Máy ảnh vỉa hè

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, tôi thường vào TPHCM công tác rồi ngẩn ngơ lạc vào “vương quốc máy ảnh” của thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông”. Con phố lớn nhất, xa xỉ nhất là đường Nguyễn Huệ nằm ngay trước UBND thành phố chính là “phố máy ảnh” với mấy chục tiệm bán máy ảnh sang trọng, những cửa hàng in phóng ảnh và cả các studio…

Phố máy ảnh

Anh Phương - thợ sửa máy ảnh ở phố Nguyễn Huệ nói: “Đường Nguyễn Huệ vốn là kinh đô của máy ảnh. Máy móc được đưa về từ nước ngoài, bán khắp cả nước. Các thợ ảnh từ tỉnh thành cũng kéo lên mua sắm. Du khách trong nước và nước ngoài tới kiếm máy phim, máy số trong các chuyến du lịch. Thậm chí người Nhật Bản cũng sang đây tìm mua những chiếc máy ảnh do chính họ sản xuất vì giá rẻ hơn!”.

Máy ảnh vỉa hè ảnh 1

Người chụp ảnh dạo và các bạn trẻ. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Anh Phương làm nghề sửa máy ảnh thôi, nhưng cuộc sống rất sung túc. Anh nói: “Lúc đông khách, mỗi ngày sửa máy ảnh cũng kiếm vài chỉ vàng. Lâu lâu rảnh rỗi, đi du lịch để tiêu tiền, chẳng phải nghĩ ngợi gì, thậm chí vào cả sòng bài chơi cho hết tiền rồi về sửa máy ảnh tiếp”.

Anh Lễ, nghệ nhân sửa máy ảnh tại TPHCM nói: “Khi những chiếc điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh đã trở nên quá đỗi bình thường trong xã hội thì người ta lại thích đi du lịch, đi chơi với một chiếc máy ảnh bé xíu lủng lẳng trên tay”.

Ở Thương xá Tax có tiệm ảnh trưng bày chiếc máy ảnh cổ bằng gỗ có từ thời Pháp. Nó là nhân chứng cho một thời nhiếp ảnh đầu thế kỷ 20. “Tương truyền” chiếc máy ảnh ấy do người Việt làm ra. Rồi cả chục cửa hàng bán máy ảnh cổ. Một nhà sưu tầm máy ảnh, cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh tiếng tăm, đưa tôi tới nhà chơi. Anh giới thiệu bộ sưu tầm máy ảnh hiệu Leica lừng danh. Trị giá của chúng tương đương cả căn hộ khu trung tâm. Anh nói: “Mình muốn làm một nhà triển lãm trưng bày máy ảnh lớn nhất Việt Nam để mọi người tới thưởng ngoạn”.

Nghề nhiếp ảnh vốn là một nghề thời thượng, kể cả những người chụp ảnh dạo ở đường Nguyễn Huệ cũng “sang chảnh” chọn khách mà chụp. Người ta kể rằng có người chụp ảnh dạo ở con phố Nguyễn Huệ có tới 5 bà vợ. Họ đều là các cô thôn nữ lên thành phố chơi, chụp ảnh lưu niệm ở bến Bạch Đằng rồi đi theo ông “phó nháy” có cái túi cóc đeo ngang hông đựng đầy tiền.

Dâu bể

Sự thay đổi lớn xảy ra khi Thương xá Tax cổ kính được phá dỡ đi để xây dựng công trình mới. Hôm thương xá được ầm ầm tháo dỡ, người chủ tiệm máy ảnh ở đây nói với tôi: “Giá mặt bằng tăng chóng mặt. Nhiều mặt hàng xa xỉ phẩm tràn vào phố Nguyễn Huệ và chúng em không thể cầm cự được”. Anh chào tôi và về nhà kinh doanh. Hàng chục năm, người trên phố không gặp lại người chủ tiệm máy ảnh ấy nữa. Chiếc máy ảnh cổ bằng gỗ cũng theo chủ mà rời xa con phố máy ảnh năm nào.

Máy ảnh vỉa hè ảnh 2

Những chiếc máy ảnh cổ đang hút hàng. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Hiện nay, trên phố Nguyễn Huệ chỉ còn lại vài cửa hàng bán máy ảnh nhưng cũng khá vắng khách.

Vợ chồng một chủ tiệm bán máy ảnh về mở cửa hàng ở khu quận 5. Gặp lại tôi, người chủ nói: “Bọn chị đi xa khu trung tâm, buôn bán khó khăn. Trước kia trong tiệm có vài trăm chiếc máy ảnh thì nay chỉ có vài chục cái”. Cửa hàng máy ảnh Xuân Sơn từ phố Nguyễn Huệ dời về phố Trần Hưng Đạo và là một trong những cửa hàng hiếm hoi vẫn giữ được nét xưa: ngoài bán máy ảnh, trong in phóng ảnh bằng Minilab.

Một anh chàng nhiếp ảnh ở quận 4 nhận in ảnh tại nhà qua các hợp đồng bằng tin nhắn, zalo. Trong đại dịch COVID-19, anh này vẫn lặn lội mặc đồ bảo hiểm đi trả ảnh cho khách tại các vùng bị phong tỏa. “Hàng” là ảnh thẻ, ảnh hồ sơ xin việc, hộ chiếu… Anh nói: “Các tiệm phóng ảnh ế ẩm, cứ lùi dần vào các ngõ và cuối cùng là làm tại nhà”.

Giữ chút đam mê

Cái máu nhiếp ảnh vẫn nguyên vẹn trong những nghệ sĩ đất Sài thành. Nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc chia sẻ: “Sau khi nghỉ hưu, Đỗ Ngọc lại có nhiều thời gian đi đây đó sáng tác. Tháng nào mình cũng lên đường cùng đám bạn là các nữ nhiếp ảnh gia để nhớ lại một thời thanh xuân”.

Nghề sửa máy ảnh vẫn còn đó, chỉ có điều nó không hiện diện ở các con phố mà lui vào hẻm. Anh Phương, người thợ ảnh quen biết của tôi năm xưa nay về nhà nhận máy sửa cho khách quen. Anh Lễ - một nghệ nhân sửa máy ảnh trước đây hành nghề ở con phố trung tâm nay về sửa tại nhà. Anh Lễ nói: “Khách của tôi đến từ mọi vùng miền trên cả nước. Tôi ngạc nhiên khi khách gửi cả trăm chiếc máy ảnh du lịch kỹ thuật số thời kỳ đầu, thậm chí rất nhiều máy ảnh chụp phim của những năm 1990. Phải chăng chiếc điện thoại thông minh tối tân không thể thay thế được chiếc máy ảnh du lịch cổ điển?”.

Nghệ sĩ piano Thùy Yên (Nhạc viện TPHCM) bật mí: “Ngoài thời gian giảng dạy, biểu diễn âm nhạc, sở thích của tôi là chụp ảnh chim”. Nhiếp ảnh gia gạo cội Thi Thơ nói: “Mỗi năm Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh tổ chức hàng chục cuộc thi ảnh chủ đề về thiên nhiên về cuộc sống, số lượng người tham gia và số tác phẩm gửi dự thi ngày mỗi nhiều”.

Hồi sinh máy ảnh xưa

Trên nhiều “phố online” các trang mạng, máy ảnh cũ được rao bán nhộn nhịp. Cuộc sống càng hiện đại thì con người càng có xu hướng hoài cổ.

Anh Lễ nói: “Các hãng máy ảnh tiếng tăm như Leica, Nikon, Fuji, Sony… đua nhau cho ra đời những chiếc máy ảnh số cực kỳ tối tân nhưng lại mang kiểu dáng, chức năng như máy ảnh chụp phim những năm 1990. Nhiều người thích du lịch khám phá với cái máy ảnh du lịch nhỏ xíu trên tay. Máy ảnh du lịch xưa cũ sau hàng chục năm bị bỏ xó nay bỗng cháy hàng”. Trong tiệm máy ảnh Xuân Sơn, đa số máy ảnh được bày bán là máy chụp ảnh du lịch sản xuất những năm 2000.

Nguyễn, một chàng trai buôn bán máy ảnh trong quán cà phê vỉa hè ở khu trung tâm. Nguyễn nói: “Trước kia em có cửa hàng riêng nhưng vì thời cuộc, điện thoại thông minh ra đời khiến nghề bán máy ảnh ế ẩm. Giờ em chọn quán cà phê làm nơi giao dịch”. Nguyễn tiết lộ: “Em có những sản phẩm ống kính độc lạ mà các cửa hàng và thậm chí trên trang mạng không có. Đó là cách để sinh tồn”.

Một khách hàng của Nguyễn chia sẻ với phóng viên: “Có người mua cái ống kính cũ 5 triệu đồng mà bán lại được 50 triệu đồng. Lại có người mua ống kính chục triệu bạc rồi bán được gần trăm triệu đồng. Nhưng trên tất cả, chiếc máy ảnh là sự kết nối những người đam mê nhiếp ảnh truyền thống”.

Hoàng, một tay nhiếp ảnh trẻ ở quận 12 chia sẻ: “Thời này, ai cũng có điện thoại thông minh, tự chụp ảnh cho mình. Nghề nhiếp ảnh ế ẩm. Em đã chuyển qua bay flycam, quay sự kiện, đám cưới, quảng cáo với tiền công khoảng 3 triệu/ngày. Nhưng, bay flycam nhiều trở ngại như thời tiết, độ bền thiết bị, đặc biệt là giấy phép bay… Dù thời thượng nhưng chụp quay bằng flaycam không bao giờ có thể phổ biến như chụp bằng máy ảnh”.

MỚI - NÓNG