Lý do Triều Tiên vô hiệu các đòn trừng phạt của LHQ

Ảnh: Yonhap
Ảnh: Yonhap
TPO - Sau mỗi lần thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa, Triều Tiên đều bị Liên hợp quốc (LHQ) và các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ lên án và kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng đã gần như vô hiệu hóa một cách thần kỳ các đòn trừng phạt này.  

Các lệnh trừng phạt chưa đúng trọng điểm

Cho đến nay, các đòn trừng phạt của LHQ và các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ nhằm vào Triều Tiên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như hoạt động chuyển tiền, buôn bán khoáng sản, đất hiếm.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt này luôn được tăng cường mỗi khi chính quyền Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa, tuy nhiên, dường như chúng vẫn không mang lại hiệu quả rõ nét.

Ông Katsuhisa Furukawa - một cựu chuyên gia LHQ giám sát vấn đề trừng phạt Triều Tiên cho biết: thương mại với Triều Tiên nói chung không bị Hội đồng Bảo an LHQ cấm, chỉ là những biện pháp “trừng phạt có trọng điểm hầu hết ngăn ngừa việc di chuyển người, hàng hóa, công nghệ và vốn liếng liên quan đến vũ khí, cộng thêm một ít hàng xa xỉ”. 

Xây dựng hệ thống thị trường "chợ đen" khắp thế giới

Không những Triều Tiên có những thị trường mới mà còn xây dựng được những chương trình nghiên cứu và phát triển riêng cho mình mà theo các chuyên gia, thường bị đánh giá thấp hơn thực tế.

Theo một báo cáo của LHQ vào tháng 2/2017,  chính quyền Bình Nhưỡng đã bán một hệ thống phòng không trị giá 6 triệu USD cho Mozambique, bán các loại rocket và tên lửa dẫn đường cho Sudan.

Đặc biệt, cũng theo báo của LHQ, Triều Tiên đã thành lập một mạng lưới che mắt, sử dụng thị trường "chợ đen" ở khắp nơi, dùng các công ty bình phong để chuyển ngân, chuyển người, chuyển hàng hóa qua các biên giới.

Theo giới phân tích, các nguồn ngoại tệ của Triều Tiên chủ yếu được tiến hành thông qua một hệ thống phức tạp gồm các công ty bình phong và ngân hàng mà phần lớn nằm ở Trung Quốc, nhằm mục đích xóa nhoà nguồn gốc và điểm đến của các nguồn tiền.

Thụy Sĩ cũng góp phần xây dựng hệ thống tài chính ngầm của Triều Tiên. Năm 2010, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết Ngân hàng Thương mại và Đầu tư Geneve và Banca Commerciale de Lugano có một tài khoản ủy thác của ngân hàng Korea United Development Bank.

Năm 2009, một điện tín ngoại giao do WikiLeaks công bố khẳng định chi nhánh tại Geneve của ngân hàng Lloyds TSB quản lý một tài khoản ủy thác của Tanchon Commercial Bank, một nhánh tài chính của Komid, công ty xuất khẩu vũ khí Triều Tiên. 

Ngoài ra, để tránh né các đòn trừng phạt của LHQ, chính quyền Bình Nhưỡng đã sử dụng công ty "giả mạo" và tàu mang cờ nước ngoài. Năm 2016, Ai Cập đã chặn giữ tàu Jie Shun, thuyền trưởng người Triều Tiên và treo cờ Campuchia.

Theo giới chuyên gia, dù là kín đáo hay công khai, những quốc gia như Trung Quốc hay Nga, khu vực Đông Nam Á, châu Phi hay Trung Đông đều đã được Triều Tiên sử dụng như những tuyến vận chuyển.

Nền kinh tế tự cung tự cấp vững mạnh

Từ lâu bị xem là một nước nghèo nàn, thực ra Triều Tiên đã xây dựng được cho mình một nền kinh tế tự cung, tự cấp, làm lợi cho tầng lớp giàu có của họ.

Tháng 4/2017, Bình Nhưỡng phô trương một khu dinh thự hạng sang, trong bối cảnh các thành phần nhà giàu mới ở Triều Tiên, dù chưa đông, nhưng nhiều tiền của, được ghi nhận là không ngần ngại phô bày những chiếc điện thoại thông minh hay những vật dụng xa xỉ.

Đối với giới quan sát, đây là những dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế tự nuôi dưỡng được mình, có khả năng tài trợ cho chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa và hạt nhân.

Theo bà Anwita Basu - chuyên gia tham vấn về Triều Tiên, lệnh trừng phạt của LHQ không ngăn được việc kinh tế Triều Tiên trở thành một loại “thú tự sản sinh”: Nghe qua có vẻ kỳ quặc, nhưng đó là một nền kinh tế có thể tồn tại và thịnh vượng mà không lệ thuộc vào phương Tây và cũng không phải là một nền kinh tế tư bản tân tự do”.

Hoạt động biên mậu vẫn diễn ra bình thường

Rất hiếm số liệu về kinh tế Triều Tiên song báo New York Times đánh giá, vào tháng 4/2017, tăng trưởng hàng năm của Triều Tiên ở mức từ 1-5%. Trung Quốc là trụ cột của kinh tế Triều Tiên, chiếm ít nhất 90% thương mại của nước này vào năm 2016. 

Đặc biệt, trao đổi thương mại vẫn tiếp tục được tiến hành giữa Trung Quốc và Triều Tiên và không gặp trở ngại, các chủng loại xe tải vẫn nối tiếp nhau tại thành phố giáp ranh Đan Đông, trên cầu Hữu Nghị bắc ngang sông Áp Lục.

Ngoài Trung Quốc, Triều Tiên còn trao đổi thương mại với Nga. Bình Nhưỡng và Moscow đã ký thỏa thuận tăng trao đổi lên 1 tỷ USD từ nay đến năm 2020, và xây dựng đường xe lửa nối liền vùng biên giới Nga với thành phố Rajin, Triều Tiên. Vào tháng 5/2017, một tuyến phà được khai trương, nối liền Vladivostok và Rajin. 

Cựu phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Cohen được báo Washington Post dẫn lời cho biết quả là “một sai lầm khi nghĩ rằng Triều Tiên là một vương quốc khép kín, cắt đứt với bên ngoài, không tiếp cận được với Internet”.

Theo chuyên gia này, Triều Tiên bị nhiều bất lợi, nhưng điểm quan trọng nhất là chương trình hạt nhân và tên lửa nên các thành phần ưu tú của đất nước đều được huy động vào công việc này. 

MỚI - NÓNG