Hạn chế tối đa bỏ tù trẻ vị thành niên

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần hạn chế việc đưa các em vào tù mà phải tăng các biện pháp khác. Ảnh: Như Ý.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần hạn chế việc đưa các em vào tù mà phải tăng các biện pháp khác. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 24/5, có tới 47 đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) phát biểu đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Đáng lưu ý, tại phiên thảo luận này, nhiều ĐBQH tiếp tục quan tâm đến vấn đề trách nhiệm hình sự của người vừa đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Không xử lý không có nghĩa là cưng chiều

Đề cập quy định trách nhiệm hình sự của người vừa đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, ĐB Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng và không phải chịu trách nhiệm về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với các tội danh (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản) là hoàn toàn phù hợp. 

“Không nên vì một vài vụ án mà chúng ta thay đổi cả một chính sách hình sự lớn đối với trẻ em đã tồn tại ổn định lâu dài từ bộ luật năm 1999. Trẻ em chưa phát triển toàn diện đầy đủ về cả thể chất và tinh thần, nhận thức, việc phạm tội chủ yếu là do bị kích động, lôi kéo và không làm chủ được bản thân, do vậy việc xử lý hình sự đối với trẻ em là điều phải hết sức cân nhắc”, ông Xuyền nói.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng đề nghị không mở rộng phạm vi xử lý hình sự với các em độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi. Bởi độ tuổi từ 14 đến dưới 16 là độ tuổi diễn ra nhiều sự thay đổi nhất về tâm sinh lý, như tò mò, hiếu động, hành động bộc phát, thích bắt chước những điều mới lạ. Cùng với đó là sự thiếu hiểu biết về xã hội, hạn chế trong nhận thức pháp luật, dễ dẫn tới các em có những hành vi lệch chuẩn.

“Việc không xử lý không có nghĩa là chúng ta cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em, mà chúng ta sẽ phải tự hỏi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm ngày hôm nay và xử lý như thế nào là đúng mức để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước”, bà Thủy nói.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng “nhà tù không phải là nơi tốt nhất cho các cháu và đâu phải cứ áp dụng chế tài nghiêm khắc là giáo dục được trẻ em phạm tội”. Theo ĐB Hoa, trẻ em vị thành niên phạm tội một phần là do tâm lý lứa tuổi, thích thể hiện. Trong khi đó, cứ đưa 10 em vào tù thì có tới 5 em tái phạm. “Vậy có phải cứ áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất thì sẽ giáo dục được các em hay là sẽ làm cho tỉ lệ tái phạm của các em cao hơn?”, ĐB Hoa đặt vấn đề.

Về việc này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, xử lý đối với trẻ em phải tăng các biện pháp giáo dục và hạn chế các biện pháp đưa vào hình phạt cưỡng chế bằng biện pháp tù giam. Ông Bình cho rằng, cần rất hạn chế việc đưa các em vào tù mà phải tăng các biện pháp khác.

Coi chừng làm nhẹ tội cho kinh doanh đa cấp

Đề cập việc bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Đồng tình, ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng, hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường diễn ra ở hầu hết các tỉnh trong cả nước với những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý hám lợi của một số người dân. Bà đơn cử như vụ Cty Liên Kết Việt lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng của 45.000 người dân. “Bổ sung quy định loại tội phạm vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là cần thiết và phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay”, bà Thủy nói.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Xuyền lại cho rằng, không nên bổ sung tội mới này vào Bộ luật Hình sự. Lý do là, nếu có xử lý được vi phạm kinh doanh đa cấp thì mức phạt cao nhất cũng chỉ là 5 năm tù. Trong khi đó, nếu bị khép vào tội lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì kinh doanh đa cấp có thể bị phạt đến 20 năm tù hoặc chung thân. “Không cẩn thận thì việc bổ sung tội mới sẽ là nơi để trốn không phải xử lý hình sự về tội lừa đảo hoặc tội phạm về sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản”, ông Xuyền cảnh báo.

Xử lý hình sự hành vi bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Nói về  tội làm nhục người khác và tội vu khống, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phản ánh, hiện nay hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt lan truyền những nội dung biết rõ là sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm niềm tin của nhân dân, không chỉ đối với cá nhân các đồng chí lãnh đạo mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi này, cần bổ sung quy định, xử lý hình sự đối với những hành vi này.

MỚI - NÓNG