kèm chương trình quản lý động cơ trong 12 năm. Đây là một phần của thoả thuận ký năm 2016 giữa 2 bên.

Theo nhà sản xuất Pratt & Whitney, việc triệu hồi động cơ PW1100G để sửa chữa do phát hiện kim loại được sử dụng để sản xuất một số bộ phận động cơ bị nhiễm bẩn, có thể gây ra các vết nứt khi sử dụng. Có khoảng 1.200 trong số 3.000 động cơ thuộc diện phải triệu hồi để kiểm tra. Loại động cơ trên được giới thiệu vào năm 2016 và là một trong hai tùy chọn động cơ có sẵn cho đơn vị khai thác máy bay Airbus A320/321Neo.

Công ty mẹ của Pratt & Whitney tuyên bố, dù lỗi trên không phải là mối đe dọa, nhưng việc khắc phục sẽ rất tốn kém và các hãng hàng không sẽ được nhà sản xuất bồi thường.

Theo cập nhật của trang thống kê máy bay toàn cầu Planespotters, tính tới ngày 16/12, cả 5 hãng bay thương mại chính của Việt Nam đều đang sử dụng dòng máy bay A320/321. Cụ thể, Vietnam Airlines đang khai thác 56 chiếc A321; Vietjet có 16 máy bay A320 và 54 máy bay A321; Bamboo Airways khai thác 3 máy bay A320 và 4 máy bay A321; Pacific Airlines có 4 chiếc A320; Vietravel Airlines có 3 chiếc A321.

MỚI - NÓNG