‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung

TPO - Được ví như những “đôi mắt thần” canh giữ chủ quyền, hai trạm ra-đa thuộc Trung đoàn ra-đa 351 (Vùng 3 Hải quân) có nhiệm vụ tầm soát các mục tiêu trên vùng biển trời rộng lớn ở khu vực miền Trung của đất nước. Với nghị lực và ý chí quyết tâm, những người lính ra-đa Hải quân đã vượt qua gian khó để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Gian nan điểm cao núi Gành

Ra đời cách đây 30 năm (24/4/1994), Trạm ra-đa 555 được bố trí đóng quân ở khu vực núi Gành thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nhiệm vụ quan sát, quản lý vùng biển hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Có mặt tại đây, PV Tiền Phong gặp những người lính ra-đa Hải quân nhiệt huyết, can trường.

‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung ảnh 1
Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 555 hành quân lên khu A trên đỉnh núi Gành trực chiến đấu. Ảnh: Nguyễn Minh

Về đơn vị công tác từ năm 1995 với vai trò nhân viên quản lý, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Bùi Viết Cường được anh em coi là “anh cả” của Trạm 555. Nhớ lại những ngày đầu gian khó, Thiếu tá Cường kể: Lúc mới đến đây nhận công tác, anh khá “sốc” vì không hình dung được đơn vị lại khó khăn đến vậy. Mùa hè thì nắng nóng ngột ngạt, mùa đông thì gió biển rít gào thổi hơi mặn và sương muối đậm đặc bao phủ khắp đơn vị. Cái gì cũng thiếu thốn, từ khuôn viên doanh trại cho đến nơi nghỉ ngơi của bộ đội. Điện đóm thì tù mù, lúc có lúc không. Khu B ở dưới chân núi còn đỡ, còn khu A nơi có một tổ công tác đồn trú trên đỉnh núi cách mực nước biển hơn 300m thì khó khăn trăm bề, nhất là nguồn nước sinh hoạt.

“Việc đưa nước lên khu A có thể xem là 'kỳ tích' của chúng tôi. Từ trạm trưởng cho đến cán bộ, chiến sĩ phải thay phiên nhau gùi trên lưng mỗi người một can nước 20 lít đưa lên đỉnh núi cho tổ công tác trực chiến đấu. Hồi đó chưa có đường bậc thang như bây giờ, chỉ có đường mòn, dốc đá nên anh em vừa đi vừa phát cây vạch đường rất khó nhọc, vì thế chúng tôi mới đề ra khẩu hiệu: Nước là máu, xin hãy tiết kiệm. Khó khăn, vất vả là thế nhưng anh em đoàn kết, không ai than trách một lời. Tôi thích ứng dần, rồi gắn bó luôn với đơn vị từ đó”, Thiếu tá Cường tâm sự.

‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung ảnh 2
Chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho kíp trực chiến đấu trên đỉnh núi Gành.

Gắn bó với đơn vị hơn 10 năm, Đại uý QNCN Phạm Văn Tuấn - Trắc thủ Trạm ra-đa 555, cho biết, anh và các đồng đội sau này về trạm nhận công tác đã may mắn hơn những thế hệ đầu tiên ở đây rất nhiều. Bởi lẽ, năm 2012, đơn vị được cấp trên quan tâm tổ chức biên chế trang bị mới hiện đại hơn, quy mô hơn.

“Quá trình vận chuyển, xây dựng và lắp đặt trang thiết bị chuyên ngành cùng một số công trình phục vụ sinh hoạt trên điểm cao núi Gành cũng rất gian nan, do tuyến đường hành quân chỉ là bậc thang đi bộ với gần 1.500 bậc. Khi đó, ngoài thực hiện nhiệm vụ ca trực thì tôi cùng với anh em ở trạm lại phụ giúp đội thi công lắp đặt kéo, vác trang bị lên núi, hầu hết chỉ bằng sức người”, Đại úy QNCN Tuấn chia sẻ.

‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung ảnh 3
Nhân viên Trạm ra-đa 555 tăng gia sản xuất tại khu A trên đỉnh núi Gành.

Đại úy Võ Thanh Tuấn - Chính trị viên Trạm ra-đa 555 cho biết, để giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác và gắn bó với đơn vị, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần luôn được chú trọng, nhất là trong những dịp lễ, tết.

Dịp Tết năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để cán bộ, chiến sĩ đón xuân mới thật ấm áp. Nếu như trước đây, đơn vị chỉ tập trung tăng gia sản xuất ở khu B dưới chân núi thì giờ trên khu A đã có vườn rau nhiều chủng loại được xây gạch, rào thép B40 và phủ rèm chắn gió, đồng thời chăn nuôi được cả lợn và gà. Mỗi độ xuân về, người lính Trạm ra-đa 555 chúng tôi lại quây quần bên nhau như một đại gia đình và cùng quyết tâm canh gác chủ quyền đất nước để hậu phương đón năm mới an vui”, Chính trị viên Trạm ra-đa 555 nói.

‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung ảnh 4
Phút nghỉ chân trên đường hành quân lên đỉnh núi Gành của cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 555
Theo Đại úy Võ Thanh Tuấn - Chính trị viên Trạm ra-đa 555, trải qua 30 năm xây dựng, đơn vị giờ đã có nhiều thay đổi. Các công trình đã được kiên cố hoá, đã có điện, nước sinh hoạt. Vất vả nhất hiện nay là những lần hành quân thay ca trực và những khi phải mang vác vật tư lên núi. Mỗi lần vận chuyển hàng hoá lên phải mất vài giờ mới lên tới điểm trực chiến đấu.

Quyết tâm không bỏ sót mục tiêu

Rời Trạm ra-đa 555, chúng tôi tới Trạm ra-đa 3512 cùng đóng quân trên địa bàn huyện Phù Cát. Đang chăm chú dõi theo những đốm sáng xanh đỏ nhấp nháy và các đường kẻ ngang dọc đan xen trên màn hình ra-đa tại phòng máy, Trung tá Hoàng Thanh Hải - Trạm trưởng Trạm ra-đa 3512 vội ra đón khách. Sau khi chào theo phong cách nhà binh, anh phân trần: “Có nhà báo đến thăm đơn vị, anh em rất phấn khởi. Song trong ca trực, ngồi trước màn hình là vào vị trí chiến đấu để nắm diễn biến, theo dõi chặt chẽ từng mục tiêu, không giây phút được phép lơ là, mất tập trung”.

‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung ảnh 5
Kíp trực của Trạm ra-đa 3512 cơ động thực hiện nhiệm vụ.

Theo Trung tá Hải, Trạm ra-đa tầm xa 3512 thành lập ngày 2/11/2019, trang bị khí tài hiện đại, tầm quan sát có thể đạt tới 200 hải lý, nắm bắt kịp thời từ xa hoạt động của các tàu thuyền qua lại trong khu vực biển đơn vị quản lý. Hàng ngày, “mắt thần” quét sóng liên tục 24/24, và cũng chừng ấy thời gian, bộ đội ở trạm phải chia ca trực. Ca nào cũng phải tập trung cao độ quan sát, dõi mắt theo từng mục tiêu trên màn hình máy tính một cách tỉ mỉ, chặt chẽ.

Ngoài các màn hình phát sóng tần số cao, các chiến sĩ còn phải quan sát khu vực gần bờ bằng ống nhòm đặc dụng. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, những chiến sĩ “áo vằn cánh sóng” không một phút nghỉ ngơi, căng thẳng bám sát mục tiêu trên không, dưới biển. Nhờ tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm không bỏ sót mục tiêu của cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 3512 mà nhiều hoạt động trái phép trên biển đã bị phát hiện và xử lý kịp thời, kết quả theo dõi các mục tiêu trong vùng quan sát đạt 99,8%.

‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung ảnh 6
Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 3512 bảo dưỡng khí tài ra-đa.

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thì trạm còn làm nhiệm vụ quan sát, phát hiện các tàu thuyền gặp nạn biển để thông báo cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ chính quyền và nhân dân trên địa bàn phòng chống thiên tai.

“Là đơn vị ra-đa hiện đại bậc nhất của Hải quân Việt Nam hiện nay, ngoài việc chủ động nghiên cứu tài liệu mới, anh em trong đơn vị còn tham khảo chuyên gia trong quá trình lắp đặt, nắm chắc quy trình khai thác các trang bị hiện đại. Những người giỏi sẽ được chọn và giao kèm cặp, bồi dưỡng người mới và tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện khó khăn để nâng cao trình độ, bản lĩnh xử trí các tình huống”, Trung tá Hải nói.

‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung ảnh 7
Giờ sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 3512.

Tốt nghiệp Học viện Hải quân vào tháng 8/2019, sau hơn 2 năm công tác tại Trạm ra-đa 540 ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), đầu năm 2022, Trung úy Nguyễn Sư Tùng về nhận nhiệm vụ tại Trạm ra-đa 3512 và đại diện cho lớp sĩ quan trẻ tận tâm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Anh tâm sự: “Năm nay, tôi ở lại đơn vị trực Tết, dù rất nhớ nhà nhưng tôi xem đây là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người lính chúng tôi đối với Tổ quốc mình. Đất nước bình yên và mọi người dân đón năm mới hạnh phúc là động lực để tôi cùng đồng đội luôn sẵn sàng chấp nhận mọi gian lao, thử thách”.

Trung tá Hoàng Thanh Hải - Trạm trưởng Trạm ra-đa 3512, cho biết, kết quả huấn luyện khả quan những năm qua chính là nguồn động lực để cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục phấn đấu nâng cao trình độ sử dụng các loại ra-đa, trang bị kỹ thuật; duy trì tốt ra-đa quan sát, phát hiện kịp thời, không để sót lọt mục tiêu trong khu vực được phân công, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, xứng đáng là “mắt thần” canh biển, gác trời của Tổ quốc.
‘Mắt thần’ Hải quân gác biển, canh trời miền Trung ảnh 8
Quán triệt nhiệm vụ cho kíp trực của Trạm ra-đa 3512.
Tin liên quan