Ma men

Ma men
TP - Ngoài các nhà máy lớn sản xuất hàng nghìn triệu lít rượu, bia mỗi năm; ngoài lượng rượu, bia “chảy” vào trong nước bằng nhiều con đường, ở nông thôn còn có vô số lò rượu của gia đình.

Có nơi cả làng, cả xã nấu rượu. Tỉ lệ thuận với sự gia tăng rượu bia là gia tăng các căn bệnh do nó gây ra, các vụ bạo hành, tai nạn giao thông, số vụ ly hôn và các tệ nạn xã hội khác.

Vấn nạn rượu bia đang là một trong những căn bệnh làm cho chúng ta chưa lớn được cả về thể xác lẫn tinh thần.  Khoan nói đến số tiền hàng năm dân ta bỏ ra cho khoản này. Chỉ xin nói đến cái di hại của nó đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của thế hệ công dân trẻ Việt Nam.

Một thực tế đáng lưu tâm là đội quân tình nguyện làm đệ tử ma men ngày càng được trẻ hoá đến chóng mặt. Sinh viên cũng có một bộ phận không nhỏ mà thời gian ngồi quán nhậu còn nhiều hơn ngồi thư viện, giảng đường.

Chỉ cần ghé qua quán xá làng đại học Thủ Đức (TPHCM), sẽ nghe những câu chuyện ly kỳ về những bợm nhậu sinh viên. Số thanh niên ngồi quán nhậu, nghiện rượu bia nhiều hơn số thanh niên say mê luyện tập thể dục thể thao.

Để nhận biết được độ “khúc xạ” chân dung người Việt Nam qua “lăng kính” rượu bia, nhân đây tôi xin mạo muội đề nghị với cơ quan chức năng (hoặc báo Tiền phong) tiến hành cuộc điều tra khảo sát mấy vấn đề sau:

a. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ bao nhiêu lít rượu, bia? Tính bình quân đầu người là bao nhiêu lít/năm?

b. Số rượu bia đó qui ra tiền là bao nhiêu?

c. Số người chết vì bệnh tật do rượu bia/năm là bao nhiêu?

d. Số người chết vì tai nạn giao thông do rượu bia /năm là bao nhiêu?

e. Số vụ bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội do rượu bia/năm là bao nhiêu?

f. Số vụ ly hôn do rượu bia/năm là bao nhiêu?

g. Và những di hại vô hình khác.

Trên cơ sở đó có thể so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới để thấy được cái di hại của rượu bia với người Việt ta đến mức nào.

Kết quả khảo sát này sẽ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường học, công sở… Những con số đó sẽ góp phần điều chỉnh việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá - giáo dục của đất nước.

Chúng ta đã có một chương trình để nâng chiều cao cho những công dân trẻ tương lai, như thế chưa đủ. Hãy quan tâm và chăm lo nhiều hơn nữa. Những công dân tràn đầy sinh lực, tinh thần lành mạnh mới là tài sản vô giá của quốc gia.

Lê Vương Kiều Trang
Thành phố Hồ Chí Minh

MỚI - NÓNG