Mátxcơva cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu phương Tây cấm dầu Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 7/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo giá dầu có thể tăng lên hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Mátxcơva cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu phương Tây cấm dầu Nga ảnh 1

Tỷ lệ các quốc gia mua dầu và khí đốt của Nga. (Đồ hoạ: Reuters)

Trong tuyên bố được phát trên sóng truyền hình nhà nước, Phó Thủ tướng Novak nêu rõ: "Một điều rõ ràng là hành động từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu. Giá cả sẽ tăng theo cách không thể dự báo trước. Đó có thể là 300 USD/thùng, thậm chí hơn".

Theo ông Novak, Nga có "toàn quyền" cấm vận dòng khí đốt chuyển qua tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc 1 khi vấp phải những cáo buộc vô căn cứ liên quan cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tuy nhiên, ông nói rằng đến nay Mátxcơva không làm như vậy. "Tôi tuyên bố một cách có trách nhiệm rằng Nga không liên quan gì đến sự tăng giá và biến động trên thị trường hiện nay”, ông Novak nói.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đang cân nhắc cấm nhập khẩu dầu từ Nga để trừng phạt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hạ viện Mỹ ngày 7/3 cho biết đang xem xét luật cấm.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo, lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu từ Nga có nguy cơ đẩy an ninh năng lượng của châu Âu vào tình thế nguy hiểm.

“Châu Âu đã chủ ý miễn trừng phạt năng lượng từ Nga. Hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu để sưởi ấm, di chuyển, sản xuất điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách nào khác trong lúc này", ông Scholz nói trong một tuyên bố.

Thủ tướng Scholz khẳng định năng lượng nhập khẩu từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp cho các dịch vụ công và đời sống hằng ngày của người dân châu Âu.

Khoảng 40% khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, đang sử dụng khoảng 50% khí đốt của Nga, trong khi tỷ lệ của Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia lên tới khoảng 60%.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG