Theo quan điểm của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, trước tiên cần có thái độ nhất quán khoa học trong xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi. Lẽ thường, trẻ em có tầm nhận thức không cao, không nhận thức được các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngay cả các trường hợp thường gặp như đánh nhau, bạo lực học đường, để răn đe, giáo dục cũng cần tình tới xử lý hình sự. Nhưng để đảm bảo tương lai của các em và quyền trẻ em thì chỉ nên áp dụng hình phạt nhẹ, hoặc các biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính giáo dục. Như vậy vừa đáp ứng được mục đích phòng, chống tội phạm, vừa đảm bảo quyền trẻ em, vừa tạo cơ hội cho các em cải tạo, tu dưỡng thành người có ích.
Từ lập luận đó, đại biểu Nhưỡng cho rằng, nhân đạo phải có đạo lý, chứ nhân đạo không dựa trên nền cảm tính. Đất nước trước còn lạc hậu, trẻ em chưa được chăm sóc, giáo dục đến nơi đến chốn. Bây giờ xã hội phát triển, trẻ em đã được gia đình và xã hội chăm sóc tốt hơn trước rất nhiều. Nhưng chúng ta không “đón lõng” hành vi của các em để xử lý, bởi làm vậy là không đúng với tinh thần của xã hội. “Tôi là người rất cứng rắn, nhưng khi tôi xem một số clip mà các em đánh nhau, các em xâm phạm, các em dùng tuýp đánh trẻ em nữ, xé quần áo, đón đường đập nhau, tôi không thể xem được hết. Nếu điều này các vị đưa ra quốc tế, các vị cho những người nước ngoài xem thì liệu người ta có đồng tình với các vị không xử lý các em không?”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Đại biểu cho rằng, hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất cho vấn đề này. Nếu chỉ giáo dục đơn thuần sẽ không đủ sức răn đe.
Ủng hộ quy định xử lý trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, ông Nhưỡng nhấn mạnh, gắn trách nhiệm hình sự không phải cứ phải là bỏ tù các em để dẫn đến quá tải trại giam như nhiều người quan ngại.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, xử lý đối với trẻ em nên tăng các biện pháp giáo dục và hạn chế tù giam. “Có khi chuyện đánh nhau không gây tổn thương, không có phần trăm thương tích, nhưng lột quần, áo đưa lên mạng, thậm chí dẫn đến các cháu xấu hổ và tự sát, hậu quả rất nghiêm trọng. Những chuyện đó đưa ra tòa để cảnh cáo, giáo dục, hòa giải, đưa các biện pháp khác cũng là cần thiết, không nhất thiết phải đưa vào tù”, ông Bình lý giải.
Mỗi điều khoản, mỗi quy định của pháp luật được ban hành đối với lứa tuổi vị thành niên đều cần sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng giữa cái lý và cái tình, giữa sự răn đe của pháp luật với cả một tương lai còn dài ở phía trước của các em.